Theo Ban Hoa ngữ BBC, cảnh sát thị xã Hồ Châu thuộc tỉnh Chiết Giang, cho biết họ lần đầu tiên phát hiện ra một xưởng sản xuất do một người đàn ông họ là Nguyên điều hành.
Ông Nguyên sau đó đã dẫn các thám tử tới một xưởng sản xuất quy mô hơn tại thị xã Thường Châu thuộc tỉnh Giang Tô kế bên, của một người đàn ông khác tên là Giai.
Chính người này đã dạy ông Nguyên cách làm sứa giả và đều đã bị bắt giữ cùng những người khác trong đường dây.
Các vụ bắt giữ diễn ra hồi cuối tháng Tư, nhưng cảnh sát mới chỉ công bố vào cuối tuần trước.
Cảnh sát cáo buộc đường dây sản xuất thực phẩm giả này đã thu lời được hơn 170.000 Nhân dân tệ ($26.100 Mỹ kim) trong một năm hoạt động.
Một thông cáo của cảnh sát Hồ Châu cho biết các can phạm khai rằng họ làm sứa bằng cách trộn ba loại hóa chất acid alginic (có tính năng tạo chất đông), ammonium alum (phèn), và calcium chloride anhydrous.
Cảnh sát nói họ tìm thấy hàm lượng nhôm trong sứa giả tới 800mg/kg, cao gấp tám lần so với định mức hợp pháp theo tiêu chuẩn Trung Quốc.
Theo cơ quan an toàn thực phẩm và thuốc men Hồ Châu thì lượng nhôm cao quá mức có thể gây hại tới xương và hệ thần kinh, có nguy cơ tác động đến trí nhớ.
Cơ quan này cảnh báo phụ nữ có thai, trẻ em và người cao tuổi không nên dùng các sản phẩm có chứa quá nhiều chất nhôm.
Đây không phải là lần đầu tiên giới chức Trung Quốc phát hiện những vụ làm sứa giả với qui mô lớn.
Được biết sứa giả (hình trái) không có mùi vị, rất dai, sờ giống băng keo, còn sứa thật màu vàng nhạt và có mùi cá (hình phải), thường được dùng để trộn gỏi hay nấu với bún cá.