Sự phổ biến của mạng xã hội đã khiến cho khoảng cách địa lý giữa các quốc gia gần như bị xoá nhoà, và ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ từ các nước Châu Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines và cả Việt Nam tìm kiếm bạn đời là người Úc với ước mơ đổi đời.
Thế nhưng theo một cuộc điều tra của , nhiều người sau đó đã “vỡ mộng” và lâm vào tình cảnh không lối thoát, một mình ở xứ người với tiếng Anh hạn chế, bị ràng buộc về mặt visa, và bị bạn đời tịch thu passport.
“Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp khủng khiếp trong đó các phụ nữ bị bạo hành thể xác nghiêm trọng và không thể rời khỏi nhà,” luật sư di trú Kathy Bogoyev nói với đài ABC.
“Một số trường hợp thậm chí có thể được xem là nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức. Tôi nghĩ có nhiều sự tương đồng giữa các trường hợp này với các vụ buôn người và nô lệ thời hiện đại.”
Nhân viên xã hội Alicia Asic thuộc tổ chức hỗ trợ đa văn hoá ở Perth, cho biết ngày càng có nhiều mối tình trên mạng bị biến tướng và lạm dụng.
“Có sự gia tăng các trường hợp phụ nữ, chủ yếu là người gốc Á, kết hôn với đàn ông Úc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thế nhưng lại bị lâm vào tình cảnh trái ngang và nguy hiểm,” bà nói.
“Họ bị tước đoạt tự do, tù đày, lạm dụng thể xác, tình cảm và tình dục. Họ rất dễ bị tổn thương vì nhiều người không biết nói tiếng Anh và không nhận thức được quyền lợi của mình tại Úc.
“Rất nhiều người trong số họ không được sử dụng điện thoại hoặc internet, và không biết làm thế nào để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm thoát khỏi tình cảnh hiện tại.”
A video of an Asian woman being physically assaulted by her husband on their wedding day has gone viral on Twitter Source: Twitter
Cuộc sống hoàn toàn bị kiểm soát
J. đến từ một gia đình làm nông nghèo khổ ở Philippines. Ở độ tuổi 20, cô quyết định lấy chồng ngoại quốc.
“Tôi cố gắng tiết kiệm tiền để học đại học nhưng ở nước tôi, đàn ông là người có quyền quyết định. Phụ nữ chỉ biết vâng lời mà thôi… tôi nghe nói ở nước ngoài mọi thứ tốt đẹp hơn,” cô cho biết.
“Vì thế tôi tham gia một trang mạng hẹn hò dành cho những người đàn ông da trắng gặp gỡ phụ nữ Châu Á, và đó là nơi tôi đã gặp chồng cũ của mình, sống ở Perth.”
Cô kể rằng sau khi đính hôn, chồng của cô đã thay đổi tính nết.
“Anh ấy rất ghen tuông và kiểm soát, anh ấy làm cho tôi có thai… chỉ trong vòng ba tháng bởi vì anh ấy nghĩ đó là cách để tôi không thể bỏ đi,” cô kể.
“Anh ấy lắp đặt cửa an ninh và nhốt tôi trong nhà mỗi khi anh ấy đi làm, vì thế tôi ở nhà với con trai cả ngày.
“Tôi đòi anh ấy trả lại sổ thông hành, nhưng anh ấy cất nó trong két sắt và tôi không thể bỏ đi ngay cả khi tôi muốn. Tôi không có gì cả, không xe, không tiền, không tự do.”
Chồng của J. thậm chí còn ép cô quan hệ tình dục. Cuối cùng, cô đã tìm cách bỏ trốn và xây dựng một cuộc sống mới tại Úc.
Cô làm việc toàn thời gian tại một khách sạn và để dành tiền để thực hiện ước mơ đi học đại học.
“Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình giống như nô lệ của anh ấy vậy,” cô nói.
“Bởi vì cuộc sống nghèo khổ, nhiều người đã đến đây để kết hôn, và tôi tin rằng có rất nhiều phụ nữ ngoài kia không thể cất lên tiếng nói của mình.”
Thời đại của những mối tình trên mạng
Theo Bộ Nội vụ, có khoảng 3.000-7.000 người đến Úc mỗi năm theo diện visa đính hôn (Prospective Marriage), chủ yếu là các phụ nữ đến từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan.
Ông Charlie Morton, điều hành trang hẹn hò quốc tế , cho biết hẹn hò trên mạng đang là xu hướng hiện nay.
“Những người đàn ông hẹn hò với phụ nữ ngoại quốc thường là những người lớn tuổi, không hài lòng với việc hẹn hò trong nước, và nhận thấy một khi ra nước ngoài, họ bỗng trở nên có giá hơn,” ông nói.
“Về bản chất đây là một cuộc giao dịch – một người đàn ông bình thường tại Úc được săn đón tại Philippines, và đối với những người phụ nữ địa phương, việc kết hôn với một người đàn ông Úc giống như là trúng số độc đắc vậy.”
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phụ nữ bỏ rơi bạn đời người Úc của mình một khi trở thành thường trú nhân.
Chính phủ đã làm gì?
Chính phủ liên bang đã đưa ra một số thay đổi nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng cô dâu ngoại quốc, bao gồm việc giới hạn số bạn đời mà mỗi người Úc có thể bảo lãnh là 2 người, và kể từ năm 2018, người bảo lãnh sẽ phải trải qua bài kiểm tra nhân thân và lý lịch tư pháp.
Ngoài ra còn có một số miễn trừ đặc biệt cho những người thuộc diện visa đính hôn nhưng bị bạo hành gia đình. Hàng năm có khoảng 300-400 người được cấp visa thường trú tại Úc theo dạng này.
Tuy nhiên, các tổ chức hỗ trợ phụ nữ cho biết nhiều tội phạm bạo hành vẫn chưa bị xử lý, vì nạn nhân sợ bị trả thù, sợ gặp cảnh sát hoặc sợ bị trục xuất.
“Chúng tôi đã chứng kiến những người đàn ông sử dụng quyền kiểm soát tình trạng chiếu khán của bạn đời để gây áp lực, nhằm giữ họ trong mối quan hệ và tiếp tục duy trì bạo lực đối với họ,” luật sư Bogoyev nói.
“Đây là một hình thức ép buộc và kiểm soát rất nguy hiểm.”
Trong năm 2016, có khoảng 300 phụ nữ và trẻ em không có thu nhập và không có tư cách thường trú tại Tây Úc. Nhiều người đã không có một mái ấm yên ổn trong suốt 1-2 năm trong khi chờ xét hồ sơ visa.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại