Lao động nhập cư bị trả lương thấp và ‘ít phàn nàn khi bị gian lận tiền lương’

Một nghiên cứu của Đại học NSW và Đại học Công nghệ Sydney tiết lộ 30% số lao động nhập cư chỉ kiếm được $12 một giờ hoặc ít hơn, trong đó người làm nông có lương thấp hơn công nhân xây dựng, nhưng cao hơn nhân viên ngành nhà hàng-khách sạn.

Migrant workers

Migrant worker Source: SBS/Migrant Worker Justice Initiative

Anh Bruno, một khách Tây ba lô người Đức, làm việc trong một nông trại trồng zucchini ở New South Wales cùng một số người bạn. Anh cho biết họ đã “bị lừa”.

“Qua điện thoại, họ nói với chúng tôi rằng lương sẽ được trả theo giờ, và chúng tôi có thể kiếm được từ $600-$1000 mỗi tuần,” anh kể. “Chúng tôi không hề biết mình sẽ lâm vào hoàn cảnh như vậy.”

Thế nhưng khi họ tới nơi thì mọi chuyện lại khác.

“Mức lương theo giờ khá thấp — vào khoảng $17 trước và giờ làm việc không được nhiều.”

Cuối cùng Bruno và nhóm bạn chỉ kiếm được khoảng $5/giờ trong vòng năm tuần.

“Chúng tôi được trả lương theo số thùng thu hoạch được … thế nhưng khi không có gì để thu hoạch, chúng tôi cảm thấy như mình bị lừa vậy, đặc biệt khi họ trừ tiền nhà vào tiền lương của chúng tôi.”

Lao động nhập cư trong ngành nông nghiệp là một trong những người bị trả lương tồi tệ nhất tại Úc, và phần lớn đang chịu đựng trong im lặng.

Một nghiên cứu trên 4,300 lao động nhập cư tạm thời của Đại học NSW và Đại học Công nghệ Sydney với nhan đề  (Tạm dịch: Gian lận tiền lương trong thầm lặng) phát hiện ra rằng 1/3 số này chỉ được trả $12 một giờ hoặc thấp hơn.

Đồng tác giả bài nghiên cứu, Bassina Farbenbulm, cho biết điều tồi tệ nhất là 15% các nhân viên nông trại và người hái trái cây chỉ kiếm được ít hơn $5 một giờ.

“Đây chắc chắn là mức lương thấp nhất trong các ngành kỹ nghệ mà chúng tôi xem xét, và chúng tôi cũng nghe nhiều câu chuyện khủng khiếp về việc các công nhân đôi khi không được trả đồng nào vào cuối ngày.”

3% số người tham gia bị chủ nhân hoặc chủ nhà nghỉ giữ hộ chiếu một cách bất hợp pháp, trong khi 5% cho biết họ phải “đặt cọc” để có được công việc hiện tại.

Mặc cho những vấn đề này, dưới 10% số du học sinh và du khách ba lô tại Úc tìm cách lấy lại số tiền lương bị thiếu, ngay cả khi họ biết rằng mình đã bị lừa.

Các nông gia kêu gọi hành động

Chủ tịch Hội những người trồng rau quả Bundaberg, ông Allan Mahoney, đã vận động về vấn đề này trong 8 năm qua.

Ông cho biết ông ngày càng thất vọng khi chứng kiến ​​các phương thức tuyển dụng tồi tệ trên mạng xã hội.

“Các bên thứ ba đang tích cực quảng cáo những việc làm thấp hơn mức lương cơ bản, và cách biệt rất xa so với mức lương cơ bản,” ông Mahoney nói.

“Và rồi vẫn có 150 người trên mạng xã hội cầu xin để có được công việc này.”

Ông thường cảnh báo mọi người về những trò lừa đảo này, nhưng cho biết nhiều người lao động sẵn sàng làm mọi việc để gia hạn visa sang năm thứ hai.

“Sẽ luôn có các yếu tố tội phạm muốn lợi dụng những người trẻ tuổi,” ông nói.

“Điều chúng ta cần là việc thi hành pháp luật. Chúng ta cần phải thiết lập các hình mẫu tốt cho các yếu tố tội phạm vẫn còn trong ngành kỹ nghệ.

“Chúng ta có Fair Work, lực lượng Cảnh sát Liên bang Úc, lực lượng cảnh sát tiểu bang, và dường như chưa có hành động nào đối với những tội phạm này.”

Ông Mahoney tin rằng đây không chỉ là vấn đề trong khu vực của ông.

“Tại Thung lũng Lockyer vào thời điểm này, họ đang có một vấn đề rất lớn, và Fair Work chỉ cách đó nửa giờ đồng hồ, và họ không làm gì cả,” ông nói.

Kêu gọi thay đổi đối với Fair Work Ombudsman

Fair Work Ombudsman (FWO) là nơi khiếu nại chính của người lao động, nhưng quy trình lại rất khó khăn.

Bà Farbenbulm cho biết các yêu cầu quá phức tạp so với nhiều lao động nhập cư, và FWO thường tập trung vào các vụ kiện lớn mang tính răn đe, thay vì giải quyết tất cả khiếu nại.

“Họ đã có một số chiến thắng tuyệt vời đối với những nhà tuyển dụng bóc lột sức lao động, thế nhưng họ không thực sự hành động thay mặt cho mọi người lao động nhập cư.”

Theo nghiên cứu, có đến 60% lao động nhập cư liên lạc với FWO nhưng không lấy lại được tiền lương bị gian lận.

FWO cho biết họ đang cân nhắc bản phúc trình Wage theft in silence, và vẫn ưu tiên việc giúp đỡ lao động nhập cư về tiền lương và quyền lợi của họ, cũng như nâng cao nhận thức về quyền của người lao động tại Úc.

Trong khi đó, anh Bruno cho rằng đây là một vấn đề phổ biến ở châu Âu cũng như tại Úc, và lao động nhập cư cần phải có nhận thức rõ hơn về mức lương cơ bản.

“Thế nhưng tôi lại không biết vì sao một nước lớn như Úc lại cho phép các chủ nhân làm việc đó,” anh nói.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 2 November 2018 8:34pm
By Đăng Trình

Share this with family and friends