Những di dân tương lai đến Úc có thể sẽ bị bắt buộc giữ visa tạm trú trong một khoảng thời gian, trước khi được cấp visa thường trú. Bộ Di trú đang cân nhắc khả năng này trong một chương trình mang tên Đơn Giản Hoá Chiếu Khán (), và đang mời gọi công chúng đóng góp ý kiến.
Một trong những câu hỏi của chương trình này là: "Một di dân tương lai có nên sống một khoảng thời gian tại Úc trước khi hội đủ điều kiện để trở thành thường trú nhân hay không? Những yếu tố nào nên được xem xét?
Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ liên bang đã thảo luận về thay đổi này, và một văn bản "nhạy cảm" và "bí mật" đã được đệ trình lên uỷ ban an ninh quốc gia, và đưa ra trước nội các trong năm nay.
"Số thường trú nhân tại Úc đã tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua. Trong năm 2015-16, khoảng một nửa số visa thường trú được cấp cho những người vốn đang sống tại Úc theo visa tạm trú. Điều đó có nghĩa là càng ngày, quá trình tạm trú càng trở thành bước đầu tiên để dẫn đến thường trú," bài nghiên cứu công bố ngày 31/7 cho biết.
Nhóm tác giả lập luận rằng, việc tạo điều kiện thường trú cho những sinh viên quốc tế và di dân lành nghề "tài năng và xuất chúng" là nhằm phục vụ lợi ích quốc gia. Một số chiếu khán thường trú theo dạng này vốn đã bao gồm một khoản thời gian tạm trú bắt buộc.
Tuy nhiên, hầu hết các di dân hiện nay lại không phải sống tại Úc trong một khoản thời gian trước khi được cấp visa thường trú, mà theo bài nghiên cứu thì điều này không đồng nhất với những quốc gia tương tự như Anh, Hà Lan hay Mỹ, vốn có "một quy trình đánh giá chuẩn mực hơn và thời gian thử thách dành cho những ai muốn cư trú vĩnh viễn."
Mặc dù việc áp dụng thời gian thử thách dành cho di dân có thể giúp tiết kiệm ngân sách, nhiều người lo ngại rằng nó sẽ gây chia rẽ trong xã hội Úc.
Dự luật cải tổ này có thể làm suy yếu kết cấu xã hội Úc và có nguh cơ dẫn đến chủ nghĩa cực đoan bạo lực, thông qua sự phân biệt đối xử đối với di dân, theo Bộ Dịch vụ Xã hội.
Maninder Singh Bhullar ở Úc theo visa tạm trú 2 năm trước khi trở thành thường trú nhân vào đầu năm nay. Anh cho rằng việc áp dụng thời gian tạm trú bắt buộc đối với di dân sẽ tăng thêm gánh nặng cho họ.
"Không có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tuyển dụng tôi bởi vì tôi giữ visa tạm trú," anh nói với SBS Punjabi.
Theo anh Bhullar, khi vừa tới Úc bằng visa tạm trú, anh phải trả hàng trăm đô la tiền bảo hiểm sức khoẻ do không có thẻ Medicare. Đó là một chi phí rất lớn, nhất là khi họ vừa bắt đầu một cuộc đời mới và chưa có thu nhập ổn định.
Những thay đổi khác đang được thảo luận bao gồm việc cắt giảm số tiểu mục visa từ 99 xuống 10 loại, và tạo ra một hệ thống visa linh động nhằm giúp chính phủ phản ứng nhanh hơn trước những xu hướng trong nước và toàn cầu.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại