Người ta còn nhớ trong một buổi lễ tại thành phố Đà Nẵng (24-5-2014), Ngân hàng Vietcombank đã tặng lực lượng Cảnh Sát Biển một cái 'loa tuyên truyền đặc biệt LRAD 1000xi' để dùng trong tuần tra biển.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hòa Bình, nói rằng 'Vietcombank luôn sẵn sàng cùng cả nước sát cánh kề vai để tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng CSB Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc'.
Không ai biết CSB tận dụng LRAD như thế nào, nhưng không lâu sau đó loại loa định hướng cực mạnh này đã xuất hiện ở Nghệ An.
Hình ảnh lưu truyền trên mạng cho thấy để giải tán cuộc tuần hành ôn hoà của người dân dọc theo Quốc Lộ 1A tại Huyện Diễn Châu, Nghệ An hồi tháng 5 năm 2017, Công An đã dùng ̣đến loa LRAD.
Vietcombank tặng loa LRAD cho Cảnh sát Biển ̣(5/2014) và CSCĐ Nghệ An dùng LRAD để giải tán biểu tình (5/2017). Source: Facebook
Vừa là vũ khí vừa để phóng thanh
Loại loa này ban đầu chỉ để sử dụng trong quân đội do một công ty ở Mỹ chế tạo và bán rất chạy.
Theo công ty, loa có nhiều cỡ tùy cường độ âm thanh, nhưng loại dùng trong quân đội có thể phát ra 162dB và xa đến 9km. Ai ở trong phạm vi 100m sẽ cảm thấy tai đau buốt.
LRAD (viết tắt của chữ Long Range Acoustic Device) được sử dụng trong nhiều tình huống, từ để báo động sóng thần, cảnh cáo xâm phạm lãnh thổ lãnh hải, liên lạc trong hàng hải hàng không, để xua chim cho máy bay, cho đến được dùng để kiểm soát đám đông.
Ví dụ cảnh sát Mỹ lần đầu tiên dùng LRAD ở Pittsburgh để ngăn không cho người biểu tình đến gần chỗ họp của Hội nghị thượng đỉnh , và trong dịp Superbowl năm 2011.
Việc sử dụng LRAD để kiểm soát đám đông đã bị chỉ trích bởi vì nó có thể làm điếc tai vĩnh viễn.
Chúng ta sẽ bắt đầu cảm thấy khó chịu ở cường độ âm thanh 120dB, trong khi với cường độ từ 130dB trở lên sẽ bị điếc vĩnh viễn.
Ở cường độ 140dB trở lên không những gây điếc mà còn làm chúng ta mất thăng bằng và không cử động được.
Các chuyên gia lo ngại rằng cường độ âm thanh và thời gian phát thanh hoàn toàn phụ thuộc vào cá nhân người sử dụng cho nên có thể gây nguy hiểm nếu người đó không được đào tạo kỹ càng.
Trong trường hợp ở Pittsburgh người biểu tình đã kiện thành phố và một người trong số đó là Giáo sư Anh ngữ Karen Piper thuộc University of Missouri đã được bồi thường $US72.000 ($AU99.255) vì bị mất thính giác vĩnh viễn.
Hầu hết các tiểu bang của Úc đều có trang bị LRAD nhưng chưa từng sử dụng để kiểm soát đám đông mặc dù cảnh sát Queensland đã dọa sẽ dùng trong lúc Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở tiểu bang này hồi 2014.