Phán quyết về vụ án Đồng Tâm
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vào lúc 3g chiều hôm qua, 14/9 đã công bố các bản án đối với 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm.
Phiên tòa này bị nhiều luật sư chỉ trích là có nhiều sai sót về mặt tố tụng và còn bị rút ngắn ba ngày để kết thúc vào ngày 14/9, thay vì ngày 17/9.
Theo phán quyết, hai ông Lê Đình Công và Lê Đình Chức, đều là con trai của cụ Kình - người đã thiệt mạng trong vụ đột kích của lực lượng an ninh gồm hàng ngàn người vào xã Đồng Tâm ngày 9/1/2020 - đã bị án tử hình vì tội giết người.
Cháu nội của cụ Kình, ông Lê Đình Doanh, cũng bị kết án tù chung thân với cùng tội danh.
Ngoài ra ba người khác cũng bị buộc tội giết người lãnh án tù trên 10 năm, gồm ông Bùi Viết Hiển 77 tuổi, 16 năm tù, Nguyễn Quốc Tiến 13 năm tù và Nguyễn Văn Tuyền 12 năm tù.
Những người này bị cáo buộc liên quan đến vụ việc đổ xăng nhiều lần vào hố thiêu sống ba cán bộ công an trong số hơn ba ngàn quân tấn công vào Đồng Tâm, lấy lý do là để bảo vệ quân đội xây tường rào sân bay Miếu Môn và các mục tiêu quan trọng trong xã.
Báo chí trong nước cho biết Hội đồng xét xử buộc mỗi bị cáo thuộc nhóm cầm đầu phải bồi thường 116 triệu đồng cho mỗi gia đình nạn nhân và chu cấp chi phí nuôi dưỡng các con của ba nạn nhân cho đến khi họ đủ 18 tuổi.
Trong khi đó, 23 bị cáo còn lại bị buộc tội chống người thi hành công vụ, trong đó 9 người bị án tù từ 3-6 năm, 14 người khác bị tù treo từ 15-36 tháng.
Điều đáng chú ý là trong khi tất cả các bị cáo đều bị tuyên án bằng hoặc nhẹ hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát, bị cáo Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Lê đình Kình, lại bị án nặng hơn. Bà Bùi Thị Nối bị kết án 6 năm tù, trong khi mức án được đề nghị là 4-5 năm tù.
Bị cáo Bùi Thị Nối, là người trong phiên tòa ngày thứ hai đã công khai chất vấn ngược lại hội đồng xét xử:
Tại sao có luật pháp mà không thi hành? Tại sao không bắt bố Nối [tức cụ Kình] đàng hoàng, mà lại lừa ra đồng đánh gãy chân bố Nối?
Khi chủ tọa hỏi đến lần thứ ba lý do bà mua xăng, bà Nối trả lời: “Mua xăng để thiêu chết bọn tham nhũng!”
Theo báo chí trong nước, hội đồng xét xử nhận định “đây là vụ án hình sự nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm, coi thường pháp luật, tính mạng người dân”, trong khi các thẩm phán đánh giá “hành vi của các bị cáo là vô cùng dã man, tàn bạo, mất tính người”.
Về phía các luật sư đại diện 29 bị cáo, Luật sư Lê Văn Luân viết trên trang Facebook cá nhân:
“Bản án ấy đã nói rõ, các bị cáo đều là những nông dân thật thà, mộc mạc, chất phác. Và rồi những người nông dân ít học ấy phải nhận lấy các mức hình phạt khác nhau trong vụ án mà mọi sự man rợ và ghê rợn đã được trưng rõ trên các mặt báo và màn hình ti vi từ ngay khi tiếng súng rạng sáng 9/1/2020 kết thúc.”
