Úc đang đối mặt với một "cuộc khủng hoảng" vô gia cư ở giới trẻ

Phân tích mới đây đã xác định 20 "điểm nóng" trên khắp cả nước, nơi thanh niên đang đối mặt với tình trạng vô gia cư hoặc chật vật tìm kiếm một nơi ở.

A young man sitting on the street with his head down

Tổ chức Foyer Foundation đã phân tích các khu vực ở Úc có tỷ lệ thanh niên vô gia cư cao nhất. Source: Getty / PixelsEffect

Tyrah Chan-Hampton đã trải qua tình trạng bất ổn về nhà ở suốt thời niên thiếu, nhưng phải mất rất lâu cô mới có thể chấp nhận mình thuộc diện "vô gia cư".

Cô bước vào hệ thống chăm sóc khi mới 11 tuổi và được đưa đến sống cùng dì trong chương trình chăm sóc họ hàng. Cả hai từng rơi vào cảnh vô gia cư, phải sống trong nhà tạm trú, rồi sau đó ở nhờ nhà người thân, nơi cô phải chia sẻ giường với chị gái và em họ.

Tyrah chia sẻ rằng cô thường xuyên cảm thấy xấu hổ vì định kiến xã hội gắn liền với tình trạng vô gia cư và bất ổn về nhà ở.

"Tôi đã vật lộn rất nhiều với cảm giác xấu hổ trong suốt một thời gian dài... đến bây giờ, đôi khi chỉ cần nói ra thôi cũng khiến tôi nhói lòng," cô bộc bạch.
Chan-Hampton, một phụ nữ Wiradjuri đầy tự hào, cho biết khi còn nhỏ, cô không nghĩ rằng mình đang trong tình trạng vô gia cư.

"Khi nói về các hộ gia đình của người First Nations, việc sống cùng anh chị em họ hoặc ở với người thân là điều rất phổ biến," cô chia sẻ.

"Ngay cả khi mẹ tôi phải rời khỏi nhà cùng tôi và các anh chị em vì bạo lực gia đình, chúng tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng đó là tình trạng vô gia cư... Có quá nhiều định kiến và sự xấu hổ gắn liền với từ ‘vô gia cư’ đến mức nhiều người trong chúng tôi không muốn nhận mình thuộc diện đó."
A young woman sitting down and smiling at a camera
Tyrah Chan-Hampton đã từng trải qua tình trạng vô gia cư và bất ổn về nhà ở. Source: Supplied

Tình trạng vô gia cư ở thanh niên trên khắp nước Úc

Mỗi đêm, hơn 122.000 người tại Úc rơi vào cảnh vô gia cư, theo số liệu từ Cục Thống kê Úc (ABS).

Báo cáo dịch vụ hỗ trợ người vô gia cư năm 2023-24 của Viện Y tế và Phúc lợi Úc (AIHW) cũng cho thấy, riêng nhóm thanh niên từ 16-24 tuổi, đã có 38.600 người tìm đến các dịch vụ hỗ trợ vô gia cư.

Phân tích mới của Foyer Foundation – một tổ chức chuyên hỗ trợ những người vô gia cư hoặc có nguy cơ mất nhà ở – đã xác định 20 “điểm nóng” trên khắp cả nước, nơi thanh niên trong độ tuổi 16-24 không có nơi ở hoặc đang chật vật tìm kiếm chỗ ở ổn định.
A graphic showing the top 10 places for youth homelessness in Australia.
Phân tích từ Foyer Foundation đã xác định các "điểm nóng" về tình trạng vô gia cư ở thanh niên tại Úc. Source: SBS

Khu vực Latrobe-Gippsland đứng đầu danh sách

Vùng Latrobe-Gippsland ở Victoria đứng đầu danh sách với hơn 1.000 thanh niên đang trong tình trạng vô gia cư.

Các khu vực Vùng ngoại ô Lãnh thổ Bắc Úc, New England và Bắc Tây New South Wales, Illawarra và vùng hẻo lánh Tây Úc (phía Bắc) lần lượt nằm trong top 5. Danh sách 20 điểm nóng về vô gia cư thanh niên bao gồm các khu vực từ tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Úc.

Corin Moffatt, đồng Giám đốc điều hành của Foyer Foundation, cho biết phân tích này dựa trên số lượng thanh niên vô gia cư, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ và tỷ lệ hoàn thành trung học phổ thông.

"Khi nhìn vào danh sách này, chúng ta thấy một sự đa dạng về các khu vực đang đối mặt với những thách thức này đối với thanh niên," bà nói.

"Chúng ta thấy sự pha trộn giữa các trung tâm khu vực, một số cộng đồng xa xôi và cả các khu vực đô thị nội thành... Điều này cho thấy vấn đề vô gia cư ở thanh niên rất phổ biến và đang ảnh hưởng đến giới trẻ trên khắp cả nước."
List showing the 11-20 homelessness hotspots in Australia
Các "điểm nóng" về tình trạng vô gia cư bao gồm cả khu vực nông thôn, vùng miền và đô thị. Source: SBS

Nguyên nhân đằng sau cuộc khủng hoảng vô gia cư ở thanh niên

Theo Corin Moffatt, nhiều yếu tố đang góp phần đẩy thanh niên Úc vào tình trạng vô gia cư, bao gồm chi phí sinh hoạt tăng cao, thiếu nhà ở giá rẻ và tỷ lệ bạo lực gia đình ở mức đáng báo động.

"Ngay cả những người trưởng thành có thu nhập gấp đôi cũng đang chật vật để trang trải chi phí nhà ở, huống hồ là thanh niên – những người trong nhiều trường hợp không thể kiếm đủ thu nhập để sống," bà nói.

"Rất khó để nhiều thanh niên có được chỗ ở an toàn và ổn định. Nếu không có điều đó, họ không thể hoàn thành việc học, không thể tiếp tục học lên, cũng không thể giữ được công việc lâu dài... Khi những yếu tố này kết hợp lại, nó khiến quá nhiều thanh niên rơi vào tình cảnh bế tắc."

Hiện tại, Foyer Foundation đang kêu gọi chính phủ tài trợ thêm các trung tâm hỗ trợ thanh niên (youth foyers) và nhà ở trung hạn, nhằm giúp thanh niên có nơi ở ổn định và tạo cơ hội thoát khỏi cảnh vô gia cư.
Youth Foyers – Mô hình hỗ trợ nhà ở chuyển tiếp cho thanh niên

Youth foyers là các trung tâm cung cấp nhà ở chuyển tiếp cho thanh niên từ 16 đến 25 tuổi trong thời gian tối đa hai năm. Những trung tâm này không chỉ mang đến chỗ ở ổn định mà còn kết nối thanh niên với các nhân viên hỗ trợ, đồng thời tạo điều kiện để họ tiếp tục học tập hoặc tìm việc làm.

Theo Corin Moffatt, mặc dù nhiều thanh niên tìm đến các trung tâm khủng hoảng hoặc dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, nhưng hỗ trợ dài hạn vẫn chưa đủ.

"Ngoài các dịch vụ khẩn cấp, thanh niên cũng cần những lựa chọn nhà ở trung hạn và dài hạn, nhưng hiện nay không có đủ dịch vụ để đáp ứng nhu cầu đó," bà nói.

"Vì vậy, điều chúng ta thường thấy là thanh niên liên tục quay vòng trong hệ thống hỗ trợ khẩn cấp mà không có lối thoát thực sự để giúp họ ổn định cuộc sống."
David MacKenzie, Phó Giáo sư tại Đại học Nam Úc và CEO của Upstream Australia – một tổ chức thúc đẩy thay đổi nhằm giải quyết vấn đề vô gia cư ở thanh niên, cho rằng cần tập trung nhiều hơn vào công tác phòng ngừa.

Ông nhấn mạnh rằng hỗ trợ nhà ở, chăm sóc sức khỏe tâm thần và hợp tác với các trường học để giúp đỡ học sinh có nguy cơ cao là những biện pháp quan trọng để ngăn chặn tình trạng này từ sớm.

"Làm tốt công tác phòng ngừa ngay từ đầu sẽ hiệu quả hơn rất nhiều so với việc phải tìm cách khắc phục hậu quả sau này," ông nói.

"Nếu chúng ta không hành động để ngăn chặn và giảm bớt số lượng thanh niên rơi vào cảnh vô gia cư, thì vấn đề này sẽ tiếp tục kéo dài."

MacKenzie cảnh báo rằng trải qua tình trạng vô gia cư khi còn ở tuổi thiếu niên hoặc đầu tuổi trưởng thành có thể để lại những ảnh hưởng suốt đời.

"Nếu bạn là một thiếu niên 15 tuổi, cuộc sống bắt đầu rơi vào bế tắc và không có ai ở đó để giúp đỡ, không ai hỗ trợ bạn vực dậy, bạn rất có thể sẽ đối mặt với những bất lợi lâu dài trên nhiều phương diện," ông chia sẻ.

‘Không còn nơi nào để đi’

Hiện 23 tuổi, Tyrah Chan-Hampton đã tốt nghiệp đại học với bằng công tác xã hội và đang tham gia vận động chính sách trên khắp nước Úc.

Cô cho biết sự hỗ trợ từ nhân viên phụ trách hồ sơ (case worker) và cơ hội được sống tại một youth foyer trong hai năm đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô.
Theo Tyrah Chan-Hampton, nếu không có các dịch vụ hỗ trợ, thanh niên sống trong môi trường bất ổn hoặc nguy hiểm hầu như không thể tìm được chỗ ở an toàn.

"Nhiều người buộc phải ở lại những môi trường không an toàn chỉ vì họ hoàn toàn không còn nơi nào để đi," cô nói.

"Có những thanh niên phải ngủ trong xe hơi, sống ngoài đường hoặc trong các trung tâm tạm trú, nỗ lực hết sức để thoát khỏi tình cảnh đó, nhưng thực tế là không có bất kỳ sự hỗ trợ nào giúp họ tìm được nơi ở ổn định."

Chính phủ đang làm gì?

Trong tuyên bố gửi đến SBS News, một phát ngôn viên của Bộ Dịch vụ Xã hội nhấn mạnh rằng giải quyết tình trạng vô gia cư đòi hỏi nỗ lực lâu dài, có hệ thống, và sự phối hợp từ tất cả các cấp chính quyền, các tổ chức hỗ trợ nhà ở và cộng đồng rộng lớn hơn.

"Chính phủ cam kết thực hiện một chương trình cải cách tham vọng về nhà ở và giải quyết tình trạng vô gia cư," người phát ngôn cho biết.

Các khoản đầu tư chính của chính phủ bao gồm:
  • 9,3 tỷ AUD dành cho chính quyền bang và vùng lãnh thổ theo Thỏa thuận Quốc gia về Nhà ở Xã hội và Vô gia cư, nhằm hỗ trợ người vô gia cư hoặc có nguy cơ rơi vào tình trạng này, đồng thời đảm bảo hoạt động của hệ thống nhà ở xã hội và dịch vụ hỗ trợ vô gia cư.
  • 91,7 triệu AUD đầu tư vào Chương trình Reconnect, một sáng kiến can thiệp sớm và phòng ngừa tình trạng vô gia cư ở thanh niên, dựa vào sự hỗ trợ từ cộng đồng.
  • 1 tỷ AUD bổ sung vào Quỹ Cơ sở hạ tầng Nhà ở Quốc gia, nhằm hỗ trợ chỗ ở khẩn cấp và nhà ở chuyển tiếp cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình, cũng như thanh niên vô gia cư hoặc có nguy cơ mất nhà ở.
Những khoản đầu tư này được kỳ vọng sẽ giúp giảm số lượng thanh niên bị mắc kẹt trong vòng xoáy vô gia cư, đồng thời tạo ra nhiều lựa chọn nhà ở bền vững hơn cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 
Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  .

Share
Published 3 February 2025 2:09pm
Presented by Thu Thuỷ
Source: SBS


Share this with family and friends