Đất nước Úc rộng mênh mông có đủ chỗ cho mọi người – như trong quốc ca Úc đã nói vậy – thế nhưng chia sẻ cũng luôn đi kèm với nhiều điều kiện ngặt nghèo.
Dân số Úc chuẩn bị đạt 40 triệu người vào năm 2050, phần lớn nhờ vào chính sách nhập cư. Tuy nhiên đối với nhiều người, quốc gia này vẫn có một cánh cửa rất khó để mở bởi hệ thống visa của Úc phức tạp, thay đổi thường xuyên, và cũng rất tốn kém (tài khóa 2016 – 17, chỉ riêng hồ sơ nộp trực tuyến đã giúp Bộ Nội Vụ thu về $2 tỷ )
Khi bàn về visa (chiếu khán), đối tượng quan tâm nhất là cá nhân: những người may mắn nhất sẽ lấy được visa thường trú, được kèm theo người phụ thuộc, quyền làm việc và quyền được chăm sóc sức khỏe. Những người kém may mắn hơn phải dựa vào những loại bảo vệ nhân quyền không có tính bảo đảm và rất giới hạn.
Chuyên viên di trú Leanne Stevens, đồng thời là phó chủ tịch quốc gia Hội Di trú Úc, cho rằng “Chính phủ đang dần đi theo định hướng ‘bảo vệ biên giới’ thay vì ‘cho phép mọi người được tiếp cận vì nhiều lý do khác nhau.”
Bà nói việc càng ngày càng tăng tính phức tạp và chi phí đồng nghĩa với việc hệ thống có thể bị quá tải. Do đó, lời khuyên của bà là di dân hãy liên lạc với chuyên viên di trú để giúp tìm ra con đường tốt nhất cho từng cá nhân.
Sau đây là 7 loại visa cho di dân, phù hợp với từng đối tượng khác nhau:
Visa định cư tay nghề độc lập 189
Đây là visa thường trú, được ví như tấm vé ‘bạch kim’.
Loại visa này cho phép người giữ visa được ra vào Úc thường xuyên, được sống, làm việc và học tập tại Úc vô thời hạn. Hoặc sau 4 năm sống liên tục và 1 năm có visa 189 sẽ đủ điều kiện xin quốc tịch Úc.
Để đủ điều kiện xin visa 189, đương đơn phải dưới 45 tuổi, có ít nhất 60 điểm và tay nghề nằm trong danh sách quy định.
Visa 189 ngày càng trở nên khó xin vì danh sách tay nghề ngày càng bị cắt giảm. Dù sao đây vẫn là con đường của rất nhiều kỹ sư, y tá, bác sỹ, thợ lành nghề và chuyên viên máy tính.
Lệ phí: $3670. Thời gian xét hồ sơ có thể lên tới 12 tháng.
Visa người phối ngẫu 801
Người được cấp visa này chỉ cần chứng minh có mối quan hệ xác thực và lâu dài với người bảo lãnh. Và điều tuyệt vời nhất là visa này không đòi hỏi phải có kỹ năng tay nghề, hay kinh nghiệm làm việc, hay bằng cấp.
Nhưng chặng đường xin visa này khá dài và đòi hỏi rất nhiều chi tiết chứng minh mối quan hệ. Tuy nhiên, người nộp đơn sẽ được cấp visa chờ (bridging visa) để ở lại Úc trong thời gian chờ đợi.
Dự kiến năm nay sẽ có những thay đổi trong visa người phối ngẫu, những thay đổi này nhằm đối phó với nạn bạo lực gia đình.
Lệ phí $7,000. Thời gian xét duyệt: khoảng 23 tháng.
Source: Getty Images
Visa đầu tư 188 (Significant Investor Stream)
Loại visa nhắm vào những cá nhân là doanh nhân hoặc người giàu có (chủ yếu là người Trung Quốc), với yêu cầu số tiền lên tới $5 triệu chỉ để mua được visa tạm trú.
