Trung Quốc hợp thức hóa sử dụng sừng tê giác và xương hổ cho mục đích y tế

Điều này đã phá vỡ luật cấm mà chính phủ Trung Quốc từng áp dụng trong 25 năm liền, đồng thời chính thức kí ‘án tử’ cho số lượng hổ và tê giác còn lại vốn đang bị đe dọa trong tự nhiên.

Tiger horn

Source: Wikipedia

Vào hôm thứ Hai tuần này, chính phủ Trung Quốc đã công bố quyết định hợp thức hóa việc sử dụng sừng tê giác và xương hổ cho mục đích y học cổ truyền và nghiên cứu. Hành động này hoàn toàn đi ngược lại với mọi nỗ lực của các chuyên gia bảo tồn thiên nhiên. Việc mua bán sừng tê giác và xương hổ  từng bị Trung Quốc cấm trong suốt 25 năm qua cũng sẽ mất hiệu lực.

Phía nội các Trung Quốc cố gắng làm rõ rằng chỉ có các bệnh viện và bác sĩ mới được cấp phép sử dụng các bộ phận động vật – đồng thời các sản phẩm này phải đến từ tê giác và hổ được nuôi tại các trang trại, ngoại trừ động vật trong vườn thú.

Mặc dù vậy, các nhà hoạt động vì môi trường tự nhiên vẫn khẳng định rằng quyết định của chính phủ Trung Quốc sẽ có những tác động khủng khiếp đến nỗ lực bảo tồn tê giác và hổ. Đây cũng được xem là một chiến thắng áp đảo của giới săn bắt trộm và buôn lậu các bộ phận cơ thể động vật.
Leigh Henry đến từ World Wildlife Fund (WWF) cho biết rằng sẽ vô cùng khó khăn trong việc phân biệt các bộ phận tê giác hay hổ được lấy từ những trang trại hợp pháp, hay là lấy từ việc săn bắt động vật trong hoang dã.

Quyết định này của chính phủ Trung Quốc có thể dẫn đến việc thúc đẩy thị trường chợ đen vốn đã rất ‘ăn nên làm ra’ khi buôn bán lậu các sản phẩm này.

Các bài thuốc làm từ sừng tê giác hay xương hổ có giá thành cực kì cao mà lại không có bất kể bằng chứng khoa học nào là chúng thực sự có lợi cho sức khỏe loài người.

Hiện tại số lượng tê giác trong môi trường tự nhiên chỉ ít hơn 30,000 và số lượng hổ còn ít hơn thế, vào khoảng 3,900.
Rhino horn
Source: Flickr/ Joanna Gilkeson CC BY 2.0
“Đây thực sự là một quyết định mang tính tàn phá,” ông Henry cho biết. “Tôi không thể nào ước lượng được những ảnh hưởng sẽ có thể xảy ra.”

Chính phủ Trung Quốc vẫn chưa có lời giải thích nào về việc họ quyết định đảo ngược luật cấm đã áp dụng từ 1993 đối với các hoạt động liên quan đến bộ phận cơ thể động vật. Peter Knights, trưởng quản lý của tổ chức phi lợi nhuận WildAid đã cho biết quyết định này “hoàn toàn tự phát và chẳng có tí cơ sở nào.”

Các nhóm hoạt động vì môi trường tự nhiên đã chia sẻ với National Geographic rằng số lượng các trang trại hổ và tê giác đang trên đà gia tăng tại quốc gia này – có thể là một nguyên nhân đứng sau quyết định của chính phủ Trung Quốc.

Một số ý kiến khác cho rằng lợi nhuận có thể là một trong những động cơ mà chính phủ ra quyết định này, nhằm mục đích thúc đẩy ngành công nghiệp thuốc cổ truyền trị giá hàng tỷ đô la.

“Chỉ vì để cho một nhóm nhỏ kiếm lợi mà phải trả cái giá đắt đỏ bằng sự tồn vong của những loài động vật khác,” ông Knight cho biết thêm.
Rhino Horn
Source: Pixabay
Vào năm 2016, Trung Quốc cùng với Hoa Kỳ đã tuyên bố việc cấm buôn bán ngà voi. Hành động cấm này của Trung Quốc đã được cả thế giới hoan nghênh, vì đó là một bước vô cùng cần thiết trong nỗ lực của rất nhiều tổ chức chống lại việc săn bắn voi bất hợp pháp tại Châu Phi.

Thế nhưng vào chính thời điểm mà giá của sừng tê giác đang giảm, số lượng hổ trong tự nhiên đang dần ổn định, thì Trung Quốc lại có hành động đe dọa đến mọi tiến triển đó.

Chủ tịch Tập Cận Bình đã từng sử dụng các bài thuốc cổ truyền Trung Hoa như một hình thức để đưa hình ảnh và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra thế giới. Chính phủ Trung Quốc mong muốn y học cổ truyền Trung Hoa có thể đứng ngang hàng với y học phương Tây trên thị trường quốc tế.

Ước tính đến năm 2010, Trung Quốc có khoảng 6,500 con hổ đang bị giam giữ tại các trại, trong khi đó, không có bất kì thông tin nào về số lượng tê giác, theo như dữ liệu mà WWF thu nhận được.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 31 October 2018 1:25pm
By Minh Phuong

Share this with family and friends