Chính phủ hiện đang phải đối mặt với gần một triệu hồ sơ tồn đọng của nhiều loại visa khác nhau, nguyên nhân bắt nguồn từ việc đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19.
Bộ Nội vụ đã đầu tư nguồn lực và điều động thêm nhân viên để giải quyết tình trạng này.
Tổng trưởng Nội vụ Clare O’Neil xác nhận kế hoạch của họ là sẽ ưu tiên những ứng cử viên có tay nghề cao từ nước ngoài, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục và chăm sóc người cao niên.
“Ưu tiên thực sự đối với tôi là chúng tôi có thể làm gì trong những hạn chế của hệ thống để nhanh chóng giải quyết vấn đề tồn đọng đó,” bà nói với đài ABC hôm thứ Tư.
“Chúng tôi sẽ ưu tiên những người ở nước ngoài muốn đến đây làm việc, và giải quyết những hồ sơ đó càng sớm càng tốt.”
Phó Giáo sư Anna Boucher thuộc Đại học Sydney cho biết phản ứng của chính phủ chỉ là bước đầu.
“Đó chỉ là một giọt nước trong đại dương, khi chúng ta nói về gần một triệu hồ sơ tồn đọng, và chúng ta cần nửa triệu người lao động khi tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm xuống,” bà nói với .
Thượng nghị sĩ O’Neil thừa nhận đây chỉ là một biện pháp ngắn hạn, nhưng cho biết chính phủ sẽ thảo luận về những thay đổi đối với chương trình di trú nhằm giải quyết những thách thức lâu dài tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 1-2 tháng Chín.
Bà O’Neil cũng nhấn mạnh rằng Úc vẫn sẽ duy trì chính sách quay đầu thuyền tị nạn, sau khi có những lo ngại rằng người dân Sri Lanka có thể liều mạng đến Úc bằng thuyền, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế ở nước này đang ngày càng trở nên tồi tệ.
“Điều quan trọng nhất mà tôi có thể làm ở vị trí của mình là nhắc lại rằng chiến dịch bảo vệ chủ quyền biên giới là chính sách của chính phủ Úc,” bà nói.
“Đừng bước lên thuyền và nghĩ rằng bạn có thể bắt đầu cuộc sống mới ở Úc – thuyền của bạn sẽ bị quay đầu.”
Hội nghị thượng đỉnh tháng Chín sẽ có sự tham dự của các nghiệp đoàn, chủ doanh nghiệp, các nhóm xã hội dân sự và đại diện của các chính phủ, tập trung vào vấn đề di trú.
Giáo sư Boucher cho biết điều quan trọng là phải tìm ra điểm chung trong cuộc tranh luận, “nếu không có thể làm tăng khuynh hướng bài ngoại”.
Sẽ thật tốt nếu chúng ta có thể vẽ ra một bức tranh chi tiết hơn và nâng cao nhận thức về chương trình di trú – tầm quan trọng của nó cũng như một số vấn đề phức tạp.
Phòng Thương mại Úc đã kêu gọi chính phủ tiếp nhận 200.000 di dân mỗi năm nhằm giúp nước Úc phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Tổng trưởng Ngân khố Jim Chalmers cho biết tình trạng thiếu hụt lao động là một trở ngại kìm hãm nền kinh tế.
“Tập trung vào người lao động có tay nghề mà nền kinh tế đang cần trong số những người nộp đơn xin visa, tôi nghĩ là một quyết định thông minh,” ông nói với các phóng viên.
“Nhưng chúng ta không nên nghĩ rằng di dân có thể thay thế cho một số việc khác mà chúng ta cần làm để xây dựng lực lượng lao động lớn hơn, làm việc hiệu quả hơn, có kỹ năng tốt hơn với mức lương cao hơn ở đất nước này.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại