Feature

Những điều bạn có thể và không thể làm sau khi chủng ngừa COVID-19

Liệu vắc-xin có thể giúp bảo vệ hoàn toàn khỏi COVID-19? Liệu bạn có thể ngưng giữ khoảng cách xã hội sau khi chủng ngừa? Và nếu các biến thể mới tiếp tục phát triển thì sao? SBS News trò chuyện với các chuyên gia y tế để tìm hiểu thêm.

Woman getting vaccinated

What you can and can't do after you've had the coronavirus vaccine Source: SBS News

Liệu tôi có được miễn dịch sau khi chủng ngừa hay không?

Kể từ đầu năm 2020, mọi người đã trông chờ vào một loại vắc-xin COVID-19 hiệu quả, an toàn để cuộc sống trở lại bình thường. Việc triển khai vắc-xin Pfizer-BioNTech tại Úc sẽ bắt đầu trong vài tuần nữa.

Tất cả vắc-xin COVID-19 hiện đang được sử dụng trên thế giới đều được tiêm thành hai liều, cách nhau vài tuần. Tuy nhiên, vắc-xin sẽ không mang lại cho bạn sự bảo vệ ngay tức thì.

Tiến sĩ Kylie Quinn, nhà miễn dịch học thuộc Đại học RMIT cho biết, cơ thể mất khoảng hai tuần để tạo ra đủ kháng thể để tự bảo vệ mình chống lại virus, nhưng “bảo vệ” không hoàn toàn đồng nghĩa với “miễn dịch”.
Dr Kylie Quinn, an immunologist from RMIT.
Dr Kylie Quinn, an immunologist from RMIT. Source: RMIT
“Có nhiều mức độ hiệu quả khác nhau,” bà nói với . “Một số loại vắc xin có thể ngăn ngừa hoàn toàn sự lây nhiễm (sterilising immunity), nhưng điều đó rất khó đạt được với vắc-xin.

“Mức độ miễn dịch tiếp theo là khi chúng ta có thể không ngăn ngừa được nhiễm trùng, nhưng nó không phát triển đến mức gây bệnh hoặc khiến chúng ta cảm thấy yếu ớt.

“Và cấp độ thấp hơn nữa là khi chúng ta có thể bị nhiễm bệnh, nhưng chúng ta sẽ có thể ngăn chặn nó phát triển thành bệnh nặng.”

Tôi có thể lây lan virus sau khi chủng ngừa không?

Chuyện đó hoàn toàn có thể xảy ra. Vẫn còn quá sớm để kết luận liệu vắc-xin sử dụng tại Úc sẽ ngăn ngừa nhiễm trùng hoàn toàn, hay chỉ ngăn ngừa bệnh nghiêm trọng do nhiễm trùng gây ra.

Trong trường hợp thứ hai, điều đó có nghĩa là vắc-xin sẽ giúp bạn không mắc bệnh, nhưng bạn vẫn có thể trở thành vật chủ và lây lan virus cho người khác.

Thế nhưng các chuyên gia cho rằng đó không phải là điều đáng quan ngại. Tiến sĩ Quinn cho biết những câu hỏi như thế này là rất bình thường trong tất cả các đợt triển khai vắc-xin.

“Với sự lây truyền, bạn cần phải tạo ra đủ virus để có thể gây ảnh hưởng đến người khác, và chúng tôi hiện không có bất kỳ thông tin nào về điều đó với các loại vắc-xin này,” bà nói.

“Với bất kỳ loại vắc-xin nào, những gì xảy ra sau khi triển khai là giai đoạn bốn. Giai đoạn bốn là khi vắc-xin được phổ biến trong cộng đồng và chúng tôi theo dõi cách mọi người phản ứng với nó, cũng như cách virus phản ứng với mức độ miễn dịch gia tăng trong dân số của chúng ta.”

Vắc-xin sẽ giữ cho tôi được an toàn trong bao lâu?

