Một phụ nữ nội trợ ở Sydney, bà Janet Lee (*), người đã phải đến cơ sở thẩm mỹ để điều trị trong suốt 8 năm qua.
Người phụ nữ 51 tuổi này phải thường xuyên được tiêm thuốc để làm giảm đau và giảm sưng hai bàn tay. Nếu không, hai bàn tay bà sẽ sưng to kèm đau nhức và không thể làm việc nhà được.
“Mỗi tháng tay tôi lại sưng và đi kèm đó là cơn đau khủng khiếp. Vì mình phải làm việc nhà, nên cực kỳ khó chịu, do đó tôi phải tiêm thuốc thường xuyên để làm giảm đau và giảm sưng,” bà Lee nói với SBS Korean.
Biến chứng này là do hậu quả của một cuộc phẫu thuật thẩm mỹ thất bại bà thực hiện hồi 8 năm trước.Năm đó, một người quen đã giới thiệu bà Lee đến một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ người Hàn Quốc, vị bác sỹ này đến Úc dưới dạng visa du lịch.
Source: SBS
Bà đã được tiêm dermal filler – tiêm làm đầy vùng da và xóa các nếp nhăn – vào phần trán, dưới mắt và cả hai tay. Cuộc phẫu thuật được thực hiện ở một ngôi nhà riêng vùng Strathfield – vùng ngoại ô Sydney có rất nhiều người Hàn Quốc sinh sống.
“Ban đầu, tôi không có ý định làm bất cứ thứ gì. Hôm đó, một người quen nói với tôi bà ấy đã tiêm filler và trông rất đẹp. Rồi bà ấy khuyến khích tôi làm thử, và đột nhiên tôi cảm thấy tôi cũng cần phải làm,” bà Lee nói.
Biến chứng 3 tháng sau khi làm thủ thuật
Thời gian đầu mọi thứ dường như rất ổn.
Tuy nhiên, sau 3 tháng, hai bàn tay của bà bắt đầu sưng lên và biến chứng lan ra những vùng khác, những chỗ bà đã bơm filler.
“Mặt của tôi sưng to khủng khiếp. Tôi rất kinh hoàng và không thể đi đâu. Khi tôi có một khối u giữa trán thì lúc đó thực sự là tôi không biết phải làm gì nữa.”
Người thực hiện tiêm filler cho bà Lee là một nam bác sỹ người Hàn Quốc khoảng 60 tuổi, được gọi là Bác sĩ Kwon.
Ngay sau khi chỗ sưng xuất hiện, bà lập tức liên lạc với bác sĩ Kwon qua người quen.
Khi bà đến gặp vị bác sĩ này với vết sưng nghiêm trọng, ông ta rõ ràng bối rối và không biết phải làm sao, bà nói. Ông ta đã thử vài cách chữa trị nhưng không hề có tiến triển.
Khi đến hạn phải về nước, ông Kwon đã để lại cho người bệnh nhân xấu số của ông một túi lớn những loại thuốc của Hàn Quốc với chỉ dẫn uống hàng ngày. Ông cam đoan rằng bà sẽ sớm khỏi.
Bà Lee đã dùng thuốc trong 6 tháng nhưng chỗ sưng trên trán vẫn không bớt và bà lại bị triệu chứng mới: đi tiểu thường xuyên hơn.
“Tôi đến gặp bác sĩ gia đình Hàn Quốc. Tôi cho bác sĩ xem những loại thuốc mà ông Kwon đưa cho tôi. Tôi được biết những loại thuốc này là một loại steroid và khi dùng steroid trong thời gian dài, bạn sẽ bị bệnh thận.”
Janet Kim's forehead with inflammation Source: SBS
‘Bác sĩ Kwon’ thậm chí không phải bác sĩ
Bà Lee đã nghi ngờ về bằng cấp của ông Kwon nên đã tìm hiểu, và đã phát hiện ra ông ta không phải bác sĩ.
“Tôi tìm thấy nơi ông ta làm việc khi còn trẻ là ở một cơ sở thẩm mỹ ở Hàn Quốc, nhưng ông ta chỉ là một quản lý văn phòng, không phải bác sĩ. Có thể bằng cách nào đó ông ta đã học được cách tiêm filler và bắt đầu hành nghề.”
Khi vị bác sĩ ở Úc thấy số lượng thuốc mà bà Lee dùng, ôngnói rằng bà đã rất may mắn vì không bị sốc thuốc.
Medication that Janet Kim got from so called Dr Kwon Source: SBS
Loại filler vĩnh viễn trái phép được tìm thấy trên trán của bà Lee
Vất vả tìm cách chữa chạy cho những biến chứng đau đớn và khó coi từ sau thủ thuật tiêm filler bị thất bại, bà Lee cuối cùng cũng đã tìm đến một cơ sở thẩm mỹ nơi bà nhận được thông tin còn khủng khiếp hơn.
“Cơ sở của Úc đã tiến hành xét nghiệm sinh thiết trên trán tôi. Và họ phát hiện ra loại filler họ đã tiêm vào là filler công nghiệp vĩnh viễn không được phép sử dụng trên cơ thể người ở Úc.”
Những loại filler được dùng ở Úc có thể được loại bỏ bằng cách tiêm một chất hòa tan. Tuy nhiên đối với loại filler vĩnh viễn thì không có cách nào loại bỏ nó bằng phương pháp y khoa tiên tiến nhất. Cách duy nhất để chữa vết sưng do filler vĩnh viễn là tiêm loại thuốc giảm đau và sưng tạm thời mỗi tháng từ giờ đến suốt cuộc đời, phần trán và phần dưới mắt phải được tiêm mỗi 6 tháng.
Lần phẫu thuật thất bại ấy còn dẫn tới nhiều vấn đề về tinh thần nghiêm trọng.
“Mỗi sáng thức dậy thấy mình trong gương để kiểm tra có bất kỳ biến dạng nào không. Mọi người không nhắc đến bất kỳ điều gì trên mặt tôi, nhưng tôi biết có gì đó khác trên mặt tôi. Tôi không thể nhìn thẳng vào người đối diện khi nói chuyện vì tôi cảm giác như họ đang nhìn vào mặt tôi.”
Đã 8 năm trôi qua kể từ lần tiêm filler ấy nhưng bà Lee có cảm giác chuyện đó vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Bà vẫn không cảm thấy thoải mái khi nói về quyết định đã dẫn bà đến tình trạng như thế này.
‘Bác sĩ dỏm’ trở về Hàn Quốc và lẩn trốn
Khi những biến chứng của bà ngày càng trở nên nghiêm trọng, bác sĩ Kwon đã thông báo rằng visa của ông sắp hết hạn và ông phải trở về Hàn Quốc. Ông hứa với bà Lee ông sẽ trả lại chi phí y tế, nhưng ngay khi trở về Hàn Quốc, ông ta đã lập tức đổi số điện thoại và bà không bao giờ liên lạc được ông ta nữa.
“Tìm kiếm ông ta là chuyện rất khó vì chúng tôi sống ở đây. Chúng tôi không thể bỏ việc và đi tìm ông ta. Thêm nữa, ông ta đã cố tình trốn thì tôi nghĩ cũng không có cách nào tìm ra ông ta.”
Bà Lee nói bà đã trả hơn $2,000 cho mỗi phần tiêm filler. Sau đó bà biết được bà đã bị lợi dụng.
“Tôi trả $2,000 - $2,500 cho mỗi vùng tiêm trên cơ thể, nhưng ở Úc chỉ có $700 thôi.”
Bà cũng phát hiện ra người quen của bà, người đã giới thiệu bà với ông Kwon, là một người môi giới chuyên đi săn lùng những nạn nhân như bà.
“Lúc đó tôi không biết nhưng giờ tôi nghĩ rằng bà ta là môi giới. Bà ta có vẻ như đã nhận hoa hồng từ chi phí tôi phải trả cho ông Kwon.”
Bà Lee biết việc làm phẫu thuật thẩm mỹ tại nhà riêng là điều không đúng. Nhưng tại sao bà lại có lựa chọn đó?
“Thứ nhất là nó dễ. Rất phức tạp khi đến phòng khám thẩm mỹ ở Úc. Hầu hết những người đến phòng khám tư đều khá lớn tuổi. Họ thường khoảng 50, 60 hoặc thậm chí 70 tuổi,” bà nói. “Họ không dự tính sửa sang nhiều. Một số người thân đã đề nghị họ làm và có quyết định chỉ trong nháy mắt.”
Thêm nữa, bà Lee nói bà cảm thấy thoải mái khi được làm bởi bác sĩ Hàn Quốc vì là một di dân, tiếng Anh của bà rất hạn chế.
Bà Lee không chỉ là người duy nhất bị những biến chứng từ phẫu thuật thất bại. Một người bạn của bà cũng làm tiêm filler cùng với bà Lee cũng đã than phiền. Bà phải trả tiền để làm thẳng mũi sau khi tiêm filler.
Những cơ sở làm đẹp trái phép xuất hiện ở các cộng đồng Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam
Bác sĩ Peter Kim là một bác sĩ phẫu thuật người Úc gốc Hàn đã làm việc ở Úc khoảng 10 năm.
