Bệnh viện, những nơi xét nghiệm COVID-19 trên khắp nước Úc đang bị quá tải nghiêm trọng. Trước tình hình này, người dân được chính phủ khuyến khích hãy tự làm xét nghiệm và tự theo dõi triệu chứng tại nhà trừ khi được yêu cầu phải làm xét nghiệm PCR.
Trường hợp anh Pixel Harman, sau khi được xác định là người tiếp xúc gần (close contact), anh Harman đã đi làm xét nghiệm PCR tại một trung tâm ở Sydney vào ngày 22/12.
Nhưng đã 96 tiếng đồng hồ trôi qua, anh Harman vẫn chưa nhận được kết quả xét nghiệm, và vì là người tiếp xúc gần nên anh buộc phải huỷ hết tất cả những kế hoạch gặp gỡ cuối năm, và phải tự cách ly trong suốt những ngày giáng sinh và Boxing Day.
“Tôi đã cố gọi họ vào ngày 24 vì tôi đoán họ sẽ đóng cửa vào ngày giáng sinh 25/12 nhưng cũng không thể gọi được,” Harman nói với SBS News.
400 người nhận kết quả âm tính thay vì dương tính, người dân phải huỷ kế hoạch gặp gỡ và du lịch
Trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang tăng mạnh những ngày qua khiến hệ thống y tế của Úc phải chịu áp lực rất lớn, các chính phủ tiểu bang đang yêu cầu người dân xem xét lại nhu cầu làm xét nghiệm PCR, nhu cầu gọi xe cứu thương cũng như việc đến khu cấp cứu tại các bệnh viện.
Thủ hiến Domnic Perrottet hôm chủ nhật đã yêu cầu chỉ có những người có triệu chứng với virus và những người đi xuyên tiểu bang mới cần kết quả xét nghiệm âm tính với PCR.
Thời gian chờ đợi tại các trung tâm xét nghiệm PCR đang kéo dài hơn rất nhiều so với trước đây, trung bình từ 48 đến 72 tiếng, nhưng theo Bộ trưởng y tế Brad Hazzard nói thì nhiều người phải chờ đợi lâu hơn.
Hôm Chủ nhật, được biết hơn 400 người ở Sydney đã bị báo kết quả sai, thay vì nhận kết quả dương tính với COVID-19 thì họ lại nhận được kết quả xét nghiệm âm tính.
A sign shows a Covid-19 testing site as people queue outside Alfred Hospital on 22 December 2021 in Melbourne, Australia. Source: Getty Images
Hệ thống y tế sẽ quá tải khi các nhân viên y tế bị nhiễm virus hoặc phải cách ly
Trước tình hình nhân viên bệnh viện cũng đang trong tình trạng quá tải, ông Hazzard thúc giục những người bị nhiễm virus phải xem xét lại có cần thiết phải gọi xe cứu thương hoặc có cần thiết phải đến khu cấp cứu bệnh viện hay không.
Trưởng ban y tế Queensland John Gerrard nhấn mạnh thông điệp này một lần nữa. Phát biểu trước phóng viên, ông nói “Chúng tôi muốn đa số người dân hãy tự mình kiểm soát bệnh tại nhà”.
Tiến sỹ Gerrard khẩn nài người dân không nên đến khu cấp cứu trừ khi gặp phải trường hợp bị khó thở, đau tức ngực hoặc cảm thấy “rất tệ”.
Nếu chỉ vì vị nhiễm COVID-19 thì đó không phải là lý do để đến khoa cấp cứu.
Việc chờ đợi, bệnh viện quá tải càng tạo thêm áp lực cho bệnh viện và tạo thêm nhiều rủi ro cho những người dễ tổn thương.
Giáo sư Catherine Bennett, chủ tịch khoa truyền nhiễm Đại học Deakin, nói rằng không chỉ có NSW mới đang chịu áp lực trước sự lây lan của biến chủng Omicron.
Như ở Victoria, giáo sư Bennett nói bà được biết có những ca nhiễm mà người dân phải đợi 3 tiếng đồng hồ để được xét nghiệm, nhiều người đã phải đi lòng vòng để tìm chỗ xếp hàng ngắn hơn.
Ba ngày đầu tiên sau khi bị nhiễm virus thường là thời gian rất quan trọng để được điều trị, và nếu không có kết quả xét nghiệm sớm sẽ ảnh hưởng đến kết quả điều trị, bà Bennett nói.
“Cho dù đó là thuốc kháng sinh hay thuốc kháng thể đơn dòng thì đều hoạt động tốt nhất trong vòng 3 – 5 ngày từ ngày bị nhiễm virus,” giáo sư Bennett nói.
“Nguy cơ của việc xếp hàng dài, hoặc kết quả cho ra chậm có thể khiến những người bị mắc bệnh gặp rủi ro, vì họ cần phải được xác định để được điều trị hoặc vào bệnh viện.”
Trong khi đó, các nhân viên y tế đang phải khẩn trương để bảo đảm COVID-19 không lây lan khắp bệnh viện sang cho những người bệnh rủi ro cao.
Giáo sư Alexandra Martiniuk, một giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Sydney nói rằng các bệnh viện ở Úc có thể sớm đối mặt với gánh nặng ngày càng tăng khi biến chủng này lây lan đến những nhân viên y tế.
Như ở Anh, nhiều bệnh viện đang báo cáo có đển 40% nhân viên y tế đang phải cách ly hoặc bị bệnh do COVID-19, bà cho biết.
Cần thay đổi phương thức đối phó
Giáo sư Martiniuk nói rằng chính phủ khi ra quyết định cần phải linh hoạt và bắt kịp tốc độ thay đổi của tình hình.
Bà tin rằng việc thông báo rõ ràng khi có thay đổi trong lời khuyên y tế là điều cần thiết và việc tài trợ bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên (RAT) là quyết định rất sáng suốt.
“Bộ xét nghiệm nhanh rất đắt đỏ. Tôi đã từng mua cho cả gia đình và đã tốn $100. Và với khoản chi phí đó đã khiến nhiều người phải chuyển sang làm xét nghiệm PCR khi họ không mua được RAT.”
Bà nói thêm những người có nguy cơ cao nên được ưu tiên xét nghiệm nhanh ở các cơ sở xét nghiệm PCR.
“Nếu có ai đó đang là đối tượng dễ bị bệnh nghiêm trọng, họ đã bắt đầu thấy triệu chứng, thì họ cần phải được xét nghiệm ngay.
“Sẽ rất có ích nếu như những đối tượng này được ưu tiên, kể cả những người chưa tiêm chủng vì họ có nguy cơ cao bị bệnh nghiêm trọng.”