Có thể bị nhiễm COVID-19 nhiều lần hay không? Khi nào thì nên tiêm mũi vắc-xin tăng cường?

Hơn một triệu người Úc đã bị nhiễm COVID-19, vậy trong tương lai họ có bị nhiễm trở lại hay không? Nên đợi bao lâu sau khi nhiễm thì mới tiêm mũi tăng cường? Sau đây là lời khuyên của các chuyên gia y tế.

A man wearing a face mask scans a COVID-19 check in QR code in Sydney.

Source: Getty Images/Jason McCawley

Tôi vừa hồi phục sau khi nhiễm COVID-19. Liệu tôi có khả năng bị nhiễm trở lại hay không?

Việc nhiễm trùng giúp cơ thể bạn tạo ra các kháng thể chống lại SARS-CoV-2. Khả năng miễn dịch là cao nhất ngay sau khi khỏi bệnh, khi bộ nhớ của tế bào về sự lây nhiễm và các kháng thể trung hòa ở mức mạnh nhất.

“Một người đã chủng ngừa và sau đó bị nhiễm Omicron sẽ tăng khả năng miễn dịch theo cách tương tự như khi tiêm liều vắc-xin thứ ba,” Giáo sư Miles Davenport, người đứng đầu Chương trình Phân tích Nhiễm trùng của Viện Kirby cho biết.

“Chúng tôi hy vọng sự tăng cường khả năng miễn dịch này sẽ cung cấp mức độ bảo vệ cao trước biến thể Omicron trong một thời gian dài, có thể lên đến 12 tháng.”

Các chuyên gia ước tính Omicron hiện chiếm tới 90% các ca nhiễm COVID-19 trên toàn quốc. Nhưng do có quá nhiều người mắc bệnh và sự chậm trễ của việc giải trình tự gen, nhiều người sẽ không biết liệu họ đã nhiễm chủng Omicron hay Delta.

“Việc nhiễm một biến thể thường cung cấp một mức độ bảo vệ nhất định khỏi các biến thể khác,” Giáo sư Davenport nói.

“Do đó, việc nhiễm Omicron sẽ cung cấp sự bảo vệ mạnh nhất chống lại [việc tái nhiễm] Omicron – và sự bảo vệ yếu hơn chống lại các biến thể khác.”

Nghiên cứu gần đây từ Nam Phi cho thấy những người đã hồi phục sau khi nhiễm biến thể Omicron, thì có nhiều cơ hội chống lại biến thể Delta hơn.

Khảo sát do Viện Nghiên cứu Sức khỏe Châu Phi thực hiện cho thấy khả năng vô hiệu hóa biến thể Delta của những người tham gia tăng hơn gấp bốn lần. Tuy nhiên, công trình này vẫn chưa được bình duyệt.

Nhà dịch tễ học Mary-Louise McLaws, người tư vấn cho Tổ chức Y tế Thế giới về COVID-19, nói rằng bạn sẽ không bị tái nhiễm với bất kỳ biến thể nào trong vòng ba tháng sau khi hồi phục.

Đó là bởi vì các kháng thể trung hòa đạt mức cao nhất trong thời kỳ đó, trước khi bắt đầu suy yếu.

“Với Omicron và Delta, có lẽ chúng ta sẽ không có kháng thể vĩnh viễn,” bà nói.
A health worker is seen as members of the public are seen queuing in their cars at a drive-through COVID-19 testing site at IPC Health Wyndham Vale, in Melbourne, Wednesday, December 29, 2021.
Source: AAP

Sự bảo vệ sẽ kéo dài bao lâu?

Giáo sư Steven Tong, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm từ Viện Doherty, ước tính những người gần đây đã hồi phục sau khi nhiễm Omicron “có mức độ bảo vệ khá cao” trong ít nhất ba tháng.

“Còn quá sớm với Omicron, chúng tôi không thực sự biết được,” Giáo sư Tong nói.

“Mặc dù tôi có thể suy đoán rằng bạn sẽ được bảo vệ, nhưng chúng tôi không biết chắc về điều đó.”

Tại NSW, những người đã nhiễm virus và hồi phục trong vòng một tháng thì không cần phải cách ly nếu họ là người tiếp xúc gần. 

“Những người đã khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm thấp trong 28 ngày sau khi hết cách ly, vì hầu hết mọi người đã phát triển một số khả năng miễn dịch,” trang mạng của Bộ Y tế NSW cho biết.

Nhưng vấn đề lớn hơn là liệu sẽ có một biến thể khác có khả năng tránh được các kháng thể đã có từ trước hay không? Và nếu có thì khi nào?

“Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong sáu tháng tới,” Giáo sư Tong nói.

“Những người đã bị nhiễm Omicron, bạn không thể nói liệu họ có thể bị tái nhiễm với một biến thể khác hay không – nhưng về mặt lý thuyết thì có.”

Khi nào thì nên tiêm mũi vắc-xin tăng cường?

Ngay cả khi đã từng bị nhiễm COVID-19, các chuyên gia y tế khuyên người dân vẫn nên tiêm mũi tăng cường.

Giáo sư McLaws khuyên bạn nên đợi ba tháng sau khi khỏi bệnh để tiêm mũi tăng cường, vì đó là lúc các kháng thể trung hòa bắt đầu suy yếu.

Tuy nhiên, Giáo sư Tong lại cho rằng nên tiêm càng sớm càng tốt.

“Nếu bạn đã hồi phục sau tình trạng bệnh cấp tính, giả sử đã hai hoặc ba tuần và bạn đã trở lại bình thường, thì đó là thời điểm thích hợp để tiêm mũi thứ ba,” ông nói.

Ông nhấn mạnh rằng ngay cả những người đã khỏi bệnh vẫn nên tiêm liều tăng cường, vì nó sẽ giúp bảo vệ chống lại sự tái nhiễm và nhập viện trong tương lai.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share
Published 19 January 2022 1:27am
By Đăng Trình

Share this with family and friends