Tạp chí Khoa học (04) Facebook giới thiệu tính năng hẹn hò

Facebook cho biết họ sẽ bổ sung tính năng Hẹn hò với tên gọi Dating vào danh sách các sản phẩm hiện có của mình. Tuyên bố này được đưa ra vào thứ Ba 1/5 tại hội nghị F8 của hãng tại San Jose, California. Đây là sự kiện thường niên dành cho các nhà phát triển ứng dụng di động, và là nơi để Facebook giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ mới nhất của mình.

Facebook Dating

Facebook Dating

Facebook đã cân nhắc việc phát triển một ứng dụng hẹn hò trong nhiều năm qua, thế nhưng nhà sáng lập Mark Zuckerberg cho rằng bây giờ là thời điểm thích hợp. Theo ông Zuckerberg, 1 trong 3 cuộc hôn nhân tại Hoa Kỳ hiện nay đều bắt nguồn từ một mối quan hệ trên mạng, và có khoảng 200 triệu người dùng Facebook tự nhận mình là người độc thân.

Ông Zuckerberg nói rằng dịch vụ mới sẽ “sớm được ra mắt”, và nhấn mạnh rằng dịch vụ này nhằm giúp người dùng xây dựng những mối quan hệ lâu dài, có ý nghĩa, thay vì những cuộc hẹn hò chóng vánh. “Và nếu chúng tôi tập trung vào việc giúp mọi người xây dựng những mối quan hệ có ý nghĩa, thì đây có lẽ là điều ý nghĩa nhất,” ông nói.

Tỷ phú 33 tuổi này nói thêm rằng dịch vụ hẹn hò này sẽ xuất hiện trong ứng dụng Facebook dưới dạng một “hồ sơ hẹn hò” (dating profile) riêng biệt với tài khoản chính của người dùng, và các bạn bè hiện tại của người dùng sẽ không thể nhìn thấy nó.
Một bản thiết kế nháp được hiển thị trên màn hình của hội nghị F8 cho thấy một nút bấm hình trái tim ở góc phải ứng dụng Facebook. Khi nhấn vào nó, người dùng sẽ được chuyển tới hồ sơ hẹn hò của họ. 

Sau khi thiết lập xong hồ sơ này, bạn có thể xem các sự kiện và hội nhóm dựa trên địa điểm và sở thích cá nhân. Mỗi khi chọn một sự kiện để tham dự, bạn có thể xem hồ sơ của những người tham dự khác. Người dùng Facebook Dating có thể trò chuyện với nhau thông qua một tính năng gửi tin nhắn bí mật, không liên kết với các dịch vụ nhắn tin khác của Facebook như Messenger hay WhatsApp.

Ứng dụng Dating sẽ cạnh tranh với các trang hẹn hò trực tuyến hiện tại như Match, Tinder, OkCupid, JDate và eHarmony. Cũng theo ông Zuckerberg, ứng dụng hẹn hò của Facebook sẽ được thiết kế với những công cụ mạnh mẽ nhằm bảo vệ sự an toàn và riêng tư của người dùng.

Tuy nhiên, không phải ai cũng vui mừng trước tin Facebook sẽ giới thiệu nền tảng hẹn hò trực tuyến của riêng mình. Bên cạnh các trang web hẹn hò hiện tại, vốn hứng chịu cảnh giá cổ phiếu sụt giảm trên 20%, thì những người từng là nạn nhân của các màn lừa đảo tình cảm trực tuyến cũng đã lên tiếng, cho rằng Facebook đã hành động chưa đủ để bảo vệ người dùng của mình.

Theo FBI, tội phạm lừa đảo trực tuyến gây thiệt hại ước tính hàng tỷ đô-la mỗi năm. Đây là cách mà nó hoạt động: Những kẻ lừa đảo ăn cắp ảnh từ Facebook và các trang web khác, và sử dụng chúng để lập những tài khoản Facebook giả mạo. Họ sử dụng những “tài khoản ảo” này để kết bạn trên Facebook, và sau khi nạn nhân cắn câu, bọn tội phạm sẽ dẫn dụ họ qua các nền tảng khác như WhatsApp hoặc Messenger, cũng thuộc quyền sở hữu của Facebook. Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ yêu cầu họ chuyển một số tiền vì “có chuyện cần gấp”. Ban đầu, chúng chỉ yêu cầu một khoản tiền nhỏ, nhưng sau đó sẽ tăng dần lên. Một người phụ nữ tại Texas đã mất 2 triệu đô-la vì trò lừa đảo này.

Các nạn nhân cho rằng Facebook đã không hành động đủ để ngăn chặn các tài khoản giả mạo trên nền tảng của mình. Theo báo Huffington Post, công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Facebook hoàn toàn có thể phát hiện ra những tài khoản giả mạo này và xử lý chúng. 

Ông Steve G. Jones, một bác sĩ từng bị các kẻ lừa đảo đánh cắp danh tính và sử dụng hình ảnh của mình để chiêu dụ hàng ngàn phụ nữ, nói với báo Huffington Post rằng Facebook đã khoá tài khoản cá nhân của ông vì bị nhiều người cáo buộc là lừa đảo. Thế nhưng, ông nhận thấy vẫn còn ít nhất 20 tài khoản giả mạo đang hoạt động trên Facebook sử dụng hình ảnh của ông.
A generic stock photo of a Facebook app on an Apple iPhone 6s.. Picture date: Tuesday December 29, 2015. Photo credit should read: Lauren Hurley/PA Wire
The Facebook app on an Apple iPhone. Source: Press Association
Pete Voss, một phát ngôn nhân của Facebook, nói rằng việc mạo nhận người khác trên Facebook vi phạm các tiêu chuẩn cộng đồng trên nền tảng này và Facebook có một toán chuyên trách việc phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo này.

Ông cũng lưu ý rằng việc phòng chống lừa đảo là một lĩnh vực mà Facebook liên tục cải thiện, và hãng khuyến khích người dùng trình báo các trường hợp đáng ngờ tại facebook.com/report.

Trong một tuyên bố khác cũng liên quan đến bảo mật, Mark Zuckerberg cho biết Facebook đang phát triển một tính năng xoá lịch sử truy cập mới, cho phép người dùng kiểm soát các thông tin cá nhân một cách hiệu quả hơn.

10 mẹo vặt để bảo vệ thiết bị Android tránh bị nhiễm mã độc

Là một hệ điều hành có mã nguồn mở, Android mang đến sự thuận tiện cho người dùng khi giúp họ dễ dàng truy cập nhiều ứng dụng thuộc nhiều nền tảng khác nhau. Thế nhưng đó cũng là cơ sở cho việc phát tán và lây lan mã độc.

Thống kê mới nhất từ ​​StatCounter cho thấy ngày càng có nhiều người sử dụng thiết bị di động để truy cập internet hơn là máy tính. Từ đó, các mối đe dọa di động cũng gia tăng.

Rất nhiều hacker hiện nay đang nhắm vào thiết bị Android và tận dụng các phần mềm độc hại để khởi chạy các cuộc tấn công phát tán mã độc, xâm nhập vào thiết bị cướp quyền truy cập quản trị, thực thi các quy trình, lấy các thông tin nhạy cảm như dữ liệu tài chính. Gần đây, các thiết bị di động còn bị nhắm mục tiêu cho khai thác tiền điện tử.

Sau khi khảo sát hơn 3.600 chuyên gia bảo mật trên 26 quốc gia, nghiên cứu chuẩn bảo mật của CISCO 2018, Security Week đã đưa ra 10 lưu ý mà người dùng cần thực hiện để bảo vệ điện thoại Android tránh bị nhiễm mã độc.