Bác sĩ này là chuyên gia trong lĩnh vực phẫu thuật thẩm mỹ cho khách hàng châu Á. Ông nói ông thấy rất nhiều người đến từ cộng đồng di dân ở Úc phải chịu những tác dụng phụ từ phẫu thuật thẩm mỹ trái phép.
“Là một người châu Á và chuyên về phẫu thuật thẩm mỹ cho người châu Á, tôi đã thấy khá nhiều bệnh nhân gặp biến chứng sau khi làm phẫu thuật, trong đó có nhiều người Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.”
Bác sĩ Kim thấy ít nhất 2 đến 3 bệnh nhân phải chịu biến chứng một năm trời. Đã từng có trường hợp tệ hơn ông phải chữa trị cho một bệnh nhân suốt 1 tháng trời.
SBS Hàn Quốc phát hiện ra những bác sĩ bay từ Hàn Quốc đến Úc để hành nghề tại Úc và họ mở rộng thị trường tới các cộng đồng sắc dân khác như Trung Quốc và Việt Nam. ‘Những tay môi giới’, giống như người đã tạo áp lực cho bà Lee, rất năng động trong việc quảng bá đến các cộng đồng mà ngôn ngữ là rào cản.
Những người môi giới thường sử dụng ứng dụng Wechat hoặc một số ứng dụng tin nhắn tiếng Hoa và tiếng Việt khác. Họ sử dụng sự nổi tiếng của các ngôi sao Hàn và danh tiếng của ngành phẫu thuật thẩm mỹ Hàn Quốc để dụ dỗ con mồi.
Rào cản ngôn ngữ là nguyên nhân chính
Bác sĩ Kim tin rằng thành công của ngành làm đẹp bất hợp pháp trong cộng đồng người di dân có thể có sự góp phần của rào cản ngôn ngữ.
“Đầu tiên là do có nhiều người muốn làm đẹp. Nhưng tôi cho rằng nguyên nhân chính là rào cản ngôn ngữ vì họ thường không nói tiếng Anh tốt,” bác sĩ Kim giải thích.
“Họ có sự lo lắng khi phải đến những phòng khám chính mạch để được chữa trị đúng cách. Do đó họ thường phụ thuộc vào người quen, những người có thể nói chung ngôn ngữ và cuối cùng đi đến quyết định tại các cơ sở trái phép. Đồng thời chiến lược đa cấp cũng thường được sử dụng để tìm bệnh nhân.”
Bác sĩ Kim cũng chỉ ra rằng những bệnh nhân tin rằng những chuyên gia đó là các bác sĩ có đăng ký tay nghề ở Hàn Quốc,
“Luật Úc ghi rõ nếu không có chứng chỉ của Úc thì không được hành nghề ở Úc. Sẽ hoàn toàn là bất hợp pháp thậm chí đối với bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ giỏi nhất của Hàn đi hành nghề ở Úc vì họ không có giấy phép hành nghề ở đây.”
Bác sĩ Kim cũng nhấn mạnh nếu có biến chứng xảy ra khi làm với bác sĩ nước ngoài, rất khó để theo dõi chữa trị tiếp.
Di dân thường bị nhắm làm đối tượng của các cơ sở thẩm mỹ trái phép vì những lý do sau:
- Cảm thấy thoải mái khi nói ngôn ngữ mẹ đẻ.
- Tôn trọng và tin tưởng và kỹ năng thẩm mỹ tiên tiến ở Hàn Quốc, do sự nổi tiếng trên thế giới của các ngôi sao K-Pop và K-Drama.
- Ít rủi ro trong chuyện bị báo cáo với nhà chức trách ở Úc do ngôn ngữ hạn chế.
- Khoảng cách địa lý giữa hai quốc gia và di dân bận rộn không thể đủ thời gian và tiền bạc để đến Hàn Quốc truy tìm những bác sĩ này.
Và trên hết, đây là lĩnh vực đầy lợi nhuận.
Nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, bà Lee, nói ngành công nghiệp này vẫn rất hấp dẫn cho những người làm và vẫn xảy ra lén lút trong các cộng đồng di dân Úc.
“Họ kiếm được rất nhiều tiền và họ sẽ không bỏ cuộc. Như mọi người thấy, rất đắt đỏ và họ không thể kiếm được ngần ấy nếu quay về Hàn Quốc. Và người dân ở đây dễ chịu hơn nên họ cứ tiếp tục làm đến khi nào có thể.”
(*tên nhân vật đã được thay đổi)