Đây là một câu hỏi mà các nhà khoa học chưa thể trả lời, mặc dù các kết quả thử nghiệm đều cho thấy mức độ bảo vệ hữu hiệu trong vài tháng sau khi chủng ngừa.

Vắc-xin hoạt động bằng cách đưa “bản thiết kế” của virus vào hệ miễn dịch của bạn. Hệ miễn dịch sẽ xem “bản thiết kế” đó như một mối đe dọa và bắt đầu xây dựng các kháng thể để bảo vệ bạn chống lại nó.

Điều đó có nghĩa là nếu bạn bị nhiễm virus thực sự trong tương lai, hệ miễn dịch của bạn sẽ biết cách phản kháng.

Tiến sĩ Quinn cho biết thời gian tồn tại của những kháng thể đó phụ thuộc vào “trí nhớ” của hệ miễn dịch của chúng ta (immune memory).

“Trí nhớ miễn dịch là cách các tế bào miễn dịch của chúng ta nhận ra và ghi nhớ tình trạng nhiễm trùng, để chúng có thể phản ứng với nó nhiều tháng và nhiều năm sau đó,” bà nói.

“Chúng tôi không biết trí nhớ miễn dịch sẽ tồn tại bao lâu với vắc-xin SARS-CoV-2, nhưng chúng tôi nhận được thông tin khá tốt từ những người đã từng bị nhiễm bệnh hoặc đã tiêm vắc-xin khoảng 8 hoặc 9 tháng trước và vẫn còn mức độ trí nhớ miễn dịch thực sự tốt.”

Nếu các biến thể mới tiếp tục phát triển thì sao?

Trong vài tháng qua, các biến thể mới của COVID-19 đã xuất hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil.

Các biến thể này có các đột biến khác nhau khiến virus dễ lây lan từ người này sang người khác, nhưng vẫn chưa có bằng chứng cho thấy chúng gây bệnh nặng hơn.

Các biến thể mới đặt ra một thách thức là chúng khiến hệ miễn dịch của bạn khó nhận ra virus hơn. Nhưng Tiến sĩ Quinn nói rằng điều đó không khiến cho các vắc-xin hiện tại của chúng ta trở nên vô dụng.

“Tại thời điểm đó, chúng ta có thể cân nhắc việc điều chỉnh vắc-xin và thay đổi chúng, giống như cách chúng ta đối phó với bệnh cúm, từ năm này sang năm khác,” bà nói.

“Chúng ta có một số thiết kế vắc-xin phù hợp để làm điều đó, bao gồm vắc-xin mRNA và vắc-xin Novavax.”

Khi nào thì chúng ta sẽ đạt được miễn dịch cộng đồng?

Miễn dịch cộng đồng là khi cả cộng đồng được bảo vệ khỏi virus vì đã có đủ số người bị nhiễm hoặc được chủng ngừa.

Điều đó khiến cho virus khó thể tiếp tục lây lan vì không có đủ vật chủ.

Nhưng bao nhiêu người sẽ cần phải tiêm vắc-xin để Úc đạt được miễn dịch cộng đồng?
Professor Sharon Lewin.
Professor Sharon Lewin. Source: The Peter Doherty Institute for Infection and Immunity
Giáo sư Sharon Lewin, Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty, nói rằng con số này phụ thuộc vào việc liệu vắc-xin có thể ngăn chặn hoàn toàn nhiễm trùng hay chỉ ngăn chặn bệnh nặng.

“Giả sử rằng việc chủng ngừa khiến bạn không bị nhiễm bệnh hoặc giảm đáng kể khả năng bị nhiễm bệnh, thì trung bình khoảng 60-70% sẽ cần phải được tiêm phòng,” bà nói với SBS News.

“Nếu vắc-xin chỉ có hiệu quả thấp trong việc ngăn chặn sự lây nhiễm, thì bạn sẽ cần phải tiêm vắc-xin cho nhiều người hơn.”

Một phát ngôn nhân của Bộ Y tế cho biết chính phủ đang thực hiện “đúng tiến độ” để hoàn thành chương trình chủng ngừa vào tháng 10 năm nay.

Nếu có đủ số người được tiêm phòng, thì Úc có khả năng đạt được miễn dịch cộng đồng trước cuối năm nay.

Tuy nhiên, các chuyên gia tiêm chủng nói rằng chúng ta không nên quá chú trọng vào khái niệm miễn dịch cộng đồng.

“Những gì chúng tôi biết là chúng ta có một loại vắc-xin ngăn mọi người bị bệnh và phải nhập viện, và điều đó cực kỳ quan trọng vì đó là điều chúng tôi thực sự lo lắng ở đây,” Giáo sư Lewin nói.

Tôi có thể ngưng giữ khoảng cách xã hội sau khi chủng ngừa hay không?

Tại Úc và nhiều nước khác, các cơ quan y tế khuyên người dân nên tiếp tục giữ khoảng cách xã hội và các biện pháp an toàn khác sau khi chủng ngừa.

Giáo sư Lewin cho biết những biện pháp đó có thể sẽ được duy trì cho đến khi giới hữu trách có thêm dữ liệu về vắc-xin.

“Bạn vẫn nên giữ khoảng cách xã hội, rửa tay, ở nhà nếu bạn bị bệnh, và đi xét nghiệm nếu bạn có các triệu chứng, vì chúng tôi chưa biết liệu vắc-xin có hiệu quả trong việc giảm nhiễm trùng và lây truyền hay không,” bà nói.

“Do đó, khi bạn được chủng ngừa, bạn sẽ không cần phải nhập viện – chúng tôi cho rằng hiệu quả gần như 100% – nhưng bạn vẫn có thể nhiễm virus và lây cho người khác.”

Khi nào thì tôi có thể đi du lịch nước ngoài?

Thật không may, có vẻ như việc đóng cửa biên giới của Úc sẽ là một trong những điều cuối cùng thay đổi sau khi triển khai vắc-xin.

“Mặc dù chưa có quyết định chính thức nào được đưa ra, nhưng kỳ vọng của chính phủ là trong khi COVID-19 tiếp tục gây ra mối đe dọa đáng kể đối với sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu và tại Úc, những người Úc trở về nước vẫn được yêu cầu thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro thích hợp, bao gồm có kết quả xét nghiệm âm tính trước khi bay và cách ly bắt buộc khi đến, để giảm thiểu rủi ro cho cộng đồng,” một phát ngôn nhân của Bộ Y tế nói với SBS News.

Giáo sư Lewin nhận định con số người Úc được chủng ngừa chắc chắn sẽ là yếu tố quan trọng trong việc mở cửa biên giới quốc tế.

“Đối với người Úc, việc đi du lịch đến một nơi khác sau khi chủng ngừa sẽ khiến bạn an tâm hơn, rằng nếu bạn tiếp xúc với virus, bạn sẽ không bị bệnh và không phải nhập viện, vì vậy đây là một biện pháp phòng ngừa tuyệt vời,” bà nói.

“Tôi nghĩ một khi bạn đã được tiêm phòng, sẽ có ít hạn chế hơn đối với những người muốn ra khỏi nước Úc.”

Thế nhưng việc quay trở lại Úc lại là một vấn đề khác.

“Cho đến khi chúng ta biết rằng vắc-xin bảo vệ chống lại sự lây nhiễm, vẫn luôn có khả năng những người được chủng ngừa có thể nhiễm virus, có nghĩa là họ vẫn sẽ phải cách ly,” bà nói.

“Nhưng có thể sẽ có những thay đổi đối với mức độ cách ly. Hiện tại, chúng ta cách ly tất cả những người đến Úc. Điều đó có thể thay đổi. Chúng ta có thể có các mức độ kiểm dịch khác nhau dựa trên việc bạn đã được chủng ngừa hay chưa, hay dựa trên quốc gia mà bạn đã đến.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 5 February 2021 10:56am
By Claudia Farhart
Presented by Đăng Trình

Share this with family and friends