1. Thẩm định tay nghề (Skills Assessment) là gì?
Nếu bạn muốn nộp đơn xin một loại visa định cư diện tay nghề, bạn sẽ cần phải chứng minh bản thân có đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu của ngành nghề mà bạn đăng kí, được chứng nhận bởi tổ chức thẩm định tay nghề có liên quan. Các chứng nhận này được gọi chung là thẩm định tay nghề (Skills Assessment).
Các visa diện tay nghề 189, 190 và 489 chắc chắn yêu cầu thẩm định tay nghề. Trong một số trường hợp, visa 485 (visa tạm trú 2 năm sau khi tốt nghiệp) cũng sẽ yêu cầu thẩm định tay nghề.
Ngoài ra, một số visa doanh nghiệp bảo lãnh như 482, 186 và 187 trong một số trường hợp cũng yêu cầu kết quả giám định tay nghề.
Các tiêu chí đánh giá thẩm định tay nghề được qui định bởi các đơn vị có thẩm quyền sẽ khác nhau, tuỳ thuộc vào tiêu chuẩn chuyên nghiệp của từng nhóm ngành nghề.
Thẩm định tay nghề chỉ có giá trị cho đến ngày hết hiệu lực được ghi rõ trong bản đánh giá; hoặc sau 3 năm kể từ ngày cấp (tuỳ thuộc vào thời hạn nào đến trước).
Danh sách những ngành nghề ưu tiên định cư cũng đồng thời cung cấp danh sách các tổ chức thẩm định có liên quan cho từng ngành cụ thể trong danh sách. Trách nhiệm của bạn là phải tự liên hệ với đơn vị thẩm định liên quan đến ngành nghề của mình và tiến hành Skills Assessment.
Mỗi tổ chức thẩm định đều có thủ tục đánh giá, khung thời gian và chi phí riêng.
Bạn nên sắp xếp thực hiện Skills Assessment trước khi nộp EOI (Expression of Interest) lên SkillSelect.
2. Các kĩ năng của bạn sẽ được đánh giá như thế nào?
Trong hầu hết các trường hợp, các tổ chức thẩm định tay nghề sẽ yêu cầu bạn phải có các loại bằng cấp liên quan đến ngành nghề dự định nộp.
Đối với một số ngành nghề đặc thù, cần thêm kinh nghiệm làm việc 1 năm hoặc nhiều năm.
Trong một số trường hợp đặc biệt, bạn không có bằng cấp liên quan thì các tổ chức thẩm định sẽ yêu cầu số năm kinh nghiệm phù hợp.
Kinh nghiệm làm việc được chứng minh bằng giấy xác nhận của doanh nghiệp, giấy tờ lương bổng (payslip) và bảo hiểm xã hội (superannuation) để chứng minh bạn được trả lương khi làm việc.
3. Làm sao để vượt qua thẩm định tay nghề?
Thọ Nguyễn, cố vấn di trú của công ty S & W Consulting Group, tư vấn:
- Trước khi chọn ngành nghề học, nên tìm hiểu thẩm định tay nghề của ngành học trước để tránh không làm được hoặc khó làm thẩm định sau khi học xong, chẳng hạn như ngành hospitality management.
- Tìm hiểu các tổ chức có thẩm quyền làm thẩm định tay nghề liên quan đến ngành học của mình bằng cách search Google ngành học của mình + SA authorities.
- Tìm hiểu kỹ những yêu cầu về SA đối với ngành học của mình như bằng cấp, kinh nghiệm làm việc v.v...
- Có kết quả thẩm định nghề nghiệp rồi mới nộp hồ sơ xin định cư, trừ trường hợp ngoại lệ khi nộp visa 485 thì chỉ cần biên nhận làm thẩm định tay nghề chứ không phải đợi đến lúc có kết quả.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, các bạn có 2 năm tạm trú ở Úc để làm việc, có thể chọn giải pháp về Việt Nam làm việc trong 1 năm để tính điểm kinh nghiệm làm việc, rồi trở lại Úc trong 1 năm còn lại để tính tiếp con đường đi của mình.