Theo 7News, cảnh sát Liên bang sẽ tập trung bố ráp nhắm vào các khu vực được cho là có nhiều vụ gian lận tiền phúc lợi xã hội, ở phía Tây, thành phố Sydney.
Đây được coi là một phần của hành động mới nhất trong Chiến dịch Hành động Liêm chính.
AFP và Centrelink phối hợp hành động
Trong thời gian qua, vấn đề gian lận phúc lợi xã hội đã trở thành chủ đề nóng trên nhiều trang báo và truyền thông nước Úc, và có vẻ như bây giờ là lúc cơ quan hữu trách hành động.
Theo 7News thì khu vực Mount Druitt và Saint Mary đã trở thành 2 mục tiêu của cảnh sát, trong hai ngày vào thứ Ba và thứ Tư, tuần qua.
Đây là một phần trong nỗ lực để bù đắp khoản tiền của người thọ thuế lên đến $100,000 đô la mà Centrelink chi không đúng đối tượng.
Hành động này là bước đi mới nhất của một lực lượng đặc nhiệm phối hợp giữa Bộ Dịch vụ Nhân sinh và cảnh sát liên bang AFP, nhắm mục tiêu vào những khu vực mà họ gọi là "các điểm nóng đã xác định không tuân thủ luật pháp."
Thực tế là Đội hành động Liêm chính đã xác định và nhắm mục tiêu vào nhiều khu vực trên khắp nước Úc, căn cứ vào các phân tích dữ liệu đã chỉ ra nguy cơ nhiều người ở khu vực đó không tuân thủ và gian lận phúc lợi.
Đã cảnh cáo trước khi “gõ cửa” kiểm tra
Thực ra giới hữu trách đã rất công khai khi gửi nhiều lá thư đến hàng ngàn người ở các khu vực này trước khi tiến hành hoạt động bố ráp, để thúc giục những người này cập nhật thông tin cho Bộ Dịch vụ Nhân sinh về bất kỳ thay đổi nào liên quan đến hoàn cảnh cá nhân của họ, vốn có thể ảnh hưởng đến số tiền trợ cấp phúc lợi họ nhận được.
Được biết, các khoản nợ tiền phúc lợi lên đến $100,000 đã được xác định phát sinh trong khu vực này trước khi Đội hành động liên chính tiến hành công việc của họ.
Bộ trưởng Bộ Dịch vụ Nhân sinh Michael Keenan đã ban hành một cảnh báo nghiêm khắc đối với những người đang cố gắng lừa gạt hệ thống phúc lợi xã hội Úc.
Bộ trưởng Keenan cho biết trong một thông cáo báo chí.
"Thông điệp cho những người này là không phải chúng tôi sẽ bắt bạn, mà bạn sẽ phải trả lại tiền nếu không bạn có thể đối mặt với nhà tù."
"Úc có một mạng lưới an toàn phúc lợi rộng lượng, nhưng điều quan trọng là chúng tôi phải duy trì tính toàn vẹn của nó để bảo đảm hệ thống vẫn còn hoạt động phục vụ cho những người dựa vào nó để được hỗ trợ," ông Keenan nói.
Taskforce Integrity đang hoạt động hiệu quả
Taskforce Integrity đã hoạt động từ năm 2015, và đã giúp lấy lại đến gần 40 triệu đô la tiền nợ phúc lợi xã hội cho Bộ Dịch vụ nhân sinh.
Một trong các vụ lớn nhất ở NSW đó là phát hiện một cặp vợ chồng đã không thể chứng minh được mối quan hệ của họ trong khoảng sáu năm.
Và những người này nợ một khoản nợ lên đến $200,000 đô la sau khi họ được thanh toán phúc lợi cho cha mẹ và người chăm sóc, Parent payment và Carers Payment.
Cần nhắc lại rằng, vấn đề gian lận phúc lợi xã hội đã trở nên rất nóng trong vài năm vừa qua, và Centrelink đã nhiều lần nhắc đến chuyện này.
Cách đây 2 tháng Centrelink đã dọa sẽ tính lãi suất trên 900 triệu Úc kim tiền nợ phúc lợi xã hội.
Chính phủ Liên Bang chưa từng áp dụng lãi suất trên khoản nợ phúc lợi. Nhưng hiện tại, họ đã quyết định đòi lại những khoản nợ đó từ những người xin trợ cấp bằng các yêu cầu giả mạo trước đây.
Một công dân Úc ở Queensland bỏ túi $800,000 bằng cách gửi một loạt những yêu cầu trợ cấp giả mạo, bao gồm cả trợ cấp cho những đứa con "không hề có thật" và những khoản thu nhập không được khai báo rõ ràng.
Người đó vốn không đủ điều kiện để xin phúc lợi, thế nhưng vẫn xin được trợ cấp. Cho đến nay, Bộ Dịch vụ Nhân sinh chỉ nhận lại được $3000, và người đó từ chối thỏa thuận bất kỳ khoản chi trả nào khác để xóa nợ.
Một khoản nợ phúc lợi khác lên đến $400,000 xảy ra cách đây 10 năm, bằng cách xin trợ cấp thất nghiệp với những thông tin giả mạo. Họ đã trả lại khoảng $10,000, nhưng sau đó lại biến mất.
Bộ Dịch Vụ Nhân Sinh đã bắt đầu liên lạc với những người hiện đang nợ tiền phúc lợi, và gia hạn cho họ một tháng để kí cam kết vào kế hoạch trả nợ, nếu không họ phải chấp nhận khoản lãi suất ở mức 8.77%.
Tổng trưởng Dịch vụ Nhân Sinh Michael Keenan đã khẳng định.
“Những người bị liên lạc và yêu cầu trả, thực ra là họ không còn xin bất kì khoảng trợ cấp nào gần đây, nhưng họ đã từng nhận tiền phúc lợi mà họ vốn dĩ không đủ điều kiện để xin. Họ cũng chẳng hề cố gắng để trả lại số tiền đó trong suốt thập kỷ qua,”
“Đối với những người từ chối chi trả thì việc áp dụng lãi xuất trên khoản nợ chỉ là bước khởi đầu. Bộ phận của chúng tôi sẽ tìm thêm những biện pháp khác, ví dụ như khấu trừ vào tiền lương hay vào khoản hoàn thuế, hoặc đề cập đến vấn đề này với các đại lý thu nợ bên ngoài.”
“Không có bất kỳ người nào trong số họ đang xin thêm trợ cấp phúc lợi, chính vì vậy chính phủ tin rằng phần lớn trong số họ hiện đang làm việc và có khả năng để chi trả lại những thứ mà họ nợ,” ông Keenan nói.