Key Points
- 1% những người giàu nhất đã chiếm được 63% của cải mới được tạo ra kể từ đại dịch.
- Tình trạng nghèo đói cùng cực cũng gia tăng lần đầu tiên sau 25 năm.
- Các tỷ phú trên thế giới đang chứng kiến tài sản của họ tăng thêm tổng cộng 5 tỷ đô la mỗi ngày.
Đại dịch COVID-19, chi phí sinh hoạt tăng cao và biến đổi khí hậu ngày càng tàn khốc đang khiến thế giới phải chiến đấu với các cuộc khủng hoảng trên nhiều mặt trận.
Trong khi đại đa số trong số hơn tám tỷ người trên hành tinh đang rơi vào tình trạng tồi tệ hơn, một số ít những người và tập đoàn vô cùng giàu có đã chứng kiến tài sản của họ tăng vọt trong những năm gần đây.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, 1% người giàu nhất đã kiếm được số tiền gần gấp đôi so với 99% người dân trên thế giới, trong đó mức độ cực kỳ giàu có và nghèo khó đồng thời tăng lần đầu tiên sau 25 năm, theo một báo cáo mới do tổ chức chống đói nghèo Oxfam công bố trong tuần này.
Úc cũng nằm trong xu hướng này, có thêm 11 tỷ phú so với đầu năm 2020.
Anthea Spinks, Giám đốc Chương trình của Oxfam Australia, cho biết những người siêu giàu đã "chạm tới những giấc mơ điên rồ nhất của họ" trong khi hầu hết mọi người trên thế giới đang chật vật sống qua ngày.
Nhiều thập niên cắt giảm thuế cho những người và tập đoàn giàu nhất đã thúc đẩy sự bất bình đẳng trong nước và trên toàn cầu, với những người nghèo nhất phải trả mức thuế cao hơn nhiều CEO và triệu phú giàu có.Bà Anthea Spinks
Báo cáo cho biết, từ tháng 12 năm 2019 đến tháng 12 năm 2021, khoảng 60,000 tỷ đô la tài sản mới đã được tạo ra trên toàn thế giới, trong đó 1% người giàu nhất nắm giữ 63%, tương đương 37,000 tỷ đô la.
Báo cáo được phát hành này đồng thời với cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, nơi giới tinh hoa chính trị và kinh doanh của thế giới đang kề vai sát cánh trong bối cảnh nguy cơ suy thoái lan rộng đang rình rập.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hay chi phí lợi nhuận? Sự thật về lạm phát
Oxfam lập luận rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát mà Úc và các nơi khác trên thế giới đang phải vật lộn có thể được đổi tên thành cuộc khủng hoảng “chi phí lợi nhuận”.
Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt hiện nay, với giá lương thực và năng lượng leo thang, cũng đang tạo ra lợi nhuận đáng kể cho nhiều người ở tầng lớp thượng lưu. Các tập đoàn thực phẩm và năng lượng đang đạt mức lợi nhuận kỷ lục và thực hiện các khoản thanh toán kỷ lục cho các cổ đông và chủ sở hữu tỷ phú giàu có của họ.
Báo cáo cho biết, “Hoạt động trục lợi giá của công ty đang thúc đẩy ít nhất 50% lạm phát ở Úc, Mỹ và Châu Âu, trong cuộc khủng hoảng 'chi phí lợi nhuận' giống như cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt”
Báo cáo trích dẫn các nghiên cứu cho thấy ở Mỹ, Anh và Úc, tỷ lệ lạm phát lần lượt là 54%, 59% và 60% là do lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên.
Oxfam nhận thấy, trong khi hơn 1,7 tỷ người lao động sống ở các quốc gia mà lạm phát hiện đang vượt xa tiền lương, các tỷ phú trên thế giới đang chứng kiến sự giàu có của họ tăng thêm 5 tỷ USD mỗi ngày.
Giải pháp là gì?
Báo cáo của Oxfam cho biết, việc lấp đầy các lỗ hổng trốn thuế và đánh thuế hợp lý các cá nhân và tập đoàn cực kỳ giàu có là “cánh cửa thoát hiểm cho cuộc khủng hoảng ngày nay”.
Tại Úc, Oxfam đang kêu gọi chính phủ liên bang bỏ các đợt cắt giảm thuế giai đoạn ba sắp tới và “thay vào đó thực hiện tăng thuế trên diện rộng và có hệ thống đối với giới siêu giàu, bao gồm thuế tài sản và thuế thu nhập bất ngờ đối với các tập đoàn, vốn sẽ lấy lại lợi nhuận mà một số công ty đã đạt được sau khủng hoảng và đau khổ, chẳng hạn như đại dịch và chiến tranh ở Ukraine”.
Chính phủ Albanese đã loại trừ khả năng đảo ngược việc giảm thuế giai đoạn ba do chính phủ Morrison thiết kế cho những người Úc giàu có hơn, được luật hóa vào năm 2019 với sự hỗ trợ của phe đối lập Lao động khi đó và sẽ có hiệu lực vào năm 2024-2025.
Oxfam cho biết, thuế tài sản 2% đối với những người sở hữu hơn 7 triệu đô la, 3% đối với những người có tài sản trên 67 triệu đô la và 5% đối với riêng các tỷ phú Úc sẽ thu về 29,1 tỷ đô la hàng năm.
Số tiền này sau đó có thể được phân phối lại để tăng ngân sách viện trợ nước ngoài của Úc, giảm nghèo bằng cách tăng các khoản thanh toán hỗ trợ thu nhập, xây dựng thêm nhà ở xã hội và giúp các hộ gia đình tiết kiệm hóa đơn năng lượng bằng cách đầu tư vào các khoản tài trợ để giúp mọi người chuyển đổi khỏi khí đốt.