Theo bộ , Sydney mà chúng tôi đã chia sẻ với quý vị tuần trước, bệnh Sởi là một loại bệnh siêu vi có thể gây ra những biến chứng trầm trọng. Trước năm 1966 thì bệnh Sởi rất thường xảy ra ở trẻ em. Nhưng ngày nay, nhờ chủng ngừa mà bệnh Sởi hiếm khi xảy ra tại Úc.
Những triệu chứng giai đoạn đầu của bệnh Sởi bao gồm: sốt, mệt mỏi, ho, sổ mũi, mắt bị đỏ và đau, và cảm thấy người không khỏe. Một vài ngày sau đó người bệnh sẽ bị nổi ban, bắt đầu ở mặt, và lan dần xuống cơ thể trong vòng 4 đến 7 ngày.
Đặc biệt bệnh Sởi có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Có đến 1/3 người mắc bệnh Sởi bị biến chứng thành viêm tai, tiêu chảy và viêm phổi, đến mức phải nhập viện. Và cứ 1.000 người bị bệnh Sởi thì có khoảng một người bị viêm não.
Bệnh Sởi lây lan bằng cách nào?
Bệnh Sởi thường lây lan khi người ta hít nhằm siêu vi khuẩn bệnh Sởi do người bệnh đang trong thời kỳ truyền nhiễm hắt hơi bắn ra không khí.
Sởi là một trong những bệnh dễ lây lan nhất trong tất cả những bệnh của loài người. Chỉ cần có mặt chung trong phòng với người bị Sởi cũng có thể bị lây bệnh này.
Người bị Sởi thường hay lây lan bệnh chỉ ngay trước lúc những triệu chứng bắt đầu xuất hiện cho đến 4 ngày sau khi nổi ban. Thông thường, thời gian từ khi nhiễm bệnh cho đến khi thực sự bị bệnh là vào khoảng 10 ngày. Người bệnh thường nổi ban vào khoảng 14 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Ai dễ có nguy cơ bị mắc bệnh Sởi?
Trước năm 1966 thì Sởi là một căn bệnh phổ biến, do đó, đa số người sinh trước năm này đều được miễn nhiễm với bệnh Sởi.
Người dễ có nguy cơ mắc bệnh Sởi là:
- người sinh trong năm 1966 hay sau đó, chưa bao giờ bị Sởi và chưa được chủng ngừa hai liều thuốc chủng Bệnh Sởi - Quai Bị Sởi Đức (MMR) sau 12 tháng tuổi
- người có hệ miễn dịch yếu (đang được hóa trị hoặc xạ trị bệnh ung thư hay người uống thuốc steroid liều mạnh) dù trước đây đã được chủng ngừa đầy đủ hoặc đã bị bệnh Sởi
- người chưa miễn nhiễm và người đi du lịch nước ngoài.
Image
Làm sao để ngừa bệnh Sởi?
Biện pháp ngừa bệnh Sởi tốt nhất là chủng ngừa bằng hai liều thuốc chủng MMR. Thuốc chủng này sẽ ngừa bệnh Sởi, cũng như bệnh Quai Bị và Sởi Đức.
Trẻ em nên được chủng ngừa thuốc chủng MMR, liều đầu lúc 12 tháng tuổi và liều thứ hai lúc 4 tuổi.
Bất cứ người nào sinh trong năm 1966 hay sau đó và người chưa bao giờ bị Sởi hoặc chủng ngừa thuốc chủng MMR nên bảo đảm mình được chủng ngừa hai liều thuốc chủng MMR cách nhau ít nhất bốn tuần lễ.
Đặc biệt, thuốc chủng này có thể được chủng ngừa nhiều hơn hai lần mà vẫn an toàn, do đó, nếu quý vị không chắc mình đã được chủng ngừa hay chưa thì nên đi chủng ngừa.
Người bị Sởi nên ở nhà cho đến khi bệnh không còn truyền nhiễm nữa (có nghĩa là cho đến 4 ngày sau khi đã nổi ban).
Đối với người chưa miễn nhiễm và đã tiếp xúc người bị Sởi, đôi khi vẫn có thể kịp ngừa bệnh bằng cách chủng ngừa thuốc chủng MMR trong vòng 3 ngày hoặc với 'immunoglobulin' trong vòng 7 ngày sau khi đã nhiễm siêu vi.
Bệnh Sởi được chẩn đoán bằng cách nào?
Khi cảm thấy người không khỏe, bị ho, sổ mũi hoặc đau mắt và bị sốt, sau đó nổi ban, quý vị có thể đã bị Sởi.
Khi nghi ngờ bị bệnh Sởi, quý vị nên thử máu và lấy mẫu xét nghiệm từ mũi, cổ họng và nước tiểu để xác định bệnh. Xác định bệnh là điều quan trọng vì nhờ đó hệ thống y tế công cộng có thể nhanh chóng tìm ra những người khác dễ có nguy cơ bị bệnh Sởi.
Bệnh được chữa trị như thế nào?
Hiện nay không có cách điều trị riêng biệt đối với bệnh Sởi. Bình thường, người bị Sởi nên nghỉ ngơi, uống thật nhiều nước và uống thuốc paracetamol để giảm sốt.
Trong lúc người bệnh Sởi đang trong thời kỳ truyền nhiễm, điều quan trọng là họ ở nhà để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Tóm lại:
- Bệnh Sởi là loại bệnh nặng và dễ lây lan qua không khí
- Chủng ngừa là cách thức hiệu quả để ngăn ngừa bệnh này
- Tất cả trẻ em và người lớn sinh trong năm 1966 hoặc sau đó nên được chủng ngừa 2 liều thuốc chủng MMR nếu chưa miễn nhiễm