Lao động từ lâu đã phản đối visa bảo vệ tạm thời (temporary protection visa) vì cho rằng đây là một quy trình tốn kém, quan liêu và không cần thiết.
Visa này đã bị cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd thuộc đảng Lao động bãi bỏ vào năm 2008, và sau đó được Liên đảng thiết lập trở lại vào cuối năm 2013.
Ông Morrison nói rằng quan điểm của Lao động cho thấy họ đã “không học hỏi được điều gì trong việc bảo vệ biên giới”.
“Vào tháng 8/2008, ông Kevin Rudd đã bãi bỏ visa bảo vệ tạm thời,” ông nói với các phóng viên ở Perth.
“Hành động này đã bật đèn xanh cho những thất bại trong việc bảo vệ biên giới của Đảng Lao động.”
Thủ lãnh đối lập Anthony Albanese hôm Chủ nhật nói rằng ông ủng hộ visa này, nhưng sau đó đã cải chính và khẳng định lập trường của Lao động.
“Chính sách của Lao động là ủng hộ Chiến dịch Sovereign Borders,” ông nói.
“Chúng tôi ủng hộ việc giải quyết hồ sơ visa ở nước ngoài, chúng tôi ủng hộ việc tái định cư ở một nước thứ ba, chúng tôi không ủng hộ visa bảo vệ tạm thời.”
Visa bảo vệ tạm thời được cấp cho những người xin tị nạn đến Úc mà không có visa hợp lệ, và cho phép họ làm việc, học tập và nhận hỗ trợ của Centrelink, cũng như ở lại Úc trong 3 năm.
Các tầm trú nhân cũng có thể đăng ký xin Safe Haven Enterprise Visa, cung cấp sự bảo vệ trong 5 năm nếu họ làm việc hoặc học tập ở vùng nông thôn.
Thế nhưng Lao động cho rằng những người này nên được cấp visa thường trú để được ở lại Úc vĩnh viễn.
Giám đốc điều hành Refugee Council of Australia, ông Paul Power cho biết khoảng 18,000 người giữ visa tạm trú tại Úc đã bị bỏ mặc “trong tình trạng bấp bênh” vì các điều kiện của visa này.
“Đằng sau chính sách visa bảo vệ tạm thời của chính phủ là rất nhiều bi kịch về con người và gia đình của những người bị chia cắt khỏi vợ chồng và con cái của họ,” ông nói với SBS News.
Ông nói rằng “không có bằng chứng nào” cho thấy chính sách này giúp ngăn cản những người xin tị nạn đến Úc thông qua những con đường bất hợp pháp.
Giám đốc điều hành Asylum Seeker Resource Centre, ông Kon Karapanagiotidis, nói thêm rằng những người giữ visa bảo vệ tạm thời khi cố gắng xin visa thường trú thì tiếp tục gặp phải sự cản trở của chính phủ liên bang, ngay cả khi đã chuyển đến sinh sống tại các khu vực nông thôn.
“Không có bằng chứng nào cho thấy chính sách này có tác dụng gì ngoại trừ việc làm tổn thương các gia đình,” ông nói với SBS News.
“Tất cả những gì nó làm là giành lấy phiếu bầu và tạo ra nỗi sợ hãi.”
Mô hình bảo vệ biên giới của Úc được áp dụng ở Vương quốc Anh
Thủ tướng Morrison đã ca ngợi cách tiếp cận của chính phủ đối với an ninh biên giới và nói rằng “các quốc gia khác đang học theo cách tiếp cận thành công của Úc”.
“Chúng tôi đã mở chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới và đây là một trong những chính sách bảo vệ biên giới thành công nhất ở bất kỳ đâu trên thế giới,” ông nói.
Chiến dịch Sovereign Borders được triển khai dưới thời chính phủ Abbott vào năm 2013, theo đó những chuyến tàu trái phép đến Úc sẽ bị tàu hải quân bắt quay đầu trở lại, nhằm ngăn chặn những kẻ buôn người.
Bên cạnh đó, các hồ sơ xin tị nạn sẽ được giải quyết ở các cơ sở trên đảo Nauru và Manus ở phía bắc Papua New Guinea.
Liên đảng khẳng định chính sách này đã giúp chấm dứt việc 12,000 người bị thiệt mạng trên biển từ năm 2007 đến 2013, khi chính phủ Lao động nắm quyền.
Vương quốc Anh hiện đã áp dụng một mô hình gây tranh cãi tương tự và đưa những người tị nạn đến Rwanda, trong một nỗ lực nhằm phá vỡ các mạng lưới buôn người.
Những người tầm trú sẽ được đưa đến các nhà trọ hoặc khách sạn tại Rwanda trong khi chờ hồ sơ xin tị nạn của họ được xem xét.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại