Giải mã những tin đồn và quan niệm sai lầm về coronavirus

Những lầm tưởng về coronavirus đang lan truyền nhanh chóng trên thế giới, gây nguy hiểm cho sức khỏe và sự an toàn của cộng đồng.

supermarket

Source: Photo by Anna Shvets from Pexels

Đại dịch COVID-19 đi kèm với những gì mà Tổ chức Y tế Thế giới mô tả là “infodemic” – những thông tin sai lệch, thuyết âm mưu hay thậm chí là tin đồn.

Nhằm giải quyết vấn đề này, SBS đã phỏng vấn ông Sanjaya Senanayake, Phó Giáo sư Y khoa và Bệnh truyền nhiễm thuộc Đại học Quốc gia Úc, về những tin đồn phổ biến nhất liên quan đến COVID-19 trên mạng.
Prof Sanjay
Professor Sanjaya Senanayake Source: Supplied
Tin đồn: Những người trẻ, khỏe sẽ không gặp vấn đề gì nếu nhiễm virus, chỉ những người cao niên và những người có vấn đề về sức khỏe mới dễ bị tổn thương.

Prof Senanayake: “Chúng tôi biết rằng những người có nguy cơ nhiễm COVID-19 cao nhất là người cao niên trên 65 hay 70 tuổi và những người có tiền sử bệnh tật. Tuy nhiên, chúng tôi cũng chứng kiến những người trẻ, khỏe bị bệnh rất nặng vì COVID-19 và cần được chăm sóc đặc biệt hay thậm chí tử vong. Vì thế, mặc dù khả năng một người trẻ, khỏe bị nhiễm trùng nghiêm trọng đe dọa tính mạng là rất thấp, nhưng nó vẫn tồn tại.

“Theo chúng tôi được biết, một số người hoàn toàn khỏe mạnh vẫn tử vong vì COVID-19. Trong số hơn 250,000 người chết trên thế giới, có khoảng 20 trẻ em. Chúng tôi không biết liệu những trẻ em này có hoàn toàn khỏe mạnh hay không.”
Carers Support
Elderly care in nursing home. Source: Getty Images
Tin đồn: Tia cực tím từ mặt trời có tác dụng tiêu diệt coronavirus, vì vậy tắm nắng sẽ giúp bảo vệ tôi khỏi virus.

Prof Senanayake: “Có một số bằng chứng cho thấy tia tử ngoại (UV) có thể ảnh hưởng đến virus như cúm, nhưng các bằng chứng này không có tính thuyết phục cao. Dường như một loại tia UV tên là UVC có khả năng chống coronavirus tốt nhất, nhưng nó cũng có thể gây nguy hiểm cho con người.

“Một loại tia UV tên là Far-UVC đã được xem xét. Nó không gây nguy hiểm cho con người nhưng có thể tiêu diệt virus và vi khuẩn; tuy nhiên, nó vẫn chưa được nghiên cứu kỹ càng trên người.”

Tin đồn: Ăn tỏi, uống Vitamin D, hoặc sử dụng thảo dược có thể ngăn ngừa việc nhiễm coronavirus.

Prof Senanayake: “Không có bằng chứng khoa học nào cho thấy điều này. Nếu bạn cảm thấy khỏe hơn sau khi ăn tỏi, điều đó tốt thôi, nhưng đừng ăn tỏi vì cho rằng nó sẽ giúp ngăn ngừa COVID-19.”

Tin đồn: Uống nước nóng, rượu hoặc nước chanh giúp tiêu diệt virus trong cổ họng.

Prof Senanayake: ”Uống nước nóng hoặc nước chanh có thể giúp cổ họng của bạn cảm thấy tốt hơn, nhưng sẽ không giúp tiêu diệt virus. Nó không có tác dụng chống virus.”

Tin đồn: Virus tồn tại trong cổ họng một vài ngày trước khi lây nhiễm vào phổi và sẽ bị tiêu diệt bởi nhiệt độ cao, vì thế uống nước nóng sau khi nhiễm virus sẽ giúp bạn không bị bệnh.

Prof Senanayake: “Virus bắt đầu lây nhiễm từ mũi và cổ họng, nhưng như chúng tôi đã nói, không có bằng chứng nào cho thấy nước súc miệng hay nước nóng giúp tiêu diệt virus.”

Tin đồn: Uống nước thường xuyên sẽ đẩy virus xuống dạ dày, và axít trong dạ dày sẽ tiêu diệt nó, thay vì lây nhiễm vào khí quản.

Prof Senanayake: “Không có bằng chứng nào cho thấy điều đó sẽ xảy ra. Uống nhiều nước đem lại nhiều lợi ích về mặt sức khoẻ nhưng không giúp tiêu diệt COVID-19. Những người mắc COVID-19 có thể tìm thấy virus trong phân của họ, vì vậy axit dạ dày không phải lúc nào cũng có thể giết chết virus.”

Tin đồn: Uống rượu mạnh như whisky giúp khử trùng cổ họng và tiêu diệt virus.

Prof Senanayake: “Không, không có bằng chứng nào cho thấy đồ uống với nồng độ cồn cao giúp tiêu diệt virus, mà ngược lại việc này có thể gây hại cho sức khỏe của bạn vì những lý do khác.

“Tôi cho rằng tin đồn này xuất phát từ thực tế là nước rửa tay có cồn giúp tiêu diệt virus trên tay, nhưng đó là trên tay chứ không phải bên trong cơ thể - đây là hai thứ khác nhau.”
Can children be poisoned by hand sanitisers?
Can children be poisoned by hand sanitisers? Source: Getty/Flavia Morlachetti
Tin đồn: Thuốc dự phòng trước phơi nhiễm HIV PrEP có thể bảo vệ bạn khỏi bị nhiễm coronavirus.

Prof Senanayake: “Có lẽ tin đồn này xuất hiện bởi vì có một loại thuốc tổng hợp gọi là Lopinavir–Ritonavirđược cho là có hoạt tính chống lại COVID-19. Tuy nhiên, một thử nghiệm ngẫu nhiên  cho thấy kết quả đáng thất vọng. Điều đó không có nghĩa là nó không hiệu quả, nhưng một thử nghiệm đã không cho thấy điều đó và chúng tôi sẽ phải xem những nghiên cứu khác cho kết quả gì. Nhưng ngay cả khi một loại thuốc HIV này được chứng minh là có hoạt tính chống lại COVID-19, điều đó không có nghĩa là các loại thuốc HIV khác sẽ có hoạt tính chống lại COVID-19.

Tin đồn: Thuốc điều trị bệnh sốt rét hydroxychloroquine có thể chữa COVID-19.

Prof Senanayake: ”Điều này cần phải được nghiên cứu thêm, vì trong phòng thí nghiệm, nó có tác động lên virus và có một thử nghiệm lâm sàng cho thấy thuốc này dường như có thể tiêu diệt virus, có tác động hiệu quả đối với virus, nhưng các nghiên cứu khác lại nói rằng nó không có tác động gì đối với virus cả.

“Và một vấn đề khác đối với hydroxychloroquine là nó đi kèm với những rủi ro; nó có tác dụng phụ. Đặc biệt nó có thể ảnh hưởng đến tim, nhịp đập của tim.”

Tin đồn: Thường xuyên tắm nước nóng giúp ngăn ngừa nhiễm coronavirus..

Prof Senanayake: “Không có bằng chứng nào cho thấy việc thường xuyên tắm nước nóng giúp ngăn ngừa nhiễm coronavirus.” 

Tin đồn: Rửa xoang bằng dung dịch muối giúp ngăn ngừa nhiễm coronavirus..

Prof Senanayake: “Nếu bạn bị tắc nghẽn xoang thì điều này có thể hữu ích, nhưng nó sẽ không tiêu diệt coronavirus.”

Tin đồn: Mạng di động 5G lan truyền COVID-19.

