Ước tính kể từ sau 1945 có đến 7.5 triệu di dân đến Úc từ hơn 180 quốc gia trên thế giới, điều này có nghĩa là trung bình mỗi thập niên vừa qua, nước Úc đón nhận lên đến 1 triệu di dân. Trong suốt khoảng thời gian đó, nền kinh tế Úc cũng đã tăng trưởng gấp 6 lần.
Vai trò của di dân trong sự phát triển của nền kinh tế Úc kể từ sau chiến tranh Thế giới Thứ Hai là một trong những chủ đề chính mà các chuyên gia đưa ra thảo luận trong buổi thứ ba của Metropolis Conference 2018 tại Sydney.Các chuyên gia đều có chung nhận định về việc di dân và các doanh nghiệp của họ là một yếu tố vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển của nước Úc tính cho đến nay.
From the left: Marina Manke, Dai Le, Jan Rath, Jock Collins, Pino Migliorino, Yarrie Bangura. Source: Minh Phuong
“Không khó để nhìn nhận rõ ràng là có sự liên kết giữa di dân và sự phát triển nền kinh tế nước Úc, càng có nhiều người, càng có nhiều doanh nghiệp thì nền kinh tế phải được thúc đẩy,” ông Pino Migliorino - Chủ tịch và Giám đốc điều hành Cultural Perspective Group cho biết trong buổi hội thảo vào thứ Năm này.
“Họ đến một quốc gia mới với rất nhiều bất lợi, thế nhưng chính bản thân họ lại có xu hướng chấp nhận sự mạo hiểm hơn các chủ doanh nghiệp bản xứ.
“Và có đến 1.4 triệu lao động hiện đang làm việc tại các doanh nghiệp nhỏ do chính di dân làm chủ ở Úc," ông Migliorino nói.
Bên cạnh rất nhiều dữ liệu, thông số chỉ ra những đóng góp đáng kể của các chủ doanh nghiệp di dân, những động thái mới của chính phủ Úc trong việc cắt giảm di dân và từ chối nhận người tị nạn cũng trở thành điểm nóng bàn luận của các chuyên gia.
“Vấn đề về dân số hiện đang là mối quan tâm hàng đầu, đặc biệt là ở tiểu bang NSW. Bản thân tôi từng là người tị nạn, tôi hiểu được việc các cơ quan chức năng hiện đang vô cùng khó khăn trong việc phải phân bổ di dân như thế nào cho hợp lý,” bà Dai Le – Ủy viên tại Hội đồng thành phố Fairfield và là nhà sáng lập của DAWN Network cho SBS Vietnamese biết.“Tất cả mọi người dường như đều đang đổ dồn về các thành phố lớn như Sydney hay Melbourne. Rõ ràng là điều này làm cho tình hình trở nên căng thẳng vô cùng. Dịch vụ, cơ sở hạ tầng chưa kịp phát triển để chịu tải nổi ngần ấy con người.
Fairfield City Council, Councillor Dai Le Source: Minh Phuong
“Ngay tại Hội đồng thành phố Fairfield trong 18 tháng vừa qua, chúng tôi đã sắp xếp cho hơn 1,200 người tị nạn Syria đến sinh sống. Nhiêu đây đã đủ để trở thành một quận của thành phố rồi. Thế nhưng chúng tôi vẫn chưa có đủ dịch vụ, cơ sở hạ tầng, tiền trợ cấp để xây thêm bệnh viện, trường học, nhà ở hay cầu đường.
“Mọi người không thực sự thấy được những ảnh hưởng to lớn như thế nào khi dồn một số lượng người quá lớn cùng một lúc vào một khu vực.
“Như Giáo sư Jock Collins đến từ trường Đại học Công nghệ Sydney có nói rằng mặc dù chính phủ Úc cắt giảm số lượng di dân, nhưng chúng ta vẫn tăng trong việc nhận số người tị nạn nhân đạo mà.
“Nếu quý vị muốn bàn luận về chính sách cắt giảm di dân thì quý vị phải thực sự nhìn vào toàn cảnh, phải nhìn vào những mặt tác động lên xã hội, lên cơ sở hạ tầng, nền kinh tế, dịch vụ,” bà Dai Le nói.
“Tôi thực sự nghĩ việc cắt giảm di dân là một hướng đi đúng của chính phủ Úc ở thời điểm hiện tại.
“Ngoài ra, chúng ta phải tìm cách nào đó để đưa di dân ra những khu vực khác, những nơi mà họ luôn mở rộng cửa chào đón dân cư đến sinh sống. Chúng ta cũng cần phải bảo đảm rằng họ có thể phát triển tại những khu vực đó.
“Nó thực sự là một quá trình rất phức tạp, đâu phải cứ nhận người vào là xong, chúng ta còn phải sắp xếp nơi ở và hỗ trợ họ tốt nhất có thể nữa.
“Đó là chưa kể đến việc chính phủ Úc phản ánh được giá trị đa văn hóa, đa sắc tộc của nước Úc, phần lớn các chính trị gia không có nguồn gốc di dân, thế nên rất khó cho họ hiểu làm thế nào để tốt hơn cho cả những cộng đồng sắc tộc khác nhau nữa.
“Tôi biết những thông điệp này nghe có vẻ khắc nghiệt. Có đôi khi chúng ta phải tàn nhẫn một chút thì mới có thể làm điều tốt. Chính phủ Úc phải chắc chắn những người dân hiện tại của họ có được cuộc sống tốt, có được việc làm, có đầy đủ dịch vụ xã hội đã,” bà Dai Le nói.
Tiến sĩ Sara Mahar đến từ trường Đại học Monash ở Melbourne cho biết: “Ngoài việc hành động cắt giảm di dân của chính phủ Úc thực sự là điều đáng thất vọng, đối với tôi thì nó không hợp lý. Đây là thế kỷ 21 rồi, có thể chúng ta không thích điều này, nhưng sự thật là cả thế giới chuyển động. Chúng ta phải thay đổi cùng với thế giới, chúng ta phải hòa nhập được với thế giới.”“Nó không hề đáng sợ, chúng ta có thể quản lý được điều này. Nước Úc phải thay đổi, những ai có ý kiến đối lập với điều này cần thay đổi cách nhìn của họ,” Tiến sĩ Mahar nói thêm.“Riêng tôi thì tôi không có ý kiến gì về chuyện chính trị,” cô Yarrie Bangura – người sáng lập doanh nghiệp Aunty’s Ginger Tonic cho biết, “Tuy nhiên sau buổi hội thảo này, tôi thực sự đã thu về được rất nhiều kiến thức. Có những điều tôi chưa biết, có những điều tôi đã biết nhưng thực sự khi được nghe lại từ những người khác, tôi cảm nhận được tất cả mọi người trên thế giới quả thật có cùng một mối quan tâm như tôi. Và điều đó có tác động truyền cảm hứng rất lớn đến tôi.”
Dr. Sara Maher from Monash University, Melbourne Source: Minh Phuong
Yarrie Bangua - founder of Aunty's ginger tonic Source: Minh Phuong
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại