Mua bảo hiểm xe hơi, đừng để bị đại lý bán xe dụ dỗ!

Uỷ ban Đầu tư và Chứng khoán Úc ASIC phát hiện các đại lý bán xe nhận được tiền hoa hồng cao để khuyến dụ khách hàng mua các loại bảo hiểm phụ rất đắt đỏ cho xe hơi, trong khi các bảo hiểm này không hề cần thiết.

SBS

Paul Quinn joined a Consumer Action campaign to get his money back, after he was sold "junk insurance. Source: SMH

Trong một phúc trình vừa mới công bố, dựa trên những dữ liệu thu thập được từ bảy công ty bảo hiểm chuyên cung cấp các loại bảo hiểm phụ cho xe hơi, ASIC nhận thấy số tiền hoa hồng mà các đại lý bán xe car dealer nhận được nhiều hơn gấp bốn lần so với số tiền bảo hiểm mà người tiêu thụ nhận được từ năm 2013- 2015, tổng cộng là $602 triệu.

Phó chủ tịch của ASIC, Peter Kell cho biết đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng trong ngành kỹ nghệ bảo hiểm xe hơi, và cần phải được các công ty cung cấp bảo hiểm xem xét ngay lập tức.

Ông Kell cho biết: "ASIC sẽ thực hiện các cuộc điều tra tiếp theo, bao gồm cả việc chế tài và thực thi luật pháp, để bảo đảm rằng người tiêu thụ được hưởng những quyền lợi công bằng trong thị trường này”.

"Chúng tôi cũng sẽ xem xét làm thế nào để các công ty bảo hiểm có thể hoàn tiền lại cho những khách hàng đã mua các sản phẩm không phù hợp."

Các loại bảo hiểm phụ mà khách hàng mua xe hơi cũ và mới thường bị khuyến dụ mua thêm là bảo hiểm tín dụng “consumer credit insurance”, bảo hiểm lốp xe “tyre and rim insurance”, bảo hiểm tai nạn cơ khí “gap insurance mechanical breakdown”.
sbs
ASIC found consumers paid a lot, but received little back. Source: ASIC
ASIC đã xem xét 5 loại bảo hiểm phụ cho xe hơi thường gặp.

Bảo hiểm tín dụng tiêu dùng “Consumer credit insurance (CCI)”: bảo vệ khả năng trả nợ mua xe của khách hàng trong trường hợp người mua xe bị thương tật, ốm đau, tàn tật, thất nghiệp hoặc tử vong.

Bảo hiểm cho vay "Loan termination insurance or 'Walkaway' insurance": cũng tương tự như bảo hiểm tín dụng, nhưng khác biệt là người mua xe chỉ được hưởng quyền lợi khi trả chiếc xe về cho đại lý. Do đó bảo hiểm này không giúp cho khách hàng giữ lại được chiếc xe khi họ ốm đau, bệnh tật.

Bảo hiểm GAP "GAP Insurance": nếu người mua write off chiếc xe hơi của họ, thì bảo hiểm sẽ trang trải cho số tiền chênh lệch giữa tiền nợ xe và giá trị thị trường của chiếc xe.

Bảo hiểm lốp và vành bánh xe “Tyre and rim insurance”: chi trả phí sửa chữa lốp xe và vành nếu bị hư hỏng trên đường, khi bánh xe bị bể hay thủng lốp.

Bảo hiểm tai nạn cơ khí "Mechanical breakdown insurance": đây là một dạng "bảo hành mở rộng, bao gồm các chi phí sửa chữa hoặc thay thế các bộ phận xe bị hư do lỗi cơ khí,  sau khi  thời gian bảo hành của nhà sản xuất hoặc đại lý đã hết hạn.

Trong khoảng thời gian ba năm, ASIC phát hiện người tiêu dùng đã phải trả $1,6 tỷ phí bảo hiểm, nhưng chỉ nhận được $144 triệu khi yêu cầu bồi hoàn bảo hiểm thành công.

Đại lý bán xe đã nhận được số tiền hoa hồng gấp bốn lần so với tiền bồi thường bảo hiểm mà người tiêu dùng nhận được. Trong đó số tiền hoa hồng trả cho các đại lý xe bằng 79% tiền phí bảo hiểm của người tiêu thụ.
SBS
Car dealers got four times more in commissions than consumers received in claims, with commissions paid to car dealers as high as 79% of the premium paid Source: ASIC
Bản phúc trình cũng cho thấy môi trường mua bán xe có thể ảnh hưởng đến việc ra quyết định của người tiêu thụ, khi những người bán xe sử dụng các chiến thuật tâm lý với khách hàng của mình, khiến họ sợ hãi phải mua những loại bảo hiểm không cần thiết.

ASIC cho biết ý định của báo cáo này là đưa là lời cảnh báo cho các công ty bảo hiểm, để họ cải thiện chất lượng phục vụ khách hàng thông qua những thay đổi về giá cả, phương thức mua bán và thiết kế các gói bảo hiểm phù hợp hơn.

Tổng giám đốc Hội đồng Bảo hiểm Úc Rob Whelan nói: "Các loại bảo hiểm phụ này này đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ khách hàng khi bỏ một số tiền lớn để mua xe.”  

"Bảo hiểm có thể bảo vệ người mua xe khỏi các khoản nợ khi bị mất việc, bị bệnh hay bị thương, hoặc write off chiếc xe của họ. Tuy nhiên, các công ty bảo hiểm nên đồng ý rằng cần phải thức hiện những cải tổ cần thiết”.

Tuy nhiên ông Gerard Brody, Giám đốc điều hành của Trung tâm Luật người tiêu thụ Consumer Action cho rang: "Một mô hình kinh doanh dựa trên tiền hoa hồng để thúc đẩy việc bán hàng, sản phẩm thì không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng thì có nên tồn tại hay không? Bất kỳ người Úc nào mua những loại bảo hiểm này thì cần phải xem xét lại”.


Share
Published 12 September 2016 4:08pm
By Bích Ngọc
Source: Sydney Morning Herald, ASIC

Share this with family and friends