Người thao túng SensaSlim đã lừa đảo như thế nào?
Trong khi cái tên SensaSlim trước đây rất dễ bắt gặp trên các kệ hàng tiệm Chemist thì ít ai để ý rằng thương hiệu sản phẩm này đã từng dính vào một vụ bê bối cách đây không lâu.
Người đàn ông tai tiếng đứng sau sản phẩm giảm cân lừa đảo Sensaslim là ông Peter Froster, từng bị phạt $660.000 Úc kim và cấm vĩnh viễn không cho phép làm giám đốc trong lĩnh vực kinh doanh sức khỏe và chế độ ăn uống giảm cân nữa.
Chuyện cũ chưa kịp lắng xuống, thì mới đầu tuần này, Tòa án Liên bang đã phạt SensaSlim tổng cộng $3,55 triệu đô la vì việc quảng cáo một loại sản phẩm xịt giảm cân cho các cơ sở nhượng quyền kinh doanh và công chúng.
Một điều tra của ACCC phát hiện công ty này đã dùng tiếng tăm của một viện nghiên cứu Thụy sĩ không hề tồn tại, Institut de Recherche Intercontinental, một trung tâm nghiên cứu ma để tuyên bố các sản phẩm của họ sẽ giúp cho người tiêu thụ có thể giảm cân mà không cần thay đổi gì trong chế độ ăn uống và tập thể dục.
Theo ACCC, chính ông Peter Foster là người đưa ra lời dối trá về phát minh của viện nghiên cứu Thụy Sĩ này và công bố sản phẩm giảm cân SensaSlim đã được thử nghiệm lâm sàng trên toàn thế giới để chứng minh hiệu quả giảm cân tuyệt vời. Thế nhưng không có thử nghiệm nào như vậy đã diễn ra.
Nhân vật Peter Froster mặc dù đã bị chính phủ cấm tham gia vào việc kinh doanh các sản phẩm liên quan đến sức khỏe cách đây hơn 10 năm, thì nay Tòa án Liên bang đã phát hiện ra ông Foster tham gia vào việc cung cấp thông tin sai lệch và lừa đảo như vừa trình bày, nhưng công ty này không tiết lộ sự tham gia của ông trong hệ thống nhượng quyền thương mại của thương hiệu SensaSlim.
Ông Foster có vai trò là người đứng sau, điều khiển 80 công ty nhỏ nhượng quyền để phân phối sản phẩm giảm cân SensaSlim. Báo Sydney Morning Herald so sánh hành động của Foster chẳng khác gì người điều khiển các con rối.
Những công ty nhỏ này phải trả $60.000 đô cho ông ta để mở được cửa hàng phân phối sản phẩm. Họ được hứa hẹn sẽ lời $4.000 đô một tuần.
Và SensaSlim đã kiếm được khoảng $6,4 triệu đô từ việc bán lại quyền thương mại.
Mới cuối năm trước, ông Foster bước ra khỏi nhà tù ở tiểu bang Queensland sau khi bị giam 18 tháng ở đây vì đã vi phạm những điều kiện để được tại ngoại.
Trong những năm 1980, ông Foster đã thuyết phục được người mẫu chuyên ở trần đồng thời là ca sĩ nhạc Pop Samantha Fox và Nữ Công Tước xứ York Sarah Ferguson quảng bá sản phẩm trà giảm cân Bai Lin tea của ông, nói rằng uống vào sẽ sụt kí và khỏe người nhưng hoàn toàn lừa đảo.
Ông Foster đã ngồi tù ở nhiều nước với ‘thành tích’ lừa gạt của mình từ Mỹ, Anh, đến Vanuatu và gần nhất là Úc.
Source: Supplied
Sản phẩm giúp giảm cân: Coi chừng tiền mất tật mang
Nhiều người bị cám dỗ và đổ xô đi mua một sản phẩm giảm cân nào đó chỉ vì những lời quảng cáo đường mật cùng các bức ảnh chụp ai đó trước và sau khi sử dụng sản phẩm.
Tuy nhiên, cuộc điều tra của một chương trình truyền hình trực tiếp được ưa thích nhất ở Mỹ đã hé lộ sự thật đáng sợ đằng sau đó. Những tấm hình trước và sau này là của các chuyên gia về thể dục thẩm mỹ, họ chỉ tập thể thao thôi, chứ không hề uống các loại thuốc giảm cân nào hết.
Hiện nay, nhiều phụ nữ vì quá tự ti với thân hình ‘quá khổ’ của mình nên ngay sau khi được bạn bè nói có loại thuốc giảm cân rất hiệu quả, không kiểm chứng, đã không tiếc tiền mua và sử dụng, để rồi hứng chịu hậu quả đau lòng.
Không có một thống kê đầy đủ nào về các loại sản phẩm tự nhận là giúp giảm cân đang được lưu hành trên thị trường. Ngoài ra, còn rất nhiều các loại thuốc giảm cân tự chế, không nhãn mác khác, không rõ nguồn gốc đang được bày bán tràn lan trên mạng.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, những loại thuốc giảm cân được cho là cấp tốc, giảm đến gần chục kg/tháng chỉ là hoang đường. Thuốc được bào chế có tác dụng giảm cân là có, tuy nhiên những loại thuốc này chỉ có tác dụng từ từ và có tác dụng khi sử dụng kết hợp với chế độ sinh hoạt và tập luyện hợp lý.
Để có đánh giá đúng và bảo đảm cơ sở khoa học về các loại thuốc có khả năng làm giảm cân thì cần phải kiểm định rõ ràng các thành phần ghi trên vỏ hộp. Việc nhà sản xuất công bố các thành phần trên vỏ hộp cũng chưa hẳn đã thực sự chứng minh được công dụng thật của sản phẩm. Bởi, có rất nhiều sản phẩm hàng hóa nhãn mác ghi một đằng, chất lượng lại một nẻo, các thành phần ghi trên nhãn chưa chắc đã tồn tại trong sản phẩm hoặc có thì hàm lượng cũng không đủ như công bố.
Bằng quảng cáo hấp dẫn như ‘Giảm cân nhanh chóng, chứa dược thảo và các thành tố tự nhiên’… trên các thực phẩm giảm cân đã ‘đánh lừa’ sự tỉnh táo của nhiều người tiêu dùng.
Trong khi đó, các thành phần tiềm ẩn độc tính lại không được nhà sản xuất công bố trên bao bì hay trong chiến dịch quảng cáo. Việc làm này là bất hợp pháp và đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng.
Tại Úc, nhóm được cho giúp giảm cân dạng thuốc được phân dòng nguy cơ thấp Aust-L, thuộc sự quản lý của Cơ quan Quản lý Thực phẩm Chức năng Trị liệu (Therapeutic Goods Administration – TGA), theo đó nhà sản xuất phải dùng những nguyên liệu đã được duyệt và phải tuân theo tiêu chuẩn sản xuất quy định.
Nhưng TGA dựa vào… sự trung thực của nhà sản xuất khi nói đến chất lượng nguyên liệu và quy trình sản xuất. Đặc biệt là nhà sản xuất không cần chứng minh với TGA rằng sản phẩm của họ có tác dụng.
Vậy nên, dù có sự quản lý của TGA, nhưng người sử dụng thuốc bổ và các chất bổ sung không thể chắc chắn 100 phần trăm về nguyên liệu trong đó cũng như hiệu quả của nó.
Đặc biệt là đối với sản phẩm giảm cân dạng trà hay thức uống, hoàn toàn có thể không có sự quản lý của TGA vì được phân loại là thực phẩm.