Khi các siêu thị ‘giảm giá’ nhưng giá không hề giảm

Tổ chức vận động cho quyền của người tiêu thụ CHOICE cho biết họ đã tìm thấy vô số ví dụ về chiến thuật giảm giá “đáng ngờ” và “gây khó hiểu” tại hai siêu thị lớn của Úc là Coles và Woolworths.

A supermarket interior advertising specials

CHOICE wants to ban unfair pricing practices and is calling on the government to introduce rules about discounts and other promotions. Source: AAP / Lukas Coch

Bạn đã bao giờ nhìn thấy một mặt hàng được quảng cáo là “giảm giá”, nhưng khi xem kỹ nhãn mác thì mức giá mới lại cao hơn mức giá cũ?

Đây là một trong những thủ thuật được các siêu thị sử dụng để “đánh lừa” người tiêu thụ, theo tổ chức CHOICE.

Trong một cuộc khảo sát mới do CHOICE thực hiện, hơn 80% người mua hàng cho biết một số chương trình khuyến mãi do Coles và Woolworths đưa ra khiến họ không thể xác định được liệu mặt hàng đó có thực sự giảm giá hay không.

“Bạn nhìn những kệ hàng với những nhãn mác đầy màu sắc và dễ gây hiểu lầm,” một người mua hàng nói với CHOICE.

“Tất cả những gì tôi muốn biết là liệu mức giá đó đã được giảm ở mức chấp nhận được hay chưa. Mức giá ban đầu được ghi trên những nhãn mác nhỏ đến mức bạn phải nhìn bằng kính hiển vi mới thấy được.”

Cố vấn chính sách và chiến dịch cao cấp của CHOICE, bà Bea Sherwood, cho biết các siêu thị đang sử dụng một số phương thức quảng cáo “gây khó hiểu”, khiến khách hàng khó xác định được liệu họ có đang tiết kiệm tiền hay không.

“Người tiêu thụ xứng đáng được biết mức giá rõ ràng và minh bạch, để họ có thể chắc chắn rằng họ thực sự nhận được giá trị xứng đáng với số tiền bỏ ra,” bà nói.

“Chúng ta cần các quy định mới để buộc các siêu thị phải minh bạch, cũng như trao quyền cho cơ quan quản lý để bảo đảm các gã khổng lồ siêu thị hành xử công bằng.”

Dưới đây là một số thủ thuật về giá mà có thể bạn đã nhìn thấy trong siêu thị.

So sánh giá “cũ” và “mới”

Đó là khi các siêu thị đưa ra một mức giá cao “giả tạo”, sau đó quảng cáo mức giá mới thấp hơn mức cũ.

Một ví dụ được CHOICE đưa ra là tại siêu thị Coles ở Marrickville, Sydney, nơi sản phẩm Palmolive Shower Scrub Coconut Butter 400ml được quảng cáo là “giảm giá” với mức giá $4,50, so với $6,49 vào tháng 9/2017.

Nhưng đây là mức giá của hơn 5 năm trước, và hơn 3 năm rưỡi trước khi siêu thị này mở cửa.

Theo CHOICE, về mặt lý thuyết, các siêu thị có thể chọn một thời điểm khi sản phẩm có giá cao, và bỏ qua những biến động giá khác, kể cả những lúc giá thấp hơn.

“Kết quả là một sản phẩm có thể đắt hơn trước đây, nhưng các siêu thị vẫn có thể trình bày như thể đã giảm giá cho người tiêu thụ,” CHOICE cho biết trong bản đệ trình lên một uỷ ban của Thượng viện.

“Chúng tôi cũng lo ngại về tính phù hợp của việc sử dụng các biến động giá cả tự nhiên theo mùa để so sánh giá cũ và mới.”

Giá “khuyến mãi” ngang bằng với giá cũ

Một ví dụ khác là khi siêu thị dán nhãn “giảm giá”, nhưng giá cũ và giá mới lại giống nhau.

“Người tiêu thụ bị thu hút bởi nhãn mác ưu đãi và tin rằng họ đang được giảm giá, trong khi trên thực tế giá cả dường như không thay đổi.”

Một người mua hàng cho biết họ đã nhìn thấy một sản phẩm được dán nhãn giảm giá, nhưng khi kiểm tra giá gốc thì thấy giá vẫn như cũ.

Sử dụng nhãn mác gây chú ý nhưng không giảm giá

Bạn có thể đã từng thấy các nhãn mác giống như nhãn giảm giá, nhưng thực tế không phải như vậy.

Những nhãn này đôi khi có dòng chữ “trong khi còn hàng” (“while stocks last”), và được thiết kế giống như khuyến mãi, nhưng lại là mức giá thông thường.

“Một người không chú ý kỹ có thể dễ dàng nhầm tưởng rằng sản phẩm đang được giảm giá.”

Các nhãn khác có thể ghi chữ “đặc biệt mới” (“fresh special”), “mới” (“new”), hoặc “giá hữu nghị” (“introductory price”) – khiến khách hàng lầm tưởng rằng họ đang mua với giá hời.

Một ví dụ do CHOICE cung cấp là siêu thị Woolworths Metro ở Marrickville, Sydney vào ngày 4/2/2024, nơi một số mặt hàng thực phẩm khô được dán nhãn “giá thấp”, mặc dù không rõ dựa trên cơ sở nào mà giá của chúng được coi là thấp.
A display of various nuts on a store shelf with labels advertising a "low price"
A display of nut products at Woolworths Metro Marrickville, Sydney, on 4 February 2024, with labels that may mislead consumers into thinking they're getting a discount, according to CHOICE. Credit: CHOICE

Chương trình khách hàng thân thiết tạo rào cản cho người mua hàng

Nếu bạn không đăng ký chương trình khách hàng thân thiết, bạn có thể cảm thấy như mình đang bỏ lỡ cơ hội mua hàng giá hời.

Đó là bởi vì nhiều siêu thị đưa ra mức giá chỉ dành cho thành viên, và yêu cầu mọi người đăng ký để nhận ưu đãi.

Tuy nhiên, phương thức kinh doanh này khiến cho những người không phải là thành viên không được hưởng các khoản giảm giá và ưu đãi đặc biệt.

CHOICE nói rằng mọi người cần phải được tiếp cận thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu ở mức giá thấp nhất có thể.

Tổ chức này đã đưa ra một số khuyến nghị trong bản đệ trình về giá hàng hoá tại các siêu thị, trong đó họ mong muốn chính phủ cấm các chiến thuật quảng cáo gây hiểu lầm, đồng thời buộc các siêu thị phải công bố thông tin về giá cả trong quá khứ để cho phép theo dõi những thay đổi về giá.

Một phát ngôn nhân của Woolworths nói với SBS News rằng: “Chúng tôi làm việc chăm chỉ để bảo đảm tuân thủ tất cả luật tiêu dùng của Úc và thông báo giá cả một cách rõ ràng và chính xác thông qua danh mục sản phẩm, tại cửa hàng và trực tuyến.”

Còn Coles thì cho biết trong một thông cáo: “Chúng tôi rất coi trọng thông tin giá cả rõ ràng và chính xác và luôn hướng tới việc bảo đảm các sản phẩm khuyến mãi của chúng tôi đem lại giá trị cho khách hàng.”

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share
Published 22 February 2024 12:23am
By Rashida Yosufzai
Presented by Đăng Trình
Source: SBS


Share this with family and friends