Để ngày Tết vui trọn vẹn, tuyệt đối không nên hỏi những câu thiếu tế nhị sau!

“Có người yêu chưa?”, “Lương tháng bao nhiêu?”, “Sao dạo này mập thế?” – Mỗi lần về quê ăn Tết, tôi lại phát ngán với những câu hỏi kém duyên của bà con họ hàng. Những câu hỏi thoạt nghe thì có vẻ quan tâm, nhưng lại khiến cho đối phương khó xử vì bị xâm phạm sự riêng tư, hay thậm chí dè bỉu.

Tết là thời điểm để trao cho nhau những lời hay ý đẹp, không phải để tò mò chuyện riêng tư.

Tết là thời điểm để trao cho nhau những lời hay ý đẹp, không phải để tò mò chuyện riêng tư. Source: Pixabay

Trong những buổi họp mặt gia đình Việt, bất kỳ ai cũng có thể trở thành một chuyên gia tài chính, sức khoẻ, hôn nhân và sự nghiệp, chỉ bảo cho bạn cách tốt nhất để sống cuộc đời của bạn (theo ý của họ), tuổi tốt nhất để dựng vợ, gả chồng, đẻ con, hay nghề tốt nhất để hái ra tiền.

Lấy ví dụ câu hỏi phổ biến nhất, “Có người yêu chưa?”. Nếu trả lời “Có” thì sẽ bị hỏi tiếp là “Chừng nào dắt về ra mắt ba mẹ?”, “Chừng nào đẻ con cho ba mẹ có cháu bồng?”. Còn nếu trả lời “Chưa” thì “Tại sao chưa có?”, “Anh A con bác B đã có con đầu lòng rồi đấy!”, hay thậm chí “Có bị bê đê không mà chưa có người yêu?”. Thật kinh khủng!

Hoặc như câu hỏi, “Lương tháng bao nhiêu?”, nếu trả lời “Vừa đủ xài” thì người hỏi sẽ ráng hỏi tiếp “Đủ xài là thế nào?”, còn nếu đưa ra một con số cụ thể thì xin chúc mừng, bạn sẽ bị so sánh với chị C con bác D, hoặc được nghe câu “Tiền nhiều thế xài sao hết?”, hoặc vô duyên hơn thì sẽ bị hỏi, “Nhiều thế cho bác vay nhé?”.
Nhiều khi tôi tự nghĩ, chẳng lẽ không còn gì tốt lành để nói với nhau ngày Tết hay sao, mà cứ lôi những chuyện riêng tư ra hỏi?
Đã vậy trong một buổi họp mặt, có khi đề tài lương bổng, người yêu, cân nặng… được nhai đi nhai lại không dưới mười lần, kèm theo những tràng cười hô hố của những khuôn mặt đã chếnh choáng hơi men.

Điều đó cho thấy những câu hỏi này hoàn toàn không có dụng ý quan tâm, tốt lành gì mà chỉ để thỏa mãn tính tò mò của người hỏi, và lấy những khiếm khuyết trong cuộc sống của người khác ra làm trò tiêu khiển. Đến khi người ta cáu gắt vặn lại thì mới chữa thẹn là đùa thôi mà, có quan tâm mới hỏi.
Đôi khi những câu hỏi thiếu tế nhị của bạn có thể làm tổn thương người khác.
Đôi khi những câu hỏi thiếu tế nhị của bạn có thể làm tổn thương người khác. Source: Pixabay
Xin nói thật, người thực sự quan tâm không ai hỏi như vậy cả! Nếu quan tâm, tại sao không hỏi “Con đi làm có mệt không?”, “Cuộc sống ở xứ người có gặp khó khăn gì không?”… Hoặc có thể chia sẻ về những sở thích chung, bàn luận về một quyển sách, một bộ phim hay tin tức thời sự. Thiếu gì đề tài hay ho, thú vị mà không cần phải tọc mạch chuyện đời tư của người khác?

Cuộc sống của ai cũng có những khó khăn, cũng trải qua những thăng trầm. Có thể trong giai đoạn này, cuộc sống tình cảm của một người không suôn sẻ, hay họ gặp vấn đề về sức khỏe thể chất hoặc tinh thần mà không muốn chia sẻ cho quá nhiều người biết.

Vô hình trung, những câu hỏi mang tính riêng tư ngày Tết lại tạo cơ hội cho những người xấu tính xét nét, chê bai người khác, mặc dù không hiểu những gì người đó đang trải qua.

Tóm lại, cả năm đã làm việc cực nhọc rồi, ngày Tết chúng ta hãy dành cho nhau những lời tử tế, đừng để đối phương khó xử. Biết là khổ lắm, nói mãi, nhưng nói bao năm rồi mà người Việt mình có chịu sửa đâu?
Niềm vui ngày Tết sẽ nhân lên bội phần khi chúng ta biết quan tâm đến cảm xúc của nhau.
Niềm vui ngày Tết sẽ nhân lên bội phần khi chúng ta biết quan tâm đến cảm xúc của nhau. Source: Pixabay
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 15 January 2020 4:57pm
Updated 15 January 2020 5:16pm

Share this with family and friends