Phe đối lập liên bang đã quyết định phản đối những thay đổi trong dự luật quốc tịch của chính phủ Liên đảng, đưa ra những yêu cầu bắt buộc về trình độ tiếng Anh và tăng thời gian chờ đợi của thường trú nhân trước khi họ có thể hội đủ điều kiện để có quốc tịch Úc.
Cuộc họp cao cấp trong nội bộ đảng Lao động diễn ra sáng nay đã quyết định bỏ phiếu chống lại dự luật quốc tịch của chính phủ liên bang theo những chi tiết hiện có.
Phát ngôn nhân về Quốc tịch của phe đối lập Tony Bourke gọi dự luật đề xuất này là “làm quá”. Bình luận về yêu cầu tiếng Anh, ông Bourke nói một số lượng đông đảo người Úc sẽ không bao giờ đạt đến mức yêu cầu tiếng Anh này.
“Thách thức với bài kiểm tra trình độ tiếng Anh là họ đã đặt yêu cầu quá cao, thật lố bịch và vô lý, và ngu xuẩn,” ông nói trên đài ABC.
Ông Bourke cũng bác bỏ lập luận rằng những thay đổi được đề xuất là vì lợi ích của an ninh quốc gia.
“Nếu có vấn đề an ninh quốc gia đối với những người này, tại sao Chính phủ lại cho họ sống ở đây lâu dài?” ông nói.
Khi những thay đổi được công bố lần đầu tiên vào tháng Tư, Lao động cho rằng một số đề nghị thay đổi là hợp lý và họ sẽ xem xét các đề xuất này.
Nhưng đêm qua, thứ Hai, nội các phe đối lập đã quyết định ngăn chặn những thay đổi này, đặc biệt khi nói đến tăng thời gian chờ đợi từ một năm lên bốn năm đối với người có tư cách thường trú nhân trước khi họ có thể nộp đơn xin quốc tịch Úc. Lao động cũng phản đối việc kiểm tra tiếng Anh gắt gao hơn.
Theo dự luật của chính phủ đưa ra tại Hạ viện cuối tuần trước, người xin nhập quốc tịch sẽ phải đạt được Band 6 IELTS trong kỳ thi kiểm tra tiếng Anh mới đủ điều kiện để có quốc tịch.
Tổ chức đại diện của các cộng đồng đa văn hóa tại Úc, Liên đoàn các Hội đồng Cộng đồng Sắc tộc Úc (FECCA) cũng phản đối việc đưa ra một bài kiểm tra ngôn ngữ gắt gao.
“Úc là một quốc gia di dân và mãi mãi chúng ta không chỉ nhận người mà còn cho phép họ làm việc và đóng góp, bất kể nền tảng ngôn ngữ của họ. Tôi biết hàng ngàn hàng ngàn người Úc cao niên, những người không nói được tiếng Anh rành rẽ là những người đã có những đóng góp to lớn,” ông Pino Migliorino từ FECCA nói.
Trong số các dự luật trình ra trước Quốc hội lần này là đề nghị Tổng trưởng Di trú được quyền bác bỏ các quyết định của Tòa Hành chánh Phúc thẩm (Administrative Appeals Tribunal, AAT) mà ông không đồng ý.
Theo luật lệ hiện hành, Tổng trưởng Di Trú đã có quyền đảo ngược quyết định của Toà AAT về một số vấn đề liên quan đến visa, nhưng chưa có vấn đề quốc tịch.
Dự luật đề nghị cũng mong muốn đưa ra một tuyên bố các giá trị Úc, mà người xin đăng ký nhập quốc tịch sẽ phải ký tên vào đó.
Sự phản đối của Lao động đối với dự luật này có nghĩa là Liên đảng sẽ phải tìm kiếm 10 phiếu từ các Thượng nghị sĩ tự do để dự luật được thông qua tại Thượng viện. Đảng Xanh đã tỏ rõ thái độ, dán nhãn dự luật này là bài ngoại và không công bằng.