Các phi cơ chiến đấu và tàu hải quân của Úc sẽ được trang bị phi đạn tấn công tầm xa mới trước kế hoạch nhiều năm theo một ngân khoản hỗ trợ nhanh mới trị giá $3.5 tỷ Úc kim.
Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết đang phải áp dụng một thời gian biểu khẩn cấp để ngăn chặn các hành động gây hấn chống lại nước Úc.
"Thế giới đã bị sốc với những gì chúng ta đã thấy ở châu Âu và ở Ukraine, chúng tôi hy vọng và cầu nguyện điều đó không lan sang các nước khác," ông Dutton nói với Seven Network hôm nay thứ Ba.
Nhưng chúng tôi cũng rất lo lắng về những gì đang xảy ra ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đây là chuyện nước Úc đang chuẩn bị và bảo đảm rằng chúng ta có thể ngăn chặn bất kỳ hành động bắt nạt nào chống lại đất nước của chúng ta.
Các phi đạn này sẽ có thể tấn công các mục tiêu cách xa tới 900 km và do các công ty quốc phòng Raytheon và Lockheed Martin của Mỹ sản xuất.
Các vũ khí bao gồm phi đạn cho lực lượng không quân đến trước lịch trình ba năm, và phi đạn cho hải quân của Na Uy sản xuất đến trước kế hoạch năm năm. Thủy lôi (mìn hải quân) công nghệ cao cũng sẽ đến sớm hơn ba năm theo chương trình này.
Ông Dutton cho biết nước Úc đang nỗ lực hướng tới khả năng sản xuất có chủ quyền của mình trong trung hạn nhưng cách nhanh nhất để có được phi đạn trong ngắn hạn là thông qua các đối tác Hoa Kỳ.
"Chúng tôi đang cố gắng thiết lập ngành kỹ nghệ ngay tại đây và chúng tôi sẽ làm điều đó rất nhanh và tăng tốc vì chúng tôi cần, chúng tôi phải làm," ông nói.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng thông báo các tàu ngầm nguyên tử sẽ đến Úc sớm hơn nhiều so với dự kiến, với chiếc đầu tiên dự kiến sẽ xuống nước vào cuối những năm 2030. Trước đây lịch trình bàn giao các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân này được đề xuất là vào năm 2040.
Ông Dutton cho biết một thông cáo quan trọng sẽ được đưa ra vào cuối năm nay trong đó Hoa Kỳ và Vương quốc Anh trong liên minh ba bên AUKUS với Úc "hiểu rõ tình hình ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".
“Tôi nghĩ chúng ta có thể rút ngắn thời gian giao hàng. Nhưng chúng tôi sẽ công bố tất cả chi tiết đó vào thời điểm thích hợp," ông nói.
Quan ngại ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Thứ Năm tuần trước, Đảo quốc Solomon cho biết họ đã hoàn tất các chi tiết của một thỏa thuận an ninh trên phạm vi rộng với Bắc Kinh, một thỏa thuận mà các đồng minh phương Tây lo ngại sẽ mở đường cho sự đặt chân đầu tiên của quân đội Trung Quốc lên miền Nam Thái Bình Dương.
Thỏa thuận giữa Quần đảo Solomon và Trung Quốc có thể liên quan đến việc cung cấp cảnh sát, lực lượng an ninh và đào tạo.
Bộ trưởng Quốc phòng Peter Dutton cho biết điều đó cho thấy Trung Quốc đang có hành động "gây hấn" ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chúng ta cần phải hết sức thận trọng ở đây vì Trung Quốc cực kỳ hung hãn, các chiến thuật mà họ khai triển vào các đảo quốc nhỏ là khá đáng chú ý.
"[Úc] không bao giờ nên coi hòa bình là điều hiển nhiên trong khu vực của chúng ta, mọi thứ chúng ta đang làm đều được thiết kế để ngăn chặn sự xâm lược và duy trì hòa bình đó," ông Dutton nói với Sky News hôm thứ Sáu tuần trước.
Hãng tin Reuters hôm thứ Ba đưa tin, Thủ tướng Quần đảo Solomon, Manasseh Sogavare, mô tả phản ứng dữ dội đối với các cuộc đàm phán an ninh của nước ông với Trung Quốc là xúc phạm.
Ông Dutton cho biết nước Úc tôn trọng chủ quyền của Quần đảo Solomon, nhưng có rất nhiều quốc gia láng giềng đã bày tỏ mối quan ngại đúng đắn về thỏa thuận này, ông nói.
"Chúng tôi tôn trọng chủ quyền [của Quần đảo Solomon]... họ là gia đình [của Úc] nên chúng tôi muốn hợp tác rất chặt chẽ với họ, nhưng chúng tôi cần bày tỏ quan điểm trung thực về hoàn cảnh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương", ông nói với ABC Radio thứ Sáu tuần trước.
"Mọi nỗ lực mà chúng tôi đang thực hiện vào lúc này là cố gắng ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào, cố gắng ngăn chặn Trung Quốc đi theo con đường mà họ có thể đi chệch hướng khỏi một con đường hòa bình."
Thỏa thuận an ninh giữa Bắc Kinh và Đảo quốc Solomon
Một phiên bản dự thảo của thỏa thuận, bị rò rỉ vào tuần trước, có chi tiết các biện pháp khai triển lực lượng an ninh và hải quân của Trung Quốc tới đảo quốc Thái Bình Dương đang bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng này.
Thỏa thuận bao gồm một đề xuất rằng "Trung Quốc có thể, theo nhu cầu của riêng mình và với sự đồng ý của Quần đảo Solomon, thực hiện các chuyến thăm của tàu, thực hiện bổ sung hậu cần và có điểm dừng chân và chuyển tiếp ở Quần đảo Solomon".
Nó cũng sẽ cho phép cảnh sát vũ trang Trung Quốc khai triển theo yêu cầu của Quần đảo Solomon, để duy trì "trật tự xã hội".
"Các lực lượng của Trung Quốc" cũng sẽ được phép bảo vệ "sự an toàn của nhân viên Trung Quốc" và "các dự án lớn ở quần đảo Solomon".
Nếu không có sự đồng ý bằng văn bản của bên kia, cả hai sẽ không được phép tiết lộ các nhiệm vụ một cách công khai.
Việc rò rỉ dự thảo đã gây ra làn sóng chấn động chính trị khắp khu vực.
Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này phát huy sức mạnh vượt xa biên giới của mình.
Bất kỳ sự hiện diện quân sự nào của Trung Quốc đều có thể buộc Canberra và Washington phải thay đổi thế trận quân sự của họ trong khu vực.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại