Suy nghĩ và mong muốn của cử tri người Việt miền Tây Sydney

Những lời tâm sự của chị Huyền và Bích Thủy trong bài viết chính là mối lo toan chung của những cử tri gốc Việt tại miền Tây NSW. Đó là quyền của người thuê nhà trong việc thương lượng giá thuê với chủ nhân, quyền được đi lại an toàn và nhanh chóng đến nơi làm việc, quyền được bảo trợ về công ăn việc làm khi nghỉ thai sản dài vì vấn đề sức khỏe.

huyen paker 250323.jpeg

Lunar Huyền Paker và chồng bên đứa con đầu lòng hạ sinh ngay trước ngày bầu cử NSW 25/3. Credit: SBS Vietnamese

Lunar Huyền Paker khoảng 40 tuổi, sống cùng chồng tại vùng Campertown, Tây Sydney.

Huyền cho hay mới sinh con đầu lòng ngay trước ngày bầu cử NSW.

Cô nói không có ai hơn cô hiểu rõ nỗi vất vả cơm áo gạo tiền khi vừa đi làm trang trải tiền mướn nhà vừa mới sinh con nhỏ.

“Em đã từng sẩy thai 4 lần khi làm việc. Vì vậy lần mang thai này em xin nghỉ không lương để ở nhà bốn tháng trước ngày sinh cho an toàn, nhưng không dám nói với ông chủ là em mang thai, vì sợ sẽ bị đuổi việc. Sau đó, nhờ nghiệp đoàn can thiệp nên em xin được nghỉ thêm 9 tháng sau khi sinh con để chăm sóc con, lúc đó chủ nhân muốn em ký giấy cam kết là em sẽ không lãnh lương trong thời gian nghỉ thai sản này.”

Huyền làm việc toàn thời gian tại một công ty chuyên cung ứng vật tư y tế tại Villawood, là một công nhân đóng gói. Kể từ khi nghỉ không lương để sinh con, giữa lúc bão giá ngày càng tăng, gia đình cô đã thấm cảnh chật vật chưa từng thấy.

“Vừa rồi người cho thuê nhà thông báo sẽ tăng thêm thành 400 đô la/tuần. Hai vợ chồng em nay chỉ còn chồng em là thu nhập chính. Anh làm công nhân vệ sinh trên xe lửa NSW, làm bán thời gian 6 tiếng/ngày, 5 ngày/tuần. Vì vậy tiền lương của anh xưa nay chỉ vừa đủ chi tiêu trong nhà. Tiền mướn nhà và các loại hóa đơn thì em lo.”

Đó là mối quan tâm lớn nhất của gia đình Huyền lúc này, làm sao để trả tiền mướn nhà ngày càng cao, và chăm sóc con mới sanh, trong khi công việc của chồng cô vừa thiếu thốn, vừa vất vả.

Huyền kể hai vợ chồng mất đến 3 tiếng đồng hồ mỗi ngày chỉ để lái xe đi về giữa nhà và hãng xưởng hoặc đến nơi làm việc. Công việc vất vả, cộng thêm thời gian đi lại mỗi ngày mất 3 tiếng, khiến những chuyến du lịch hay những đêm giải trí ra ngoài ăn tối với hai vợ chồng cô là điều vô cùng xa xỉ.

Bà Phạm Bích Thủy lãnh đạo hội phụ nữ gốc Việt tại AWATW (Hội phụ nữ Á Châu tại nơi làm việc), trụ sở tại Cabramatta cho hay các hướng của phụ nữ di dân đến NSW là qua miền Tây sinh sống và xin việc những chỗ làm công nhân có tay nghề thấp.

“Đời sống lạm phát hiện nay khiến vật giá và tiền mướn nhà đều leo thang, nhiều thành viên trong hội mà tôi biết phải share phòng với bà con, ngủ trên tấm nệm, mà đứa con chỉ mới 4 tuổi. Khi tiền mướn nhà cứ tăng hoài thì có đến 4 gia đình phải share chung một căn nhà. Cứ mỗi lần chủ nhà hăm he tăng tiền nhà thì các chị em lại te tát chạy vạy để xin được làm thêm các công việc cuối tuần.”

Những lời tâm sự của chị Huyền và Bích Thủy chính là mối lo toan chung của những cử tri gốc Việt tại miền Tây NSW. Đó là quyền của người thuê nhà trong việc thương lượng giá thuê với chủ nhân, quyền được đi lại an toàn và nhanh chóng đến nơi làm việc, quyền được bảo trợ về công ăn việc làm khi nghỉ thai sản dài vì vấn đề sức khỏe.

