Bộ Di Trú Úc phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam (MOLISA) hứa hẹn thực hiện chương trình visa 462 Lao động kết hợp Kỳ nghỉ, cho phép 200 công dân Việt Nam trẻ tuổi bắt buộc có trình độ đại học và kỹ năng tiếng Anh có cơ hội trải nghiệm làm việc và du lịch ở Úc.
Nhiều công dân Việt Nam từ 18 đến 30 tuổi đang mong chờ một trong 200 chiếc vé đến Úc du lịch và làm việc với Work and Holiday Visa (subclass 462) được hứa hẹn có hiệu lực trong tháng 7/2016 vừa qua.
Visa này chỉ dành cho công dân của một số quốc gia có ký thỏa thuận với Úc và số lượng hạn chế.
Visa 462 thu hút kẻ gian
Nhưng đến nay, thông tin từ website chính thức của Bộ Di Trú Úc chưa tiếp nhận hồ sơ của công dân Việt Nam.
Trang mạng của Tòa Đại Sứ Úc tại Việt Nam cho biết, họ đã được thông tin về các gian lận liên quan đến loại visa này ở Việt Nam.
Theo đó, các đối tượng gian lận thường chào mời sẽ giúp người nộp hồ sơ có được visa 462 Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ, đổi lại, người có visa sẽ phải trả thù lao cho họ.
Những kẻ lừa đảo thường tìm đến quý vị một cách hoàn toàn bất ngờ qua nhiều hình thức, chào mời để giúp xin visa.
Tương tự với những vụ lừa đảo visa khác, những kẻ này có thể nói rằng họ quen biết ai đó đang làm việc cho Tòa Đại sứ hoặc Tòa Lãnh sự Úc ở Việt Nam, hoặc giả danh ‘đại lý dịch vụ có đăng ký’ hoặc ‘cơ quan dịch vụ về hồ sơ xin visa Úc’.
Các đối tượng gian lận cũng có thể lừa gạt làm quý vị tin rằng họ là người thật bằng cách tỏ ra là nhân viên của một cơ quan chính phủ Úc, hoặc dùng các trang mạng giống như các trang mạng chính thức của chính phủ.
Các đối tượng hoạt động bất hợp pháp này thường tư vấn không chính xác, khuyến khích sự gian dối trong hồ sơ di trú, và không cung cấp các dịch vụ như họ đã hứa hẹn.
Nghiêm trọng hơn, những kẻ lừa đảo này lừa gạt tiền bạc, đánh cấp thông tin cá nhân và thông tin tài chánh của quý vị để làm những chuyên xấu xa khác có thể dẫn đến những hậu quả tệ hại hơn.
Những dấu hiệu cần cảnh giác
- Hoàn toàn bất ngờ nhận được chào mời, và hứa hẹn ‘chắc chắn’ giúp xin được visa Úc
- Chào mời được gửi qua thư điện tử, thư tín, điện thoại, trang mạng hoặc thậm chí là gặp mặt trực tiếp
- Những kẻ lừa đảo hay dùng những từ như ‘đây là cơ hội ngàn năm có một’, hoặc ‘cơ hội duy nhất’ để đi thăm hoặc di cư sang Úc
- Yêu cầu người nộp hồ sơ trả tiền ngay để ‘đăng ký’ xác nhận muốn xin visa
- Thu tiền trực tiếp thay vì đóng tiền cho Bộ Di Trú (DIBP) và nói rằng chỉ có họ mới có thể thanh toán lệ phí visa với Bộ
- Những kẻ lừa đảo thường nhận có mối quan hệ đặc biệt với nhân viên Bộ Di Trú Úc hay Tòa Đại sứ Úc ở Việt Nam
- Nói rằng họ cần giữ các giấy tờ gốc của quý vị
Những thông tin cần biết
Chỉ có duy nhất một cơ quan chính thức của chính phủ Úc được phép cấp visa Úc - đó là Bộ Di trú và Biên phòng Úc (DIBP). Trang mạng chính thức của Bộ tại www.border.gov.au.
Nếu quý vị nhận được thư điện tử từ Tòa Đại sứ hoặcTổng lãnh sự tại Việt Nam, địa chỉ thư điện tử phải được kết thúc bằng "@dfat.gov.au".
Bộ Di Trú (DIBP) thu lệ phí thị thực một lần tại thời điểm quý vị nộp hồ sơ xin visa. Quý vị có thể trả lệ phí thị thực trực tiếp cho Bộ hoặc qua Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin visa Úc (AVAC) tại Việt Nam do VFS Toàn Cầu điều hành và không cần phải có đại lý thay mặt quý vị trả phí này.
Không ai có thể gây ảnh hưởng đến kết quả hồ sơ xin visa hoặc quá trình xét duyệt visa. Chỉ các nhân viên có thẩm quyền của Bộ Di trú Úc (DIBP) có thể cấp visa và chỉ làm như vậy khi quý vị đáp ứng đầy đủ mọi yêu cầu về visa.
Bộ Di Trú (DIBP) không có bất cứ quan hệ đặc biệt nào với các cơ quan ngoài Bộ và không dành ưu đãi cho bất kỳ cá nhân nào.
Cách thức tự phòng tránh
Hãy nghi vấn khi được ai đó liên lạc qua điện thoại, thư tín, thư điện tử hoặc gặp trực tiếp về loại visa mà quý vị không nộp đơn xin. Hãy tránh xa người đó, ngừng cuộc nói chuyện điện thoại ngay lập tức hoặc không trả lời thư tín/thư điện tử đó! Chính phủ Úc không liên lạc với ai một cách bất ngờ để chào mời visa.
Nếu muốn sử dụng Dịch vụ Di trú Úc, hãy kiểm tra xem Dịch vụ đó có được đăng ký trên trang mạng của Cơ quan Quản lý Đăng ký Dịch vụ Di trú Úc tại
Nếu dịch vụ này hoạt động ngoài Úc, hãy kiểm tra với các Cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh liên quan để chắc chắn đây là dịch vụ hoạt động hợp pháp.
Tham khảo thêm thông tin về sử dụng Dịch vụ Di trú Úc tại www.border.gov.au/Trav/Visa/Usin/Using-a-migration-agent-in-Australia
Không bao giờ giao hoặc gửi cho bất kỳ ai các giấy tờ nhân thân bản gốc. Các cơ quan chính phủ có thể muốn quý vị trực tiếp xuất trình các giấy tờ gốc của mình trong cuộc hẹn gặp làm việc, hoặc yêu cầu nộp bản sao công chứng, nhưng không bao giờ yêu cầu giữ lại giấy tờ gốc.
Không bao giờ cung cấp các thông tin cá nhân, thông tin về thẻ tín dụng và tài khoản ngân hàng qua thư điện tử hoặc qua điện thoại – các đối tượng gian lận sẽ dùng các thông tin này để thực hiện các gian lận về nhân thân hoặc chiếm đoạt tiền.
Nếu cho rằng mình đã cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng gian lận, hãy thông báo ngay lập tức cho ngân hàng hoặc cơ quan quản lý tài chính của quý vị.