Trong loạt phim tài liệu mới đầy tính đột phá, SBS tìm hiểu lòng định kiến và sự kỳ thị ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người Úc như thế nào, chạm đến tận đáy sâu rằng mọi người thật sự nghĩ gì về tình trạng khuyết tật, người cao niên và sự béo phì. Loạt phim gồm ba tập mang tên What Does Australia Really Think About… do Kurt Fearnley, Noni Hazlehurst và Casey Donovan cùng dẫn dắt, khởi chiếu vào ngày 18 tháng 8, lúc 8 giờ 30 tối trên SBS và SBS On Demand.Lực sĩ năm lần tham dự Paralympic Kurt Fearnley tin rằng người khuyết tật không bị tàn tật vì chính cơ thể của họ mà tình trạng tàn tật là do xã hội. Noni Hazlehurst, người lần đầu tiên xuất hiện trên màn ảnh của chúng ta từ cách đây hơn 45 năm, đang cảm thấy khó chịu trước sự mô tả rập khuôn về người cao niên trên các phương tiện truyền thông. Và Casey Donovan, người đã nổi tiếng từ lúc 16 tuổi, khi cô chiến thắng cuộc thi Australian Idol, đã phải sống với những lời bình luận về cân nặng của mình kể từ đó.
What Does Australia Really Think About… Source: SBS
Loạt phim tài liệu mới này sử dụng các cuộc thăm dò dư luận do trường Đại học Melbourne, trường Đại học Queensland và trường Đại học La Trobe khảo sát cho thấy quan điểm của người Úc về sự khuyết tật, người cao niên và người béo phì. Kết quả là một bức tranh rõ ràng cho biết các định kiến và quan niệm sai lầm vẫn còn rất phổ biến trong xã hội Úc.
Một vài phát hiện chủ chốt từ ba cuộc khảo sát này về thái độ đối với người khuyết tật, người cao niên và người béo phì bao gồm *:
- 72% người không khuyết tật được hỏi đã trả lời là họ cảm thấy thương tiếc cho người khuyết tật.
- 72% đồng ý rằng đôi khi mọi người sẽ chế giễu những người khuyết tật.
- 31% người Úc trên 55 tuổi đôi khi cảm thấy mình vô hình với xã hội.
- 72% đồng ý rằng người cao niên thường cô đơn.
- 42% người béo phì đã từng bị quấy rối vì cân nặng của họ.
- 37% người được hỏi cho rằng có thể khuyên ai đó giảm cân nếu muốn.
Sau khi bức tranh chân thực về tâm lý người Úc này được tiết lộ, loạt phim tài liệu khám phá làm thế nào để kiểm tra, củng cố hoặc thách thức những ý kiến trả lời đó, bằng cách sử dụng một loạt thí nghiệm camera ẩn dấu. Kết quả có lúc khiến người ta bàng hoàng và giận dữ, nhưng cũng có nhiều trường hợp mang lại cảm hứng về chính những người Úc bình thường đã lên tiếng khi chứng kiến sự phân biệt đối xử như thế nào.
Kurt Fearnley nói: “Tôi hy vọng rằng khi ai đó xem loạt phim này, mong sao họ có thể nhìn ra xung quanh môi trường sống của mình ngay lúc đó, và đặt câu hỏi, nơi làm việc của tôi có thể đại diện cho sự khuyết tật không? Trong trường học của con tôi thì sao? Sự khuyết tật có được chú ý thể hiện trong câu lạc bộ thể thao vùng tôi ở không? 20% dân số ngoài kia là người khuyết tật và họ mong muốn trở thành một phần của cộng đồng. Tại sao không thấy họ hiện diện nơi bạn ở?”
Noni Hazlehurst nói: “Đã qua rồi cái thời chúng ta chú ý đến sự khác biệt và đưa ra giả định về nhau dựa trên vẻ bề ngoài, đây là lúc chúng ta cần phải công nhận và tôn vinh những điểm tương đồng của nhau. Mọi người đều xứng đáng nhận được lòng hảo tâm, sự tôn trọng và ủng hộ”.
Casey Donovan nói: “Tôi muốn mọi người có những cuộc trò chuyện. Tôi muốn mọi người hãy nói chuyện với nhau. Tôi muốn mọi người hãy lắng nghe nhau. Tôi muốn mọi người hiểu rằng ai cũng có hình dạng và kích cỡ khác nhau và đều phải vật lộn với khó khăn. Và tôi muốn mọi người biết rằng họ đã nhận đủ rồi. Cuối cùng thì bạn đã chịu đủ rồi.”
Giám đốc Truyền hình và Nội dung Online của SBS, Marshall Heald nói: “SBS chú trọng tạo ra những bộ phim tài liệu hấp dẫn có thể mở màn những cuộc thảo luận quan trọng của công chúng về những hình mẫu rập khuôn và nâng cao nhận thức về các vấn đề quan trọng, What Does Australia Really Think About… là sự phản ảnh của điều này, nhằm khám phá các chủ đề về khuyết tật, lão hóa và béo phì với mục đích phá bỏ những rào cản, quan niệm sai lầm và giảm bớt sự kỳ thị đang tồn tại trong xã hội.”
Còn Giám đốc Phim tài liệu của Screen Australia, Alex West nói: “What Does Australia Really Think About… là loạt phim kích thích tư duy và hấp dẫn nhằm mục đích thách thức cũng như khiến người xem xúc động. Chúng tôi tự hào được hỗ trợ bộ phim tài liệu này và hãng phim Joined Up khi họ đã soi rọi những vấn đề đương đại quan trọng này, mang lại nhận thức cho người xem và cuối cùng dẫn đến sự thay đổi trong xã hội. Tôi khuyến khích mọi người hãy đón xem loạt phim đầy ý nghĩa này khi phim phát sóng.”
What Does Australia Really Think About… có thể xem online tại .
Chương trình mới này được hỗ trợ bởi một loạt các câu chuyện bên lề, các cuộc thảo luận và các chương trình khác nữa về sự khuyết tật, người cao niên và người béo phì trên khắp các kênh của SBS, bao gồm , , SBS Radio, tin tức và các vấn đề thời sự, NITV và .
What Does Australia Really Think About… do hãng phim Joined Up sản xuất cho SBS. Nhà đầu tư sản xuất chính là Screen Australia hợp tác với SBS. Phim được tài trợ và có sự hỗ trợ từ Screenwest và Lotterywest.
Xin mời quý vị đón xem What Does Australia Really Think About… tại. Loạt phim ba tập được chiếu liên tục hàng tuần.
Tham gia cuộc đối thoại trên mạng xã hội tại #AusThinks
* Ba cuộc khảo sát riêng biệt được thực hiện với ba nhóm người tham gia trả lời khác nhau. Các cuộc khảo sát do Dynata thực hiện.
“Người Úc thật sự nghĩ gì về người khuyết tật?” - Nghiên cứu được thực hiện với sự cộng tác và kiểm tra kết quả nghiên cứu bởi Giáo sư Anne Kavanagh thuộc trường Đại học Melbourne, bà là một nhà dịch tễ học xã hội nổi tiếng với công trình nghiên cứu về bất bình đẳng sức khỏe. Bà là Chủ tịch danh dự của tổ chức Sức khỏe và Người Khuyết tật, Trưởng khoa Khuyết tật và Sức khỏe thuộc Trung tâm Công bằng Sức khoẻ, Trường Dân số và Sức khỏe Toàn cầu Melbourne. Bà cũng là Giám đốc Học thuật của Viện Nghiên cứu Khuyết tật Melbourne, và là Giám đốc cũng Điều tra viên chính của Trung tâm Nghiên cứu Xuất sắc về Khuyết tật và Sức khỏe. Xem thêm thông tin tại đây: credh.org.au. Cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện bởi DYNATA. Dữ liệu được thu thập từ một mẫu phân tầng gồm 2,000 người trưởng thành Úc, 1,600 người không khuyết tật và 400 người khuyết tật. Có 1,026 nữ giới, 953 nam giới, 11 người không phân biệt giới tính và 10 người không muốn tiết lộ giới tính, tỷ lệ các nhóm tuổi đều tương đương nhau và và tỷ lệ người dân từ mỗi tiểu bang tương ứng với dân số của tiểu bang đó. Dữ liệu được thu thập trong tháng 1 và tháng 2 năm 2021.
‘Người Úc thật sự nghĩ gì về người cao niên?' - Nghiên cứu được thực hiện với sự cộng tác và kiểm tra kết quả nghiên cứu bởi Giáo sư Nancy A. Pachana, nhà tâm lý học địa chất lâm sàng, nhà tâm lý học thần kinh và giáo sư tại Trường Tâm lý học, Đại học Queensland, bà cũng là đồng giám đốc Sáng kiến Tâm trí Người cao niên của Đại học Queensland, nơi mang đến những quan điểm mấu chốt cho các nghiên cứu lâm sàng, liên quan đến sự chuyển dịch lão hóa tại Đại học Queensland. Giáo sư Pachana nổi danh trên thế giới về lĩnh vực sức khỏe tâm thần lão khoa, đặc biệt với nghiên cứu của bà về chứng rối loạn lo âu cuối đời và đồng phát triển Bản kiểm kê Các triệu chứng lo âu khi về già, một bản phúc trình súc tích được sử dụng rộng rãi trong nghiên cứu và lâm sàng trên toàn thế giới và được phiên dịch hơn hai mươi ngôn ngữ. Xem thêm thông tin tại đây:
Cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện bởi DYNATA. Dữ liệu được thu thập từ mẫu phân tầng gồm 2,023 người trưởng thành ở Úc, với 1,062 nữ giới, 953 nam giới, 6 người không phân biệt giới tính và 2 người không tiết lộ giới tính của mình, trải rộng khắp các nhóm tuổi, với số lượng tương ứng người dân từ mỗi tiểu bang trên tổng dân số của tiểu bang đó. Dữ liệu được thu thập vào tháng 2 và tháng 3 năm 2021.
‘Người Úc thật sự nghĩ gì về người béo phì?’ - Nghiên cứu được thực hiện với sự cộng tác và kiểm tra kết quả nghiên cứu bởi Phó Giáo sư Leah Brennan thuộc trường Đại học La Trobe. Phó Giáo sư Brennan là một nhà tâm lý học về lâm sàng, y tế, giáo dục và phát triển, và cũng là người giám sát nghiên cứu được hội đồng khoa học phê duyệt. Các lĩnh vực nghiên cứu lâm sàng của cô bao gồm ăn uống, cân nặng và hình ảnh cơ thể (ví dụ: rối loạn ăn uống, thừa cân/béo phì, hình ảnh cơ thể, kỳ thị cân nặng), và cô đã phát triển phương pháp điều trị tâm lý thực hành tốt nhất (ví dụ: hỗ trợ tâm lý từ xa, hướng dẫn tự thực hành). Cô vừa là một nhà nghiên cứu (giảng dạy và nghiên cứu) vừa là một bác sĩ lâm sàng. Phó Giáo sư Brennan dẫn đầu Nhóm Nghiên cứu Lâm sàng Hình ảnh Cơ thể, Ăn uống và Cân nặng (BEWT). Xem thêm thông tin tại đây: . Cuộc khảo sát toàn quốc được thực hiện bởi DYNATA. Dữ liệu được thu thập từ mẫu phân tầng gồm 2,002 người trưởng thành Úc, 1,161 người trong số này tự nhận mình có kích thước cơ thể thừa cân, béo phì hoặc mắc chứng bệnh béo phì và 841 người được xác định là có kích thước cơ thể trung bình hoặc nhẹ cân. Có 1,009 nữ giới, 987 nam giới, 4 người không phân biệt giới tính và 2 người không muốn tiết lộ giới tính, tỷ lệ ở các nhóm tuổi tương đương nhau và số người từ mỗi tiểu bang có tỷ lệ như nhau so với dân số của tiểu bang đó. Dữ liệu được thu thập vào tháng 2 và tháng 3 năm 2021.