Unilever và Smith bị phạt vì đưa thông tin sai lạc về sức khỏe

Các bậc cha mẹ nay càng bối rối trước các tuyên bố ‘tốt cho sức khỏe’ và ‘được căn tin trường chấp thuận’ trên bao bì các loại thức ăn nhẹ đóng gói sẵn cho trẻ em.

streetsicecream and sakata snacks

ACCC đã phạt Công ty Smith's Snackfood và Unilever Australia mỗi công ty $10,800 đô là vì đã thể hiện thông tin sai lạc về sức khỏe trên bao bì thực phẩm Source: SBS Vietnamese

Hai gã khổng lồ chuyên về đồ ăn chơi cho trẻ em vừa bị cơ quan giám sát tiêu dùng phạt cảnh cáo vì tuyên bố không đúng sự thật rằng sản phẩm của họ là thích hợp cho trẻ em.

Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng Úc (ACCC) đã phạt Công ty Smith's Snackfood và Unilever Australia mỗi công ty $10,800 đô là vì đã thể hiện thông tin sai lạc về sức khỏe trên bao bì thực phẩm của họ.

Unilever tuyên bố kem cây cầu vồng Paddle Pop Rainbow của họ đủ tiêu chuẩn được căn tin trong trường học chấp thuận, dù trong mỗi cây kem có đến 20 phần trăm là đường. Bao bì của sản phẩm này có biểu tượng ‘chấp thuận’ ở mặt trước, sau, và một mặt bên với chữ “school canteen approved”.

Trên bao bì của đồ ăn nhẹ làm từ gạo Pizza Supreme Rice Snacks của công ty Smith cũng thể hiện sản phẩm này đáp ứng những yêu cầu của căn tin trường học bằng cách sử dụng hình ảnh hôp thức ăn trưa gồm bánh mì sandwich và một trái táo với chữ “meets school canteen guidelines”.
“ACCC tin rằng cả hai công ty đã sử dụng logo cho rằng các sản phẩm này là một lựa chọn lành mạnh mà các căng tin trường học để cung cấp cho trẻ em, trong khi sự thật không phải như vậy” ACCC
ACCC cho biết bao bì của hai sản phẩm có dòng tuyên bố rằng loại thực phẩm này đáp ứng các tiêu chí hổ phách (amber criteria) trong những quy định hướng dẫn về thực phẩm trong căn tin nhà trường.

‘Amber’, nghĩa là thực phẩm có chứa một số chất dinh dưỡng có giá trị, nhưng cũng có thể có hàm lượng cao chất béo bão hòa, muối, và năng lượng, nghĩa là cần “cẩn thận khi lựa chọn” chứ không ăn uống thường xuyên hoặc với số lượng lớn.

Nhưng ACCC lưu ý rằng dòng chữ tuyên bố này rất nhỏ và không nằm trên cùng mặt với logo trên bao bì sản phẩm.

Thông cáo của ACCC viết: “ACCC không cho rằng tuyên bố này đủ nổi bật để sửa sai những thông tin gây hiểu lầm được thể hiện bằng những logos” trên bao bì.
snack foods that carry the school canteen approved logo
Paddle Pop and Smith's Chips are among many snack foods that carry the school canteen approved logo (SMH) Source: Fairfax Media
Sarah Court, ủy viên ACCC cho biết, cơ quan giám sát tiêu dùng hiện đang kiểm tra để bảo đảm những tuyên bố liên quan đến sức khỏe của các công ty lớn phải chính xác và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

“ACCC tin rằng cả hai công ty đã sử dụng logo cho rằng các sản phẩm này là một lựa chọn lành mạnh mà các căng tin trường học để cung cấp cho trẻ em, trong khi sự thật không phải như vậy”, cô Court cho biết.

“Quản lý của các căn tin trong trường học, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ, dựa vào bao bì và nhãn sản phẩm khi lựa chọn đồ ăn nhẹ lành mạnh cho trẻ em.”

Unilever và Smith's nói với ACCC họ sẽ ngưng sử dụng những biểu tượng gây hiểu lầm cho người người tiêu dùng trên bao bì của họ.
ACCC đã hành động sau khi nhận được khiếu nại từ Choice, nhóm vận động vì quyền lợi người tiêu dùng.

Tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Kieron Rooney từ Đại học Sydney hoan nghênh hành động của ACCC nhưng cho biết nhiều tập đoàn thực phẩm khổng lồ khác đang có những hành động tương tự, thể hiện thông tin sai lạc về sức khỏe trên bao bì thực phẩm của họ, như Goodman Fielder's với White Wings, và Paradise với Uglies Choc Chip Bickies.

Năm 2010, Bộ Y Tế đưa ra Hướng dẫn Toàn quốc cho Căn tin Nhà trường Lành mạnh  (National Healthy School Canteens guidelines), nhằm đào tạo và cung cấp những chỉ dẫn cho các quản lý căn tin trong trường học.

Share
Published 13 July 2016 6:31pm
By Trinh Nguyen
Source: ACCC, Fairfax Media, ABC

Share this with family and friends