Đó là những quyền căn bản và những mối lo toan về chi phí sinh hoạt và nhà ở rất thực tế mà chính phủ nào thắng cử trong cuộc bầu cử năm nay cũng có thể bắt tay làm được ngay, nếu muốn cải thiện đời sống và tinh thần của miền Tây. Theo lời bà Phạm Ánh Linh Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại NSW:

Miền Tây có nguồn tài nguyên dồi dào và những con người miền Tây siêng năng, không chỉ người gốc Việt mà còn những người đa sắc tộc khác. Riêng người Việt rất cần cù, có người làm việc đến sáu, bảy ngày một tuần. Nếu không để ý đến miền Tây thì rất uổng cho sự phát triển của NSW nói chung.

Theo The Daily Telegraph trong loạt bài Miền Tây Sydney sẽ ra sao trong tương lai cho biết Tây Sydney là nền kinh tế lớn thứ ba của đất nước, với tổng sản phẩm khu vực ước tính là 157 tỷ đô la, chiếm gần 25% sản lượng kinh tế của NSW.

Loạt bài cũng nói lên những sự bất công và thiếu đầu tư vào miền Tây, không xứng đáng với những gì mà người miền Tây đã mang lại cho đất nước. Loạt bài chỉ ra những sự bất công trong tài trợ giáo dục và hệ thống y tế, nơi người miền Tây hầu như bị bỏ quên suốt mười năm, như lời Bộ trưởng Tây Sydney Stuart Ayres nói:

“Chúng ta đã định hình lại thành phố của mình cho Thế vận hội 2000 và sau đó trong thập kỷ tiếp theo, chúng ta chẳng làm gì cả.”

Ông Ayres kể lại thành công của Olympic Sydney 2000 nhưng sau đó nhấn mạnh “một thập kỷ mất mát” đã thất bại trong việc thiết lập miền Tây Sydney cho tương lai.

Tờ báo cũng trích lời Jade Clarke, người đứng đầu Westpac DataX, nói “rõ ràng là phần lớn những người” mới đến Úc đều đang hướng về phía Tây Sydney nhưng sự phát triển trường học và bệnh viện đã không tương xứng.

Đó cũng là nhận xét của bà Phạm Bích Thủy:

“Miền Tây trong ấn tượng đầu tiên của tôi là miền đất của những người di dân. Họ khó được tiếp cận với các dịch vụ y tế. Chỉ trong những trường hợp khẩn cấp phải đi cấp cứu, ngoài ra họ rất ít khi được tiếp cận với những chuyên gia chữa những bệnh chuyên môn khác. Sức khỏe tinh thần của họ cũng không ổn định, thường bị stress mỗi khi không thể cân bằng giữa việc làm và nghỉ ngơi.”

Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại NSW Phạm Ánh Linh nói thêm:

“Đừng nghĩ người miền Tây là phó thường dân mà hãy chu cấp xứng đáng với giá trị mà người miền Tây mang lại cho NSW. Chẳng hạn đó là hạ tầng cơ sở trường học, bệnh viện, đường phố khang trang hơn. Ngoài ra các đài phát thanh đa ngôn ngữ cần được phát triển tại miền Tây cũng như làm thế nào để tăng thêm các hoạt động giải trí tinh thần cho người dân nơi đây.”

Còn với gia đình chị Huyền, lúc này dù vui vầy vì đứa con đầu lòng mới sinh thành công sau 4 lần thất bại, nhưng hai vợ chồng vẫn đầy lo âu cho khoảng thời gian sắp tới.

“Có lẽ nếu nghỉ việc không lương để ở nhà chăm sóc con thêm vài tháng, tụi em sẽ thấm thía cảnh thiếu hụt trầm trọng hơn, em chỉ có thể nhanh chóng quay lại làm việc và dành dụm cho con.”

Những dịp cuối tuần vợ chồng ra ngoài vui chơi sau nhiều ngày làm việc không lo toan, với những dịch vụ giải trí đầy đủ ngay gần nhà mà không phải đi xa, bên đứa con nhỏ khỏe mạnh và vui vẻ, là một hình ảnh hy vọng sẽ có trong tương lai cho gia đình chị Huyền và em bé mới sinh.



Share
Published 25 March 2023 12:41pm
By Lê Tâm
Source: SBS

Share this with family and friends