Văn phòng của ông Burke tổ chức một buổi hội thảo tại hội trường cao niên ở Lakemba, tây Sydney, để nghe người dân nói lên quan điểm của họ.
Không ngờ hơn 100 người đã đến dự và lên tiếng phản đối những thay đổi mà chính phủ đề nghị.
“Quốc tịch không nên vì chính trị mà là bản sắc của một quốc gia và những thay đổi của Chính phủ là thông điệp cho những người không nói tiếng Anh rằng họ không được chào đón như những người khác," ông Burke nói trong thông cáo.
Một người tại cuộc hội thảo cho biết nếu luật mới được áp dụng thì ông phải ở Úc đến 14 năm mới có thể xin vào quốc tịch.
Một phụ nữ khác phân trần mặc dù bà đã học hết 500 giờ tiếng Anh được chính phủ tài trợ, nhưng chắc chắn bà sẽ vẫn không qua nỗi bài thi ở trình độ đại học như Chính phủ muốn.
Tại buổi hội thảo ông Burke đã khuyến khích mọi người hãy viết thư cho Ủy ban điều trần của Thượng viện trước ngày 21 tháng Bảy và ký thỉnh nguyện thư trên mạng để ông có thể đệ trình khi quốc hội tái nhóm vào tháng Tám.
“Những thay đổi này tấn công trực tiếp vào một nước Úc đa văn hóa. Chúng ta cần tổ chức lại và hành động nhanh chóng bởi vì tôi tin tưởng là chúng ta có thể thắng," ông Burke nói trong thông cáo.
Thay đổi gì?
Khi công bố tu chính luật quốc tịch, Chính phủ Liên Đảng giải thích mục đích là để các công dân Úc tương lai cam kết hòa nhập và trung thành với đất nưóc này.
Tiếng Anh: 1 - Yêu cầu di dân phải ĐẬU một kỳ thi tiếng Anh riêng biệt, bao gồm cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; Bài thi quốc tịch: 2 - Siết chặt bài thi quốc tịch, thêm nhiều ‘câu hỏi có ý nghĩa’ mới, để kiểm tra sự hiểu biết – và thái độ cam kết – của di dân đối với các giá trị và nghĩa vụ Úc; 3 - Giới hạn số lần di dân có thể thi rớt bài thi quốc tịch là 3 lần (hiện tại không giới hạn); 4 - Áp dụng hệ thống tự động đánh rớt đối với những di dân gian lận khi làm bài thi quốc tịch; Hòa nhập – cam kết 5 - Yêu cầu di dân phải ở Úc ít nhất trong 4 năm với tư cách thường trú nhân – PR (hiện tại là 1 năm); 6 - Yêu cầu di dân phải trình bày các bước đã làm để hòa nhập và đóng góp vào cộng đồng Úc. Ví dụ: bằng chứng đi làm, thành viên của các đoàn thể, và cho con cái đến tuổi đi học đến trường; 7 - Tăng cường sự cam kết trong Đạo luật Quốc tịch Úc 2007, di dân nộp đơn đăng ký quốc tịch từ 16 tuổi phải lập cam kết trung thành với nước Úc.
Chính phủ cũng muốn cải tổ trong chương trình định cư của các di dân và những đòi hỏi để được cấp chiếu khán làm việc.
Hồi đầu tháng hàng trăm người đã xuống đường để chống lại đề nghị của chính phủ nhằm cải tổ trong chương trình định cư của các di dân và những đòi hỏi để được cấp chiếu khán làm việc.
Họ cho rằng dự luật tu chính về quốc tịch được đưa ra trước quốc hội có tính chất đối xử kỳ thị và sẽ ngăn cản nhiều thường trú nhân vĩnh viễn không thể trở thành công dân Úc.