Highlights
- Đường Marrickville, đoạn nằm giữa đường Livingstone và Victoria, tại vùng Marrickville, sẽ được gọi là ‘Một nước Hy lạp nhỏ’, nhằm đánh dấu di sản của di dân Hy Lạp trong vùng.
- Hội đồng thành phố Inner West đang bắt đầu những cuộc tham vấn với đại diện cộng đồng Việt Nam tại Marrickville về việc thành lập một hình ảnh Việt Nam thu nhỏ trên một đoạn đường thuộc đường Illawarra.
- Nhiều người Việt trong vùng đang hân hoan chờ đợi được hội đồng địa phương hỏi ý kiến về việc chính thức công nhận một con đường nội ô trở thành quê hương Việt Nam thu nhỏ.
Cabramatta và Bankstown lâu nay được biết là hai khu vực thủ phủ của người Việt tại thành phố Sydney, nơi xảy ra nhiều hoạt động văn hoá, lễ hội và sự kiện kỷ niệm quan trọng trong cộng đồng. Marrickville là một vùng gần trung tâm thành phố cũng có đông đúc người Việt sinh sống.
Báo Sydney Morning Herald hồi tháng Hai cho hay Hội đồng thành phố Inner West đã bỏ phiếu để thông qua quyết định công nhận “Nước Hy lạp Nhỏ” dọc theo đường Marrickville, và sẽ tổ chức một sự kiện của cộng đồng vào Ngày Độc lập của Hy Lạp vào ngày 25/3 tới đây để chúc mừng một con đường của Hy Lạp trong lòng thành phố.
Tác giả bài báo dẫn lời Thị trưởng Hội đồng thành phố Inner West, ông Darcy Byrne nói khu vực ‘Hy Lạp Nhỏ’ là một "cử chỉ tôn trọng" đối với tất cả những di dân Hy Lạp, đã giúp xây dựng Marrickville trở thành một trong những "khu vực nội thành thú vị nhất trên trái đất".
Bài báo cũng cho biết hội đồng thành phố Inner West đang bắt đầu những cuộc tham vấn với đại diện cộng đồng Việt Nam tại Marrickville về việc thành lập một hình ảnh Việt Nam thu nhỏ trên một đoạn đường thuộc đường Illawarra.
Nỗ lực xiển dương và ủng hộ một hình ảnh đa dạng cho nội ô Tây Sydney
Hội đồng thành phố Inner West đã từng bỏ phiếu ra quyết định thành lập khu vực ‘Bồ Đào Nha Nhỏ’ tại vùng Petersham và một nước Ý nhỏ tại vùng Leichhardt.
Chẳng hạn khi viếng thăm Petersham, du khách sẽ nhận thấy nét văn hoá của Bồ Đào Nha được trân trọng qua những bức tượng đặt trên đường phố, những quán ăn bán món gà nướng đặc trưng của người dân nước này, và kiến trúc cũng như trang trí theo thẩm mỹ của di dân Bồ Đào Nha.
Còn khi đến Leichhardt, người ta sẽ cảm thấy đang du ngoạn đến một nước Ý thu nhỏ, khi bước vào Italian Forum, ăn món kem Ý nổi tiếng hoặc thưởng thức cà phê tại các nhà hàng Ý dọc theo đường Norton.
Bây giờ đã đến lúc Marrickville tham gia vào cuộc xiển dương văn hoá này.
Tác giả bài báo trích lời Thị trưởng Hội đồng thành phố Inner West nói các cơ sở kinh doanh của người gốc Hy Lạp và Việt Nam chiếm ưu thế dọc theo đường Marrickville và Illawarra. Đó là những trung tâm của bản sắc cộng đồng của hai nền văn hoá này và là thế mạnh kinh tế lớn lao cho địa phương.
Dữ liệu về dân số mới nhất năm 2016 cho biết 8,8% người dân Marrickville nói nguồn gốc của họ là Hy Lạp, 24,4% người Marrickville có gốc gác Anh quốc, 11,9% gốc Ireland, 7,5% gốc Việt Nam và 6,1% gốc Trung Quốc.
Kế hoạch của hội đồng thành phố Inner West là sẽ công nhận và tôn vinh nền ẩm thực, nghệ thuật và kiến trúc của các cộng đồng di dân đóng góp vào sự đa dạng của vùng đất, qua sự cây dựng một hình ảnh thu nhỏ của mỗi quốc gia tại địa phương.
Cảm nghĩ của cư dân Marrickville gốc Việt như thế nào?
Tờ Sydney Morning Herald trích lời của bà Phạm Tường-Vi, Giám đốc điều hành một tổ chức cộng đồng tại Inner West nói bà ủng hộ việc thành lập khu vực Hy Lạp Nhỏ, nhưng các cộng đồng khác cũng xứng đáng được công nhận.
‘Nước Úc là một đất nước đa văn hóa và không có khu vực thuần chủng của một sắc tộc nào’.
Bà Tường-Vi nói dù được công nhận chính thức hay không thì Marrickville vẫn là một trong những “trung tâm” của cộng đồng người Việt tại Sydney, bên cạnh Cabramatta và Bankstown. Bà nói:
‘Việc ghi nhận sự đóng góp của các cộng đồng sắc tộc sẽ giúp tăng thêm sự hiểu biết và sự đa dạng sẽ được đánh giá cao. Điều này thúc đẩy sự gắn kết trong xã hội và làm giàu hơn cho nước Úc chúng ta’.
Còn ông Trịnh Vân, Chủ tịch Hội Cao niên người Việt tại NSW từ năm 1983, và cũng là một người dân tại Marrickville, nói ông sẽ rất vui nếu nền văn hoá, từ ẩm thực, nghệ thuật đến kiến trúc của Việt Nam được vinh danh và trình diễn trên con đường Illawarra. Ông cho biết người Việt đã chọn Marrickville và đã cống hiến cho sự giàu có, thịnh vượng của khu vực này trong suốt 40 năm qua. Cộng đồng Việt Nam xứng đáng được công nhận và tuyên dương.
Còn bà Nguyễn Thị An đã sống tại Marrickville hơn 32 năm. Bà nói nếu có những hình ảnh thân thuộc của Việt Nam trên con đường Illawarra, như kiến trúc Việt Nam, quán ăn Việt Nam, và các sự kiện văn hoá Việt Nam được tổ chức thường xuyên, thì sẽ thu hút thêm nhiều du khách đến với Marrickville và sẽ khiến cho con đường này ngày càng sầm uất.
Những người Việt khác trong đó có cô Nguyễn Như Ý, một phụ huynh sống tại Marrickville đã hơn 10 năm nói cô và nhiều người gốc Việt khác tại Marrickville hoan nghênh ý định của hội đồng thành phố và họ đều đang chờ đợi được tham dự những buổi tham vấn hỏi ý kiến cộng đồng về những ý tưởng để xây dựng một quê hương Việt Nam thu nhỏ trong nội ô Tây Sydney.