Để đáp ứng điều kiện của visa 188, cá nhân phải đổ $5 triệu đầu tư vào Úc trong 4 năm 3 tháng, sau đó mới có cơ hội xin thường trú.
Kinh doanh là chuyện bắt buộc trong thời gian giữ visa này, và giá trị đầu tư luôn phải duy trì ở mức $5 triệu. Ngoài ra cá nhân đó có thể đem theo gia đình và ra vào Úc thoải mái.
Lệ phí: $585 cộng với $5 triệu vốn đầu tư.
Visa bảo vệ thường trú 866
“Nếu người tầm trú đến Úc bằng đường hàng không, họ sẽ đủ điều kiện xin loại visa bảo vệ này,” ông Kon Karapanagiotidis, chủ tịch kiêm sáng lập Trung tâm Nguồn lực Người tầm trú, cho biết.
“Họ có đầy đủ quyền lợi để bảo lãnh gia đình, được bảo vệ, được xin quốc tịch khi đã đủ điều kiện, được tiếp cận mọi dịch vụ hỗ trợ định cư.”
Vấn đề ở đây là 90% người tầm trú đến Úc bằng đường biển và những người này chỉ có thể xin được visa tạm trú.
Lệ phí: từ $35. Thời gian xét duyệt tùy trường hợp.
Visa tạm trú Bảo lãnh những tay nghề thiếu hụt 482
Tiền thân của loại visa này là visa 457 từng rất phổ biến và là lựa chọn của rất nhiều lao động, nhưng nay đã bị hủy bỏ để chuyển sang visa TSS 482. Visa mới này minh bạch hơn, đắt hơn và số lượng tay nghề cũng hạn chế hơn. Đặc biệt đối với những người có tay nghề nằm trong danh sách ngắn hạn (STSOL) chỉ được cấp visa trong thời gian 2 năm và không được xin thường trú.
“Việc xin thường trú sẽ trở nên khó khăn hơn và chi phí chủ nhân bỏ ra để bảo lãnh người lao động cũng cao hơn visa 457,” ông Stevens nói.
Lệ phí từ $1,150, cộng thêm $750 và chi phí mỗi năm doanh nghiệp phải trả là $1,800.
Visa người thân cuối cùng 115
Loại visa thường trú này dành cho những người không còn người thân thích nào khác tại Úc. Đây có thể là lựa chọn thích hợp cho những cha/mẹ muốn bảo lãnh đứa con cuối cùng của họ. Tuy nhiên thời gian chờ đợi có thể là một trở ngại rất lớn khi lên tới 56 năm.
Ngoài ra những ai nộp đơn xin visa từ ngoại quốc không thể xin việc làm, nghĩa là họ phải phụ thuộc vào sự trợ giúp của người thân ở Úc.
Lệ phí $3,945
Visa bảo vệ tạm thời 785
Đối với người tầm trú đến bằng tàu, những lựa chọn cho họ rất hạn chế và gây nhiều tranh cãi. Loại visa này chắc chắn không được sự bảo vệ lâu dài, không được đoàn tụ gia đình, nhiều quyền lợi và việc đi lại cũng hạn chế.
Những người tầm trú đến bằng đường biển trong khoảng thời gian từ 12/8/2012 cho đến 1/1/2014 phải xin visa 785. Thời gian chờ đợi để được xét duyệt có thể lên tới 1,600 ngày. Và vì đây là visa tạm thời, đương đơn cần phải gia hạn, mỗi lần gia hạn phải chờ đợi quy trình xét duyệt lại từ đầu.
Lệ phí $35
Những quốc gia có số lượng di dân nhiều nhất trong tài khóa 2016 - 17
India 38,894
China 28,293
UK 17,038
Philippines 12,209
Pakistan 6,556
Vietnam 5,493
South Africa 4,589
Nepal 4,290
Malaysia 4,049
Ireland 3,855