Cái chết thương tâm của bé gái 7 tuổi tại bệnh viện Perth Children Hospital như tiếng chuông báo động về sự quá tải tại các khoa cấp cứu. Rất nhiều người cũng chia sẻ bản thân đã trải qua chuyện phải chờ đợi mòn mỏi ở khu cấp cứu tại các bệnh viện công.
Bé gái Aishwarya Aswath 7 tuổi đã qua đời tại bệnh viện nhi đồng Perth Children Hospital hôm thứ Bảy sau hơn 2 tiếng chờ đợi được gặp bác sĩ. Cha mẹ em cho biết trước đó em bị sốt cao và đã đưa em vào khu cấp cứu, trong thời gian chờ đợi đã ít nhất 5 hoặc 6 lần khẩn cầu y tá xem xét cho con của họ nhưng đều bị lờ đi.
Cô bé Aishwarya đã tử vong sau khi gặp được bác sĩ.
Tai nạn của Aishawarya đang được điều tra bởi Dịch vụ Y tế Trẻ em và Trẻ vị thành niên (CAHS), dự kiến phải kéo dài từ 4 -6 tuần.
Theo lời chủ tịch Debbie Karasinski của CAHS, có bốn bác sĩ tại khoa cấp cứu bệnh viện đã nghỉ ốm trong ngày hôm đó, nhưng bà chưa cho biết liệu sự thiếu hụt nhân viên có là nhân tố góp phần vào cái chết của Aishwarya hay không.
Bà Karasinski cũng cho hay bé Aishwarya được xếp vào mức độ 4 khi đưa vào khoa cấp cứu, tức mức độ ít khẩn cấp thứ hai.
Theo , nhiều y tá tại khoa cấp cứu bệnh viện nhi đồng ở Perth Children đã lên tiếng bày tỏ sự quan ngại trong một cuộc họp với ban giám đốc vào tháng 12.
Một y tá tại bệnh viện Perth Children Hospital cho biết đã từng có “nhiều tai nạn để lại hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời kể lại đã có những đêm trực chỉ có 8 y tá phải chăm sóc cho 93 bệnh nhân.
Người y tá này nói tỷ lệ chăm sóc như vậy là rất nguy hiểm, nhưng nó lại “đang trở thành chuyện bình thường” khi bệnh viện không đủ nhân viên bù đắp vào số lượng thiếu hụt do đã bị cắt giảm trong thời gian COVID-19.
“Con tôi sốt 42 độ cũng phải chờ 10 tiếng ở khoa cấp cứu để gặp bác sĩ”
Anh Quốc Thái Vũ ở Sydney kể cho SBS Việt ngữ về trải nghiệm không mấy vui vẻ gì khi con anh bị sốt và phải đưa vào khu cấp cứu ở một bệnh viện nhi đồng vùng Tây Sydney. Con của anh đã sốt tới 42 độ nhưng không hề được bệnh viện cho một lời giải thích hay chẩn đoán để biết cách nên chăm sóc con như thế nào.
“Tôi từng trải qua vài lần đưa con đi bệnh viện và hầu như lần nào cũng phải chờ tối thiểu 4-5 giờ đồng hồ.
“Một lần bé sốt cao 42°, đã dùng Panadol và Nurofen, đưa vào bệnh viện cũng phải chờ, đến khi gặp bác sĩ thì bác sĩ nói 42° chỉ là con số không đáng ngại không cho thuốc gì thêm.
“Tôi lo lắng sốt cao có thể không chết nhưng sẽ ảnh hưởng não bé nên đưa đến GP và được cho thuốc kháng sinh mới giảm sốt.”
“Kỷ lục là đem con đến phòng cấp cứu và đợi 10 tiếng đồng hồ. Một lần bé chơi bị thương ở tay và không cử động được, theo dõi ở nhà không bớt, đưa vào bệnh viện từ 12 giờ đêm phải chờ đến 10 giờ sáng mới được vào gặp bác sĩ.”
Anh Thanh Trần, sinh sống ở Melbourne, đã kể lại với SBS Việt ngữ khi con trai của anh mới sinh thiếu tháng phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, anh đã nhìn thấy những vấn đề tồn tại trong các bệnh viện công ở Úc.
“Tôi đã chứng kiến y tá phụ trách phòng chăm sóc đặc biệt của con tôi đang ngồi học bài thi bằng L ngay trong ca trực.
“Vợ tôi khi mới sinh xong bị sót nhau rất đau bụng, nhưng y tá đứng ngay đó không hề đoái hoài, phải đến khi tôi làm ầm ĩ lên thì họ mới kiểm tra, và ngay lập tức cho gọi bác sĩ để phẫu thuật.”
“Khi con tôi được chuyển sang một bệnh viện khác, cháu vẫn đang phải thở oxy. Khi chuyển giao họ lấy thiết bị thở oxy về, nhưng bệnh viện tiếp nhận thì không chuẩn bị, cũng không kiểm tra, đến khi tôi nhìn thấy con có dấu hiệu khó thở mới báo với y tá thì họ mới đem ống thở oxy ra.
