Key Points
- Woolworths và Coles đều công bố mức tăng trưởng doanh thu đáng kể.
- Cả hai siêu thị đều cho rằng họ kiếm được lợi nhuận là do khác hàng giảm bới chi tiêu trong việc đi ăn ngoài.
- Nhưng các chuyên gia thì cho rằng các siêu thị dựa vào việc khách hàng quen với việc trả nhiều hơn cho những mặt hàng thiết yếu trong thời gian khủng hoảng.
Cả hai ông lớn trong ngành bán lẻ Úc là Coles và Woolworths đều công bố doanh thu của họ đều tăng trong tuần này. Woolworths không có dấu hiệu chậm lại khi công bố đã kiếm được 1,62 tỷ đô la lợi nhuận sau thuế cả năm, tăng 4,6% so với năm ngoái.
Coles cũng báo cáo doanh thu bán hàng đã tăng 6,1% trong năm tài chính, với lợi nhuận tiền mặt tăng lên 1,1 tỷ đô la từ mức 1,05 tỷ đô la của năm trước.
Các siêu thị nói gì về lợi nhuận của họ
Cả hai siêu thị Coles và Woolworths đều cho biết lợi nhuận của họ là do khách hàng bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nên đã cắt giảm các chi tiêu tùy ý như đi ăn ngoài để chuyển sang mua hàng siêu thị.
Theo Coles, thời điểm bất ổn ảnh hưởng đáng kể đến cách khách hàng mua sắm, khiến họ mua số lượng lớn và mua nhiều thực phẩm đông lạnh hơn.
Woolworths cũng cho biết khách hàng của họ đang có thói quen mua sắm thông minh hơn, một số người đang chuyển từ thịt bò sang nguồn protein hợp lý hơn và đổi rau quả tươi sang các lựa chọn đông lạnh và đóng hộp.
Nhưng Giáo sư Nikita Garg từ Khoa Marketing đại học UNSW thì không đồng tình với ly do nói trên. Bà cho rằng việc mọi người chi tiêu nhiều hơn cho siêu thị và mua sắm ít tùy ý hơn không thể là lý do duy nhất khiến các siêu thị có được lợi nhuận tăng đột biến.
“Cái gì đã đi lên thì không bao giờ đi xuống”
“Việc các siêu thị kiếm được nhiều lợi nhuận như vậy là một vấn đề bởi vì ở đâu đó họ đã phải chuyển sang tỷ suất lợi nhuận vượt mức. Khi chúng ta gặp vấn đề về nguồn cung, khi đó giá cả đã tăng lên, nhưng đến giờ một số mặt hàng vẫn có giá cao,” bà Garg nói.
“Nếu bạn nhìn vào các sản phẩm thịt hiện nay, chúng cực kỳ đắt. Còn sữa đã tăng giá khi có vấn đề về nguồn cung, nhưng tới giờ giá vẫn chưa giảm. Lợi nhuận này có được chuyển cho người nông dân không? Rất có thể là không."
Bà Garg cũng lưu ý rằng các siêu thị thường dựa vào việc khách hàng sẽ tự thay đổi để thích ứng với việc trả nhiều tiền hơn cho những thứ cần thiết khi một sự kiện bên ngoài tác động đến chuỗi cung ứng, góp phần tăng thêm lợi nhuận.
Chẳng hạn như khi xảy ra thiên tai hoặc chiến tranh gây ra sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng, dẫn đến thay đổi về chi phí, các siêu thị thường xem xét liệu khách hàng có thể chịu được chi phí hay không.
“Một khi sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng được khắc phục, nhà bán lẻ sẽ khó mà trở về lại tỷ suất lợi nhuận cũ, đặc biệt nếu người tiêu dùng của họ đã quen với việc trả nhiều tiền hơn cho cùng một sản phẩm.
“Các siêu thị dựa vào sự thích nghi của người tiêu dùng, đặc biệt là trong những thời điểm nhạy cảm.”
'Lạm phát thu nhỏ' có liên quan gì?
'Lạm phát thu nhỏ', là khái niệm nói về sản phẩm bị thu nhỏ kích thước nhưng vẫn được bán ở cùng mức giá, là một phương pháp giúp các siêu thị bảo vệ tỷ suất lợi nhuận.
Người tiêu dùng ban đầu có thể không phát hiện ra việc giảm quy mô, cho phép các nhà bán lẻ điều chỉnh mức độ nhạy cảm về giá trong thời kỳ mơ hồ và khủng hoảng mà không gây ấn tượng về việc tăng chi phí đáng kể.
Tương lai sẽ thế nào?
Giáo sư Ellen Garbarino từ Khoa Kinh doanh thuộc Đại học Sydney cho biết, một năm bội thu được dự đoán của Úc, cùng với thời điểm kinh tế bất ổn, chỉ có nghĩa là các siêu thị sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận lớn.
"Khi có nhiều sản phẩm chất lượng, các siêu thị có thể sử dụng các sản phẩm đặc biệt theo mùa như một chiến thuật tiếp thị để thu hút bạn và giúp bạn tiêu tiền."
Bà cũng cho biết chừng nào thời điểm không chắc chắn còn ở phía trước, các siêu thị sẽ tiếp tục thu được lợi nhuận khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm sự thoải mái và an toàn tại nhà.