  1. Sử dụng cửa hàng Google Play chính thức và chỉ tải xuống các ứng dụng được cung cấp từ các công ty hợp pháp.
  2. Thiết lập quyền hạn chế đối với các ứng dụng đã tải xuống.
  3. Đối với thiết bị kinh doanh, sử dụng đồng thời các giải pháp quản lý thiết bị di động và cung cấp cho nhân viên bảo mật thông tin quyền kiểm soát truy cập.
  4. Không giành quyền kiểm soát hệ thống của thiết bị, chỉ truy cập vào mã hệ điều hành Android và ngăn chặn quyền truy cập và quản trị trái phép khi mã độc xâm nhập.
  5. Thực hiện các biện pháp chống virus và mã độc.
  6. Bảo đảm hệ điều hành thiết bị luôn được cập nhật.
  7. Sử dụng ứng dụng bảo vệ thời gian thực (RASP) để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng cách phát hiện các hoạt động đáng ngờ.
  8. Đối với các doanh nghiệp BYOD (doanh nghiệp cho phép nhân viên mang thiết bị cá nhân đi làm), hãy thiết lập các chính sách cấm kết nối các thiết bị của nhân viên với cơ sở hạ tầng của công ty.
  9. Giáo dục nhân viên về các mối đe dọa liên quan đến tin nhắn lừa đảo và lan truyền mã độc qua trình duyệt thiết bị di động.
  10. Theo dõi các ứng dụng di động, không chỉ các ứng dụng của bên thứ ba mà còn các ứng dụng di động có thể đã bị một bên thứ ba khác tinh chỉnh và sửa đổi.

Con đường biển dài nhất nằm trên một đường thẳng

Logest straight line travel paths on Earth
Source: Science
Hai nhà khoa học Rohan Chabukswar từ Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Hoa Kỳ và Kushal Mukherjee từ IBM Research Ấn Độ đã tìm ra con đường thẳng trên biển dài nhất thế giới với chiều dài 32.089,7km.

Con đường bắt đầu từ bờ biển Sonmiani, Pakistan, băng qua eo biển giữa Madagascar và lục địa Phi, tiếp tục băng qua eo biển giữa lục địa Nam Mỹ và lục địa Nam Cực, cuối cùng hướng về phía bắc tây bắc băng qua Thái Bình Dương đến điểm cuối là huyện Karaginsky, vùng Kamchatka, Nga.

Điều thú vị là đường thủy gần giống với con đường này do một người không chuyên tìm thấy dựa trên bản đồ 6 năm trước.

Theo trang Science, cuối năm 2012, một người dùng trang Reddit tên Patrick Anderson - luật sư môi trường ở Decatur, Georgia (Mỹ) cho rằng chuyến hải trình 32.090,3km từ miền nam Pakistan tới miền đông bắc Nga chính là con đường thẳng trên biển dài nhất Trái đất.

Anderson mày mò trên bản đồ rồi ước tính kết quả. Sau đó, ông dùng máy tính để cho thấy đây là một con đường thẳng và tính toán chiều dài của nó.


Khi thấy video của Anderson trên internet, Rohan Chabukswar và Kushal Mukherjee vô cùng hứng thú với đề tài này và quyết định đi tìm câu trả lời.

Trước tiên, 2 nhà khoa học thu thập dữ liệu về địa hình Trái đất từ Đoàn Ủy nhiệm Quản trị Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA). Họ dùng thuật toán trên máy tính vẽ những đường thẳng (trên quả địa cầu là những cung tròn) cách nhau 1,8km ngoài thực địa.

Chabukswar và Mukherjee thu được tập hợp 233.280.000 đường thẳng, mỗi đường lại chứa khoảng 21.600 điểm cách nhau 1,8km nằm trên đất liền hoặc trên biển. Tính ra có khoảng 5.038.848.000.000 điểm cần phải tính khoảng cách.

Sau đó, họ dùng phương pháp giải thuật phân nhánh và giới hạn (brand and bound) hoạt động bằng cách xem xét tất cả khả năng có thể xảy ra để xác định con đường thẳng dài nhất trên biển.

Thuật toán sau đó kiểm tra tính khả thi của từng nhánh trên sơ đồ, xem xét các tổ hợp trong một nhánh và cố gắng tìm những kết quả gần với giá trị tối ưu nhất.

Sau khoảng 10 phút tính toán chạy máy tính, 2 nhà khoa học tìm được đáp án.

Thêm thông tin và cập nhật Like  

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 7 May 2018 2:27pm
Updated 7 May 2018 3:56pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends