Sứ quán Việt Nam tại Úc có ba địa điểm bị khiếu nại nhũng nhiễu trong Báo Cáo Minh Bạch Sứ Quán

Trong số 32 địa điểm đại diện ngoại giao của Việt Nam liệt kê trong danh sách khiếu nại nhũng nhiễu trên trang Tôi Và Sứ Quán, thì Úc có ba địa điểm là Đại Sứ Quán Việt Nam tại Canberra có 11 vụ, Lãnh sự Quán Việt Nam tại Sydney có 4 vụ và tại Lãnh Sự Quán Việt Nam tại Perth có 3 vụ.

Biểu đồ Minh Bạch Sứ Quán Việt Nam 2019

Biểu đồ Minh Bạch Sứ Quán Việt Nam 2019 Source: Tôi và Sứ Quán Facebook

Báo Cáo Minh Bạch Sứ Quán Việt Nam 2019 do nhóm admin quản lý trang mạng Tôi và Sứ quán thực hiện bao gồm dữ liệu trong năm 2019 và được cập nhật đến ngày 1/11/2019.

Những người thực hiện báo cáo cũng ghi rõ kết quả trong báo cáo chỉ là phần nổi của tảng băng, vì rất ít nạn nhân biết họ đang bị lạm thu và rất ít trong số đó muốn khiếu nại.

Những người thành lập Báo Cáo Minh Bạch Sứ Quán Việt Nam gọi những người từng bị sứ quán Việt Nam nhũng nhiễu là các nạn nhân, với ý nghĩa họ đã bị nhân viên sứ quán lạm thu khi đến làm hồ sơ, giấy tờ liên quan.

Họ cũng từng bị nhân viên sứ quán ‘ngâm’ hồ sơ rất lâu và muốn lấy lại hồ sơ phải đóng thêm tiền.

Có những nạn nhân đến hỏi thăm về việc làm giấy Lý lịch Tư pháp số 2 cũng bị sứ quán thu tiền để làm, trong khi lý lịch tư pháp chỉ có thể do Sở Tư pháp tại Việt Nam cung cấp.
Báo cáo minh bạch sứ quán Việt Nam 2019
Báo cáo minh bạch sứ quán Việt Nam 2019 Source: Credit to: Tôi và Sứ quán (toivasuquan.org)
Dữ liệu để làm báo cáo được trích ra từ diễn đàn Tôi và Sứ Quán, phân loại theo địa điểm sứ quán và loại nhũng nhiễu mà người dân gặp phải.

Kết quả của báo cáo cho biết từ đầu năm 2019 đến tháng 11/2019, có 170 lượt nạn nhân báo tin lên diễn đàn Tôi và Sứ quán, với số tiền họ tố cáo bị lạm thu lên đến 10.000 USD. Trung bình mỗi nạn nhân có thể bị thu tiền cao hơn quy định 60 USD.

Báo cáo chỉ ra các trường hợp nạn nhân tại Úc đã bị nhân viên sứ quán thu thêm tiền để làm giấy tờ, cao hơn quy định, cũng như bị kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.

Vài trường hợp xảy ra tại Canberra như thành viên Mai Hellen báo tin cho diễn đàn Tôi và Sứ quán rằng mình bị đòi thêm 55USD phí dịch thuật khi làm 1 giấy miễn thị thực, thành viên Lien Dinh cho biết bị ‘ngâm’ hồ sơ từ 9.1 đến 21.1 mới cấp hộ chiếu, sau khi phải gọi điện rất nhiều lần.

Thành viên Michelle Vo cũng viết lên diễn đàn là mình bị trễ hồ sơ miễn thị thực đến 3 tuần. Khi anh gọi điện hỏi nhân viên sứ quán thì được khuyên là anh phải trả thêm tiền để làm nhanh hơn.

Một trong những trường hợp được các thành viên khuyên bảo tận tình là cô Kimmy Leung, hôm 11/10 gởi lên diễn đàn Tôi và Sứ quán rằng sau khi biết được số tiền theo quy định chỉ có 10 USD để miễn thị thực năm năm, cô đã làm hồ sơ và đóng đủ số tiền theo quy định như vẫn bị nhân viên sứ quán gọi điện thoại thông báo là số tiền không đủ, và cô phải đóng 55 USD nếu muốn miễn thị thực 5 năm.
Trích bài của Kimmy Leung trên diễn đàn Tôi và Sứ quán
Trích bài của Kimmy Leung trên diễn đàn Tôi và Sứ quán Source: Credit to: Tôi và Sứ quán Facebook page
Một thành viên là Mai Huynh Hanh ở Ý trả lời Kimmy như sau: “Kinh nghiệm của mình là phải nắm vững quy định, chuẩn bị tinh thần đấu tranh với bọn họ, Đsq họ chỉ ăn chặn và bắt nạt người " dễ bắt nạt". Trên diễn đàn đã có rất nhiều bạn chia sẻ cách làm Mtt đúng giá, bạn có thể tham khảo”.

Các thành viên trích dẫn Thông tư 264 của Bộ tài chính Việt Nam về quy định mức thu phí và lệ phí trong lĩnh vực ngoại giao, áp dụng tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, trong phụ lục chỉ rõ những khoản thu liên quan đến việc làm hộ chiếu và visa, cũng như các giấy tờ khác có liên quan.
Phụ lục Thông tư 264 Bộ Tài chính Việt Nam
Phụ lục Thông tư 264 Bộ Tài chính Việt Nam Source: Credit to: Cơ sở dữ liệu quốc gia http://vbpl.vn/TW/Pages/vbpq-van-ban-goc.aspx?ItemID=119137
Câu chuyện người Việt Nam ở nước ngoài bị làm khó và nhũng nhiễu khi tiếp xúc với sứ quán là câu chuyện dài tập, thường được cộng đồng truyền tai nhau nhiều kinh nghiệm nhằm tránh tai ương.

Tuy nhiên câu chuyện này trở nên cấp bách hơn khi xuất hiện lá thư của kỹ sư Dương Ngọc Thái, thành viên quản trị diễn đàn Tôi và sứ quán, cũng là một kỹ sư nổi tiếng trong giới hacker tại Việt Nam, giờ đang làm việc tại  Silicon Valley.

Ông Dương Ngọc Thái đã gởi một lá thư ngỏ đến chính phủ Việt Nam, trong đó ông xác nhận những nỗi hoang mang của người Việt Nam tại hải ngoại, mỗi khi có việc liên quan phải đến sứ quán Việt Nam giải quyết.

Trong lá thư, ông tố cáo: “Họ làm đủ mọi cách để lạm thu phí lãnh sự, từ lập lờ đánh lận con đen, lợi dụng người dân không hiểu luật để tăng giá cho đến ngang nhiên tự ra giá cao hơn quy định nhiều lần.

Ai mà không đóng cho đủ số tiền họ muốn thì họ gây khó dễ, hên thì họ ngâm hồ sơ cho vài tháng, xui thì họ trả hồ sơ mà không giải thích tại sao”.

Trong lá thư, ông Thái khuyến nghị chính quyền Việt Nam thay đổi cách thức các sứ quán làm việc xưa nay, cụ thể:

“1. Bắt buộc tất cả các sứ quán phải cấp biên lai theo Phụ lục 3 của Thông tư 264/2016/TT-BTC. Biên lai phải ghi rõ phí và lệ phí của từng loại giấy tờ, có đóng dấu, chữ ký ghi rõ họ tên người nhận tiền.

2.  Bắt buộc tất cả sứ quán phải niêm yết công khai, rõ ràng, chi tiết tất cả các thủ tục, biểu mẫu, thời gian trả kết quả, biểu mức thu phí và lệ phí lãnh sự trên website chính thức của các cơ quan này và tại địa điểm thu phí bằng tiếng Việt và tiếng Anh hoặc ngôn ngữ chính thức của nước sở tại.

3. Bắt buộc tất cả nhân viên lãnh sự ở sứ quán phải đeo bảng tên và chức vụ, và khi tiếp xúc với người dân, trực tiếp hay qua điện thoại, phải xưng tên và chức vụ.”

Theo ông, việc phải có biên lai khi giao nhận hồ sơ, phải niêm yết giá làm hồ sơ công khai và phải đeo bảng tên khi làm việc là những yêu cầu tối thiểu và căn bản của một cơ quan chính phủ khi tiếp xúc với người dân. Hiện tại, các sứ quán Việt Nam ở nước ngoài chưa thống nhất làm việc theo ba đề nghị nói trên.

Ngoài đóng góp của ông Thái và nhóm Tôi và Sứ quán trong việc thành lập bảng Báo Cáo Minh Bạch Sứ Quán Việt Nam, trang mạng Tôi và Sứ quán cũng có những chỉ dẫn chi tiết cho người Việt ở hải ngoại khi muốn làm giấy tờ với sứ quán Việt Nam tại .

Share
Published 26 November 2019 3:41pm
Updated 26 November 2019 4:11pm

Share this with family and friends