Feature

Những điều cần biết về liều vắc-xin COVID-19 tăng cường tại Úc

Từ ngày 11/10, một số người tại Úc đã có thể tiêm liều vắc-xin thứ ba, hay còn gọi là liều tăng cường, nhằm cải thiện khả năng miễn dịch chống lại COVID-19. Vậy những ai sẽ được tiêm trước tiên, và nên đợi bao lâu thì mới tiêm?

A woman receives a COVID-19 vaccination at the Australian Sikh Association pop-up clinic in Sydney in August.

A woman receives a COVID-19 vaccination at the Australian Sikh Association pop-up clinic in Sydney in August. Source: Getty Images/SBS News

Ai sẽ được tiêm liều tăng cường đầu tiên?

Nhóm Cố vấn Kỹ thuật về Tiêm chủng Úc (ATAGI) đã phê duyệt việc triển khai liều vắc-xin thứ ba cho những người có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, bao gồm những người mắc bệnh ung thư ác tính, cấy ghép nội tạng, những người đang sử dụng một số loại thuốc trị viêm khớp, và những người sinh ra đã bị suy giảm miễn dịch...

Tiến sĩ Kylie Quinn đến từ Đại học RMIT cho biết quyết định này sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Việc tiêm liều tăng cường nhằm mục đích bảo đảm mức độ miễn dịch và khả năng bảo vệ từ các liều vắc-xin trước đó được duy trì ở một mức độ nhất định khi tác dụng của các kháng thể yếu dần theo thời gian.

Nên tiêm tăng cường loại vắc-xin nào?

ATAGI khuyên rằng nên sử dụng vắc-xin mRNA, chẳng hạn như Pfizer hoặc Moderna, để tiêm liều thứ ba.

AstraZeneca cũng có thể được sử dụng cho những người đã tiêm nó trước đây và không bị bất kỳ phản ứng phụ nào, chẳng hạn như sốc phản vệ, hoặc những người bị phản ứng phụ khi tiêm vắc-xin mRNA.

“Ở giai đoạn này, liều thứ ba có thể là liều cuối cùng mà chúng ta phải tiêm,” Trưởng ban y tế Paul Kelly nói.

“Chúng tôi biết rất nhiều về vắc-xin từ các loại virus khác. Ví dụ, với bệnh viêm gan, hai hoặc ba liều có thể đem lại khả năng miễn dịch suốt đời. Và đó là những gì chúng tôi hy vọng cho những liều vắc-xin này.”

Khi nào thì nên tiềm liều tăng cường?

Thời gian chờ được khuyến cáo cho những người bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng là từ hai đến sáu tháng sau khi tiêm liều thứ hai.

Trong những trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như bùng phát dịch hoặc tăng cường ức chế miễn dịch, khoảng thời gian này có thể giảm xuống còn bốn tuần.

Những người hội đủ điều kiện có thể đặt hẹn chủng ngừa thông qua bác sĩ gia đình. Giáo sư Kelly cho biết ông sẽ cung cấp hướng dẫn cho các bác sĩ về việc này.
People at the Boondall mass vaccination hub in Brisbane on 18 September 2021.
People at the Boondall mass vaccination hub in Brisbane on 18 September 2021. Source: AAP

Liều tăng cường hiệu quả như thế nào?

Tiến sĩ Emily Edwards đến từ Đại học Monash cho biết khi các tiểu bang và lãnh thổ của Úc mở cửa trở lại, các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang và giãn cách xã hội vẫn sẽ cần thiết. Thế nhưng vắc-xin vẫn có hiệu quả nhất định.

“Nếu bạn đã tiêm vắc-xin, bạn sẽ được bảo vệ khỏi virus nhiều hơn so với người chưa tiêm. Thật không may, vẫn sẽ có một số người nhiễm bệnh. Nhưng nó vẫn sẽ bảo vệ bạn chống lại bệnh nghiêm trọng, điều này thực sự quan trọng, đặc biệt là trong đại dịch toàn cầu này,” bà nói.

Tiến sĩ Quinn cho biết các nghiên cứu từ Israel, nơi tiêm liều tăng cường sớm hơn hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, cho thấy tình trạng nhiễm bệnh xuất hiện ở những bệnh nhân suy giảm miễn dịch không đáp ứng với các liều vắc-xin trước đó, do đó nhóm này cần phải tiêm liều tăng cường.

“Nhóm người này chỉ chiếm 2% dân số. Nhưng tại Israel, họ chiếm đến 40% số người đã được chủng ngừa COVID-19 mà vẫn phải nhập viện. Vì vậy, rõ ràng là chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp bảo vệ khỏi căn bệnh hiểm nghèo này,” bà nói.

Tiến sĩ Quinn cho biết dữ liệu từ Israel về hiệu quả của liều tăng cường cần được xem xét kỹ lưỡng hơn, nhưng nhìn chung, nó cho thấy tác động ngay lập tức đối với tỷ lệ nhập viện.

“Điều đó hoàn toàn hợp lý bởi vì liều thứ ba giúp tăng cường phản ứng miễn dịch ngay lập tức. Nó có thể cung cấp sự bảo vệ ngay tức khắc,” bà nói.

“Chúng ta vẫn cần phải tìm hiểu xem sự bảo vệ đó bền vững đến mức nào.”

Tiến sĩ Edwards nói rằng khả năng miễn dịch suốt đời là mục tiêu cuối cùng.

“Các nhà nghiên cứu miễn dịch học và virus học sẽ dần hiểu rõ hơn về cách thức duy trì khả năng miễn dịch của bạn theo thời gian và liệu bạn có cần tiếp tục tiêm liều tăng cường trong suốt quãng đời còn lại với loại virus này hay không.”
Helathcare worker Allen Pelisco is seen working at a drive-through Covid19 testing facility in Melbourne
Helathcare worker Allen Pelisco is seen working at a drive-through Covid19 testing facility in Melbourne Source: AAP

Khi nào thì tất cả người dân Úc có thể tiêm liều tăng cường?

Lời khuyên chính thức từ ATAGI dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng 10 về việc triển khai liều tăng cường cho toàn bộ dân số, bao gồm các nhân viên y tế và người cao niên.

Thượng nghị sĩ Hunt cho biết các nguồn cung cấp Pfizer, Moderna và Novavax đang được thương lượng để bảo đảm tất cả những ai muốn tiêm liều tăng cường đều có thể tiếp cận với vắc-xin.

“Chúng tôi có hơn 150 triệu liều vắc-xin đã được bảo đảm cho tương lai, vì vậy chúng tôi có thể triển khai trong khung thời gian với tính khẩn trương và tức thời mà ATAGI đề xuất, khi họ cung cấp lời khuyên,” ông nói.

Thượng nghị sĩ đảng Xanh Jordon Steele-John cho rằng cần phải ưu tiên tiêm liều thứ nhất và thứ hai cho các nhóm dễ bị tổn thương.

“Tôi thực sự lo lắng khi chúng ta vừa bổ sung 500,000 người vào danh sách những người cần tiêm liều tăng cường, khi mà chúng ta chưa chủng ngừa đầy đủ cho những người cần tiêm gấp liều thứ nhất và thứ hai,” ông nói.

Trên toàn quốc, 60% người lớn từ 16 tuổi trở lên đã được chủng ngừa đầy đủ, trong khi 80% đã được tiêm liều đầu tiên.

Giáo sư Kelly cho biết việc tăng độ phủ vắc-xin ở các quốc gia đang phát triển trong khu vực cũng rất quan trọng, nhằm ngăn chặn sự xuất hiện của các biến thể đáng quan ngại.

“Điều quan trọng là chúng ta phải hỗ trợ toàn thế giới trong đại dịch này, bởi vì đó là nơi mà các biến thể đáng quan ngại sẽ xuất hiện,” ông nói.

Ông Hunt cho biết Úc đã chia sẻ 60 triệu liều vắc-xin cho các quốc gia đang phát triển.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 11 October 2021 11:32pm
Updated 12 August 2022 3:00pm
By Biwa Kwan, Đăng Trình

Share this with family and friends