Sinh viên có thể phải trả nợ sớm hơn từ năm sau

Sinh viên bày tỏ sự thất vọng trước những đề nghị của chính phủ Liên Đảng đối với lệ phí hậu trung học, phe đối lập cũng lên tiếng chỉ trích, nhưng tổng trưởng giáo dục liên bang nói rằng cần phải kiểm soát số nợ khổng lồ các sinh viên đang thiếu của dân.

University students

University students Source: SBS

Sinh viên người Đức, April Holcombe hiện đang du học ở Sydney. Cô có chân trong ban đại diện sinh viên.

"Khó khăn lắm vì mọi thứ quá đắc đỏ. Tiền thuê nhà cao ngất ngưỡng. Thực phẩm thì tăng mỗi năm."

Cô Holcombe nói những thay đổi mà chính phủ Turnbull đang đề nghị thật là quá đáng, nhất là đối với những sinh viên nghèo họ vốn đã chật vật.

"Bọn tôi phải tự nhủ là tạm thời đừng có nghĩ đến khoản nợ, thậm chí không nghĩ tìm cách trả nợ thế nào, mà đơn giản là hãy gạt nó qua một bên, bởi vì mọi thứ khác đã là khó khăn rồi."

"Có những thứ phát sinh khiến anh phải tốn tiền hơn, vậy anh phải làm gì bây giờ? Chỉ việc ăn ít lại thôi chứ biết sao bây giờ," cô Holcombe ngao ngán.

Nhưng cũng có sinh viên ủng hộ việc tăng học phí, thí dụ như sinh viên kinh tế Kerrod Gream, nghĩ rằng đó là một cái giá phải chăng cho mảnh bằng đại học.

"Mảnh bằng đại học đem lại rất nhiều cái lợi, và tôi nghĩ cuối cùng thì chúng tôi - các sinh viên đang học để lấy mảnh bằng đó - là người phải trả học phí chứ không để người khác trả giúp bằng cấp cho chúng tôi được."

Chính phủ Liên Đảng đưa ra những thay đổi, sau khi kết quả khảo cứu do chính phủ đặt công ty nghiên cứu kinh tế Deloitte Access Economics thực hiện, cho thấy trong 5 năm, từ 2010-2015 chi phí để dạy một khóa cử nhân đã tăng 9,5% cho mỗi sinh viên.

Nhưng thu nhập của các trường đại học cũng tăng 15%.

Bây giờ nếu tăng học phí thì chính phủ sẽ tiết kiệm được 3 tỉ đôla trong vòng 4 năm.

Những thay đổi này có nghĩa là chính phủ đã từ bỏ việc để cho các trường đại học có toàn quyền ấn định học phí, nhưng chính phủ muốn liên kết ngân sách tài trợ với tỉ lệ sinh viên hoàn tất đại học, kết quả tìm việc làm sau đó, cũng như sinh viên có hài lòng với khoá học hay không.

Trong hai năm tới ngân sách của các trường đại học bị cắt 2,5%. Theo Jeannie Rea từ nghiệp đoàn giáo dục hậu trung học, NTEU, điều đó sẽ gây thêm áp lực cho các giảng viên.

"Các trường đại học lệ thuộc sự trung thành và sự tận tụy của nhân viên nhưng không phải ai cũng làm hết mình với công việc họ yêu thích đâu mà chỉ vì không có đủ người."

Vicki Tomson là giám đốc điều hành của Group of Eight, đại diện cho 8 trường đại học lớn nhất tại Úc. Bà lo ngại tăng học phí có thể làm cho các sinh viên ngoại quốc phải nghĩ lại.

"Chúng tôi muốn chứng tỏ là nước Úc mở cửa cho sinh viên ngoại quốc, chúng tôi muốn khuyến khích họ hãy ghi tên học và nghiên cứu tại các trường đại học của chúng ta."

"Nhưng những thay đổi thế này sẽ phần nào làm ảnh hưởng đến hình ảnh đó của Úc," bà Tomson nói.

Chính phủ hiện đang vận động các dân biểu độc lập để hy vọng bắt đầu áp dụng những thay đổi vào năm tới.

Tổng trưởng Giáo dục Simon Birmingham trong những năm gần đây thu nhập của các trường đại học đã tăng nhờ có nhiều sinh viên theo học, nhưng điều đó cũng gây nhiều sức ép cho ngân sách chính phủ.

"Nợ của sinh viên từ tiền thuế của dân đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2009, hiện là trên 52 tỉ đôla. Nếu tình trạng này không thay đổi thì chính phủ ước tính khoảng một phần tư của số đó dự kiến sẽ không bao giờ được hoàn trả."

Chính vì vậy chính phủ đề nghị cách để sinh viên trả nợ sớm hơn. Hiện nay ra trường đi làm lương một năm khoảng $56.000 đôla thì sinh viên mới bắt đầu phải trả nợ, nhưng kể từ năm sau mức lương đó sẽ được hạ xuống còn $42.000 đôla.

Học phí cũng sẽ tăng, thêm khoảng $3.600 đôla cho khoá cử nhân 4 năm. Và ngân sách của chính phủ dành cho các trường đại học sẽ bị cắt gần $3 tỉ đôla.

Phó chủ tịch đảng Lao Động, bà Tanya Plibersek nói con số cắt giảm này sẽ có tác động nghiêm trọng cho các trường đại học.

"Những cắt giảm này sẽ gây khó khăn cho việc cung cấp giảng dạy chất lượng cao, khó khăn cho việc nghiên cứu để cho các đại học liên hệ với đời sống, khó khăn cho họ giữ những nhân viên xuất sắc, và khó để cho các trường đại học tạo điều kiện cho sinh viên trở thành những nhà nghiên cứu."





Share
Published 3 May 2017 1:43pm
Updated 12 August 2022 3:59pm
By Manny Tsigas, Quốc Vinh

Share this with family and friends