Prof Senanayake: “Tôi không thể hiểu nổi vì sao công nghệ 5G lại có thể lan truyền virus; điều đó hoàn toàn vô nghĩa. COVID-19 đang xảy ra tại nhiều quốc gia và khu vực không có mạng 5G.”

Tin đồn: Mạng di động 5G làm suy yếu hệ miễn dịch và đó là nguyên nhân dẫn đến đại dịch COVID-19.

Prof Senanayake: “Không có bằng chứng nào cho thấy bức xạ từ 5G đủ mạnh để làm suy yếu hệ miễn dịch.”
trolley
Source: Getty Images
Câu hỏi: Tôi có thể nhiễm virus khi đi siêu thị không?

Prof Senanayake: “Về mặt lý thuyết, chúng tôi biết rằng virus có thể lây lan qua các giọt bắn (droplet). Khi ai đó ho hoặc hắt hơi, họ có thể phát tán các giọt nước. Và chúng có thể bám vào các bề mặt và tồn tại trên đó. Vì thế, về mặt lý thuyết, bạn có thể nhiễm virus khi chạm vào thứ gì đó tại siêu thị, như xe đẩy hoặc quầy tính tiền chẳng hạn.

“Đó là lý do vì sao khi chúng ta đi đến nơi công cộng khi dịch COVID-19 vẫn còn, chúng ta cần phải vệ sinh tay với nước rửa tay khô thường xuyên.

“Nhưng ngay cả khi bạn dính virus trên tay, điều đó không có nghĩa là bạn đã bị nhiễm virus. Bạn có cơ hội ngăn chặn virus lây nhiễm, và đó là lý do vì sao bạn cần phải dùng nước rửa tay khô, hoặc rửa tay với xà phòng và nước. Bởi vì điều này sẽ giúp tiêu diệt virus trên tay, và sau đó nếu bạn chạm tay vào miệng, mũi hoặc mắt, thì sẽ không có virus tại đó.”

Câu hỏi: Liệu tôi có bị nhiễm virus nếu đứng gần bệnh nhân COVID-19 đang ho hoặc hắt hơi?

Prof Senanayake: “Một nghiên cứu cho thấy nếu ai đó ho hoặc hắt hơi, virus có thể bay xa tới 8 mét, nhưng đó chỉ là một nghiên cứu mà thôi. Chúng tôi cho rằng những người đứng cách xa ít nhất 1,5 mét so với người ho hoặc hắt hơi, thì không có nguy cơ bị lây nhiễm.”

Câu hỏi: Nếu người bị nhiễm virus không ho hoặc hắt hơi, thì họ có nguy cơ lây bệnh không?

Prof Senanayake: “Từ quan điểm y tế công cộng, một người được xem là tiếp xúc gần với ca nhiễm trong hai trường hợp: nếu bạn tiếp xúc trực tiếp trong hơn 15 phút, hoặc nếu bạn ở chung một phòng hoặc không gian kín trong hơn hai giờ (ngay cả khi cách xa 1,5 mét).

Câu hỏi: Nguy cơ nhiễm virus từ các bề mặt? 

Prof Senanayake: “Rủi ro nhiễm virus từ các bề mặt là rất thấp, nhưng nếu bạn chạm vào một bề mặt mà ai đó đã chạm vào trước đó, có thể có rất nhiều virus, khi đó bạn sẽ gặp rủi ro cao hơn. Nhưng nếu ai đó chạm vào bề mặt khoảng hai ngày trước, thì sẽ có ít virus hơn, và rủi ro cũng ít đi rất nhiều.”

Câu hỏi: Virus tồn tại trên các bề mặt và trên tay trong bao lâu?

Prof Senanayake: “Chúng tôi biết rằng virus tồn tại trên kim loại đồng trong 4 tiếng, trên giấy hoặc bìa cứng trong 24 tiếng, và trên thép không gỉ và nhựa trong tối đa 72 tiếng. Chúng tôi không biết virus tồn tại trên tay trong bao lâu.”
washing hands
Source: Pexels
Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 12 May 2020 5:54pm
Updated 12 August 2022 3:20pm
By Chiara Pazzano, Đăng Trình

Share this with family and friends