“Và chúng tôi cũng phải chờ 3 tiếng mới được vào bệnh viện.”
“Chảy máu nhiều hay sốt cao chưa chắc đã được ưu tiên”
Nhưng bác sĩ Brian Cung Dinh ở Canley Heights trong buổi trả lời phỏng vấn với SBS Việt ngữ đã không tỏ ra ngạc nhiên với những câu chuyện kể trên. Theo lời bác sĩ, 10 tiếng chờ đợi là “chuyện bình thường” vì khoa cấp cứu luôn phải ưu tiên cho những trường hợp nguy hiểm “cận kề cái chết”.
Trong hệ thống phân loại mức độ nguy cấp ở khoa cấp cứu, những triệu chứng cần phải được ưu tiên điều trị ngay lập tức bao gồm truỵ tim, khó thở, đau thắt ngực hoặc các chấn thương nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính mạng.
Những triệu chứng được xếp vào mức độ 3, tức là cần được điều trị trong vòng 30 phút bao gồm chảy máu nhiều do vết cắt, chấn thương nặng hoặc mất nước nghiêm trọng.
Còn những chấn thương nhẹ hoặc các biểu hiện bệnh ở mức độ nhẹ hơn như đau đầu, trật mắt cá chân, nổi ban, ho, sốt, được xếp ở mức độ ít ưu tiên nhất, phải ngồi chờ từ 1 – 2 tiếng để được bác sĩ thăm khám.
“Mặc dù theo hướng dẫn là chờ 2 tiếng, nhưng nếu khoa cấp cứu trong bệnh viện liên tục nhận những ca nghiêm trọng chuyển vào, thì bệnh nhân sẽ bị dồn lại, nên việc những người không bệnh quá nặng phải chờ lên đến 10 tiếng là bình thường,” bác sĩ Brian Cung Dinh nói.
“Tại khoa cấp cứu sẽ có một triage nurse (y tá phân loại) để đánh giá phân loại bệnh nhân. Nếu rơi vào mức độ 4 hoặc 5 nghĩa là không nghiêm trọng họ sẽ khuyên bệnh nhân về gặp bác sĩ gia đình, hoặc có thể ngồi chờ rất lâu như nhiều người đã phải trải qua.”
Gọi xe cứu thương có phải là một giải pháp để gặp được bác sĩ nhanh hơn?
Bác sĩ Brian Cung Dinh giải thích không phải cứ gọi xe cứu thương là được vào bệnh viện ngay. Trong trường hợp rõ nhất như bị tai nạn bất tỉnh hoặc chấn thương chảy máu, chắc chắn xe cứu thương sẽ đến, nhưng khi đó nhân viên cấp cứu cũng sẽ kiểm tra tình hình sức khỏe, nếu không khẩn cấp liên quan đến tính mạng thì khi đến khoa cấp cứu cũng phải đợi như thường.
“Gặp những trường hợp như khó thở, đau ngực, bị bất tỉnh thì chắc chắn xe cứu thương sẽ đến và được gặp bác sĩ, nhưng nếu chỉ là ho, sốt thì dù có gọi xe cứu thương họ cũng khuyên đi gặp GP.”
Một cách khác là sử dụng dịch vụ bác sĩ gia đình sau giờ làm việc. Hiện nay tất cả GP hoặc cơ sở y tế bác sĩ gia đình đều có trách nhiệm phải cung cấp dịch vụ khám bệnh sau giờ làm việc, do đó cần giữ số liên lạc sau giờ làm việc của bác sĩ gia đình trong trường hợp cần thiết.
“Nhưng tất nhiên chúng ta không nên chủ quan và chỉ dựa vào mỗi bác sĩ gia đình. Nếu thấy triệu chứng nguy cấp như sốt cao co giật, khó thở, đau ngực thì phải gọi xe cứu thương ngay.”
Bác sĩ Brian Cung Dinh có lời khuyên đến các gia đình là trong thời gian chờ đợi ở khoa cấp cứu, nếu thấy triệu chứng có dấu hiệu thay đổi thì ngay lập tức phải báo cho người y tá, đặc biệt khi có một số dấu hiệu như khó thở, cổ tê cứng hoặc tay chân tê cứng.
“Đặc biệt đối với trẻ em khi sốt rất dễ bị lên cơn co giật, nếu là lần đầu tiên bị co giật thì chắc chắn phải đến bệnh viện cấp cứu.
“Tuy vậy mọi người cũng nên tự trang bị cho mình những kiến thức căn bản về các biểu hiện nguy hiểm đến tính mạng, bằng cách nói chuyện với GP để có thêm kiến thức, tránh cho mình việc lúc nào cũng phải vào khoa cấp cứu phải chờ đợi rất mệt mỏi.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại