Các cơ sở giáo dục lợi dụng sinh viên quốc tế ở Úc sẽ bị chính phủ cảnh cáo. Đây là một trong những nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm cải tổ hệ thống di trú của quốc gia.
Vào thứ Năm, Cục Thống kê Úc sẽ công bố dữ liệu dân số mới nhất từ quý tháng 9 năm 2023, có thể cho thấy tổng số di cư ròng từ nước ngoài là hơn 150.000 người, phần lớn là sinh viên quốc tế.
Tuy nhiên từ thời điểm đó đến nay chính phủ đã giảm số lượng cấp thị thực sinh viên nhằm ngăn chặn sự sai trái của hệ thống giáo dục quốc tế sau khi xem xét vấn đề di trú.
Bộ trưởng Nội vụ Clare O'Neil cho biết nỗ lực của chính phủ nhằm giảm lượng di cư ròng có thể vẫn chưa được ghi lại trong dữ liệu.
“Kể từ tháng 9, chính phủ đã có nhiều hành động và đã dẫn đến sự sụt giảm đáng kể về mức độ di cư, với mức cấp thị thực cho sinh viên quốc tế gần đây đã giảm 35% so với năm trước,” bà O'Neil cho biết.
Dự báo của chính phủ cho thấy số lượng di cư ròng từ nước ngoài sẽ giảm một nửa vào năm tới.
Cuối tuần này vào ngày 23 tháng 3, bước tiếp theo trong chương trình cải tổ di trú của chính phủ sẽ bắt đầu có hiệu lực.
Những biện pháp này bao gồm tăng yêu cầu về tiếng Anh đối với thị thực sinh viên và sau đại học cũng như áp dụng bài kiểm tra "sinh viên chân chính", dự kiến sẽ hạn chế những sinh viên quốc tế đến Úc với mục đích làm việc thay vì học tập.
Chính phủ cũng sẽ tăng cường quyền hạn để đình chỉ các cơ sở giáo dục có “rủi ro cao”, không cho phép những cơ sở này tuyển dụng sinh viên quốc tế.
Những cơ sở giáo dục được gọi là “cơ sở giáo dục ma” và “các xưởng cung cấp thị thực” sẽ nhận được thông báo cảnh cáo và có sáu tháng để cải thiện.
Nếu không thay đổi, các cơ sở giáo dục này sẽ bị đình chỉ việc tuyển dụng sinh viên quốc tế.
Bộ trưởng Kỹ năng và Đào tạo Brendan O'Connor cho biết không có chỗ cho những cơ sở giáo dục yếu kém vì họ làm suy yếu phần lớn những người đã làm điều đúng đắn.
“Chúng tôi đặt ưu tiên vào việc bảo đảm cho sinh viên – quốc tế và trong nước – cảm thấy an toàn và được chào đón khi họ học các kỹ năng trong lĩnh vực VET chất lượng cao của chúng tôi,” ông O’Connor nói.
“Các cơ quan quản lý sẽ cơ nhiều quyền lực hơn, và sẽ có các hình phạt cứng rắn hơn đối với các cơ sở giáo dục coi tiền phạt đơn thuần là một ‘chi phí kinh doanh’.”