Biết và nằm lòng một số quy tắc sẽ giúp bạn có những buổi BBQ vui vẻ bên người thân và an toàn cho sức khõ mọi người.
Dân Úc ăn nhiều thịt hơn các quốc gia khác trên thế giới. Mỗi người Úc trung bình ăn khoảng 93 kg thịt mỗi năm, trong đó phần lớn là thịt nướng.
Điều này có nghĩa là người Úc dễ có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Quả vậy, theo báo cáo của OzfoodNet, có hơn 4 triệu người Úc bị ngộ độc thực phẩm mỗi năm. Trong số đó, có nhiều vụ ngộ độc hoàn toàn có thể tránh được nếu biết cách.
Ăn thịt nướng có 2 rủi ro chính: thứ nhất là nguy cơ vi khuẩn phát tán từ thịt sống sang các loại thức ăn khác, và thứ 2 là nguy cơ ăn phải thịt chưa chín.
Tại sao thịt sống có nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm?
"Thịt sống thường bị nhiễm các vi khuẩn gây ngộ độc là do quá trình chế biến", Phó Giáo sư Martyn Kirk, Trưởng khoá Thạc sĩ Dịch tễ học tại Đại học Quốc gia Úc ANU chia sẻ với SBS.
"Đó là lí do bạn phải cẩn thận khi chế biến và phục vụ thịt sống với các loại thức ăn khác. Bạn có thể bị ngộ độc nếu thức ăn bạn tiêu hoá có đủ số lượng vi khuẩn gây nhiễm trùng."
Trong các buổi nướng thịt, vi khuẩn thường lan từ thịt sống sang các thức ăn đã chín hoặc sẵn sàng khác. Việc này xảy ra có thể khi bạn dùng chung thớt để thái thịt sống và thái các loại thức ăn khác như xà lách.
Một nguyên nhân khác khiến thức ăn bị nhiễm trùng là do nhiều người thường để thịt đã nướng vào khay hoặc đĩa mà họ dùng để đựng thịt sống trước đó," giáo sư Kitk cho biết.
"Ngoài ra, cũng có thể nguyên nhân là vì thịt nướng chưa chín hẳn. Đặc biệt là thịt gà vì thịt gà chưa chín dễ sinh nhiều vi khuẩn hơn các loại thịt khác."
Nướng thịt tới khi thịt chín đều là cách hiệu quả nhất để diệt vi khuẩn trong thức ăn. Vậy nên giáo sư Kirk nhấn mạnh rằng nướng thịt đúng cách rất quan trọng.
Trước khi mang thịt mời khách, hãy dành vài giây xem xét độ nóng của thịt.
"Không phải lúc nào quan sát màu của thịt cũng sẽ giúp ta biết thịt đó đã chín chưa," giáo sư Kirk nhắc nhở.
"Cách tốt nhất để biết chắc thịt đã chín chưa là dùng một nhiệt kế nhà bếp nhạy bén chuyên dùng cho các tảng thịt lớn với nhiệt độ không đồng đều."
Nếu bạn không có nhiệt kế thì hãy nhớ lật thịt thường xuyên để thịt được chín đều.
Health Direct, dịch vụ tư vấn sức khoẻ của chính phủ Úc, thì khuyên những người thích ăn thịt tái cần bảo đảm là phần rìa ngoài của thịt đã chín, vì như vậy có nghĩa vi khuẩn ở đây sẽ bị tiêu diệt.
Còn những loại thức ăn chế biến từ thịt băm như xúc xích và chả viên rán thì phải được nấu chín hoàn toàn.
Source: Pixabay
Bảo quản đồ ăn dư an toàn
Sau bữa tiệc ngoài trời chúng ta cũng cần phải cần thận trong việc giữ và bảo quản thức ăn dư.
"Ngộ độc thực phẩm dễ xảy ra trong khoảng nhiệt độ từ 5 đến 60 độ," chuyên gia chỉ định ăn uống Jessa Obeid cho biết.
"Sau khi bạn đã nấu nướng xong và chuẩn bị cất giữ đồ ăn thừa, nhớ là thức ăn thường bắt đầu ôi thịu sau 2 đến 4 giờ. Nếu thức ăn bị để lâu quá trong khoảng nhiệt độ trên thì các vi khuẩn sẽ phát triển tới mức nguy hiểm và dễ gây ngộ độc cho người ăn.
Cô Obeid cũng khuyên mọi người nên điều chỉnh nhiệt độ tủ lanh cho dưới 5 độ C để thức ăn luôn khô ráo. Thức ăn để bên ngoài hơn 4 tiếng thì nên đổ đi.
Theo cô Obeid, quy luật tốt nhất mà ai cũng nên áp dụng với thức ăn thừa là: "nếu bạn nghi thức ăn nhà mình đã ôi thiu thì tốt nhất hãy đổ chúng đi!" (Health Direct cũng khuyên không nên để thức ăn chín bên ngoài hơn 2 tiếng trong trong nhiệt độ ấm nóng)
Những quy tắc này có vẻ lằng nhằng nhưng sẽ không khiến các buổi nướng thịt tẻ nhạt đi.
Trên thực tế, có nhiều quy tắc rất dễ dàng mà có thể bạn đã áp dụng rồi. Ví dụ là rửa tay và dao nĩa trước và sau khi chạm vào thịt sống, rửa thịt sạch, tránh để thịt sống và thịt chín cùng một khay, và cất đồ ăn thừa vào tủ lạnh sớm nhất có thể sau khi ăn.
Bạn có thể tìm thêm lời khuyên và thông tin về các buổi dã ngoại - bao gồm các buổi cắm trại và liên hoan ở công viên – của chính chủ.