Theo một phúc trình này, các gia đình có thu nhập thấp là đối tượng đang phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường tại Úc, nguyên nhân dẫn đến khoảng 3,000 ca chết yểu mỗi năm.
Lần đầu tiên, mức độ ô nhiễm được định vị trên bản đồ trong một phúc trình có tên “The Dirty Truth” do Tổ chức Australian Conservation Foundation thực hiện.Phúc trình cho thấy có hơn 90% cơ sở gây ô nhiễm đang nằm tại các vùng ngoại ô tập trung hầu hết là các gia đình có thu nhập trung bình và thấp.
Suburbs on the fringes of the major cities are among the most polluted in Australia Source: SBS
Chỉ có 0.1% những cơ sở gây ô nhiễm nằm tại khu vực giàu có của Úc, nơi mà thu nhập trung bình của gia đình ở mức trên $3,000/tuần.
“Ô nhiễm không khí là một vấn đề khí hậu và cũng là vấn đề giai cấp ở Úc. Những người Úc nghèo đang sinh sống quanh những khu vực mỏ than, khu tinh luyện hoặc tại những trạm năng lượng than là những người phải gánh lấy gánh nặng ô nhiễm, trong khi những sản phẩm tạo ra tại đây lại dành để cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho toàn nước Úc,” ông Matthew Rose, giám đốc chương trình Kinh tế của Tổ chức Australian Conservation Foundation nói.
Những vùng có chỉ số ô nhiễm cao nhất
Một thị trấn ở Queensland, Mt Isa, nơi có mỏ than Glencore, đã được xác định là khu vực ô nhiễm nhất, tiếp sau là Newman ở Tây Úc và vùng Hunter Region tại NSW.
Trong 5 vùng ô nhiễm nhất, có 3 vùng bị ô nhiễm là do khí thải từ những trạm năng lượng than. Hai vùng còn lại chịu chất thải từ các mỏ khai thác than.
Ở những vùng thành thị, tại một số khu vực gần các thành phố lớn, người dân cũng đang phải sống trong cảnh đối mặt với mức độ ô nhiễm cao.
Chẳng hạn, Botany Bay ở Sydney, Parmelia gần Perth, Altona ở Melbourne, và Port Adelaide đã được xướng tên là những khu vực ô nhiễm nặng nề.
1. Mount Isa Mines (Mt Isa, Qld)
2. Bayswater Power Station (Hunter Valley, NSW)
3. AGL Loy Yang (LaTrobe Valley, Vic)
4. Nyrstar Port Pirie (Port Pirie, SA)
5. Stanwell Power Station (Rockhampton, QLD)
Postcode 4825, Mt Isa, is the most polluted in area. Source: AAP
Kêu gọi hành động vì sức khỏe người dân
Phúc trình này nghiên cứu từ các dữ liệu phát thải lấy từ National Pollutant Inventory và dữ liệu về thu nhập hộ gia đình hàng tuần lấy từ ABS.
Dữ liệu còn bao gồm lượng phát thải hàng năm của tất cả những loại chất thải từ các cơ sở cũng như vị trí địa lý của những cơ sở này.
Từ đây, quan ngại về sức khỏe do ảnh hưởng từ việc ô nhiễm không khí đối với những công dân vốn đã gặp nhiều bất lợi trong cuộc sống đã dấy lên lời kêu gọi phải hành động theo tiêu chuẩn quốc gia, và đặt ra mức giới hạn ô nhiễm trên toàn quốc.
“Ô nhiễm không khí đã giết chết khoảng 3,000 người Úc mỗi năm, và tình hình này đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn như gây ra bệnh hen suyễn, bệnh phổi, viêm phế quản mãn tính và những bệnh về hô hấp khác,” chuyên gia kinh tế Rose cho biết.
“Trẻ em và người cao niên là đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất, đây cũng là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất từ sóng nhiệt, mà hiện tượng này cũng đang ngày càng trở nên tệ hơn do biến đổi khí hậu.”
ACF đang kêu gọi thành lập một cơ quan bảo vệ môi trường quốc gia để tăng cường thêm các tiêu chuẩn về môi trường.