Còn Luật sư Ngô ngọc Trai cũng bày tỏ trên Facebook:
“Vụ án Đồng Tâm là hệ quả của những bất cập trong chính sách quản lý đất đai, bất cập trong tổ chức chính quyền nhà nước, bất cập trong đường lối quản trị quốc gia. Ngày hôm nay là Đồng Tâm, ngày mai có thể là một cộng đồng dân cư khác hay một tập đoàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng.”
Xin nhắc lại, đã có 19 trong số 29 bị cáo trong phiên tòa ngày thứ tư cho biết họ bị bức cung bằng cách tra tấn, nhục hình, trong đó ông Lê Đình Công nói ông "bị đánh mười ngày như một".
Lê Đình Công và Lê Đình Chức, hai người bị tuyên án tử hình, cho biết sẽ kháng cáo.
Công luận trong và ngoài nước phản đối bản án đối với người dân Đồng Tâm
Bản án đối với 29 người dân Đồng Tâm mà Tòa án nhân dân Hà Nội vừa tuyên bố vào hôm qua 14/9/2020 đã bị công luận trong và ngoài nước cực lực phản đối.
Cộng đồng Người Việt tại Nhật
C̣ộng đồng Người Việt tại Nhật đã ra kháng thư phản đối những bản án này
Kháng thư của CDNV tại Nhật cho rằng vụ tấn công vào thôn Hoành xã Đồng Tâm ngày 9/1 là hành vi khủng bố, trái mọi quy định pháp luật, và phiên tòa bắt đầu từ ngày 7/9 đã đưa ra những cái gọi là ‘chứng cứ buộc tội’ do Công an dàn dựng, biên tập, với "một qui trình điều tra có ép cung đầy bạo lực và phi nhân".
Cũng theo kháng thư, qua viêc các luật sư không thể thực hiện đầy đủ chức năng bào chữa của họ trong khi thân nhân, gia đình của các bị cáo cũng không được tham dự và làm chứng mà còn bị sách nhiễu, phiên tòa này bị xem là đã tạo điều kiện tối đa cho bên buộc tội, nhưng lại hạn chế đến mức tối thiểu năng lực của bên gỡ tội.
Các tổ chức nhân quyển
Ngay sau khi các bản án được công bố, đại diện của hai Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) và Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đã ra tuyên bố với nội dung cực lực phản đối.
Trong bàn tuyên bố của Human Rights Watch, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức này nêu rõ:
Những bàn án nặng nề, trong đó có hai án tử hình, tuyên đối với các bị cáo Đồng Tâm không hề gây ngạc nhiên. Cũng giống tất cả mọi cấp tòa xử khác, tòa án Hà Nội không hề độc lập vì hội đồng xét xử phải đưa ra những phán quyết được định trước do đảng cộng sản. Giới cai trị tại Việt Nam đang đi bước ngược lại nhằm chứng tỏ bộ mặt cứng rắn nhất có thể đối với những người dân làng Đồng Tâm. Lý do chỉ vì giới lãnh đạo Việt Nam lo lắng tính phản kháng, thách thức của cộng đồng dân làng có thể truyền lan ra dù rằng người dân Đồng Tâm phải bị những hình phạt nặng nề nhất.
Tổ chức Ân Xá Quốc tế cũng cho rằng đây là những bản án vô nhân được tuyên bố sau một phiên xử hoàn toàn không công bằng và tổ chức này cũng mạnh mẽ phản đối án tử hình trong bất cứ mọi trường hợp, không hề có ngoại trừ dù người bị tuyên án là ai, bản chất và tình huống phạm tội là gì.
Dân mạng và dân oan
Trong khi những bản án này tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ trên các trang mạng xã hội trong và ngoài nước, thì đài RFA cho biết, nhiều dân oan khắp ba miền tại Việt Nam, khi phát biểu với đài này, đều lên án các phán quyết đối với người dân Đồng Tâm và khẳng định những bản án đó lại càng kích thích họ phải chiến đấu và hy sinh nhiều hơn nữa, kể cả hy sinh mạng sống cho các cuộc tranh đấu giữ đất.
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại