Sáng nay, một buổi sáng đẹp trời yên bình, tôi bỗng nhận được tin nhắn của một người bạn ở Việt Nam bày tỏ nỗi lo lắng mỗi khi dừng xe đợi đèn đỏ.
Tôi không hiểu lắm về nỗi lo lắng đó của bạn cho đến khi bạn gửi cho tôi một đoạn phim về vụ xe container đâm thẳng vào đám đông đang dừng chờ đèn đỏ ở gần cầu Bến Lức, tỉnh Long An.
Nhìn cảnh tượng xe container lao thẳng vào đám đông những người đi xe máy đang tuân thủ đúng luật giao thông mà không hề hay biết nỗi nguy hiểm chết người đang rình rập ngay phía sau, tôi bàng hoàng.
"Tại hiện trường, gần 20 người nằm la liệt, trong đó có 3 người chết tại chỗ. 21 xe máy bị biến dạng. Nhiều xe máy bị gãy đôi, nằm xếp chồng lên nhau, dầu nhớt vương vãi. Một số xe máy kẹt cứng dười gầm xe container," truyền thông trong nước VnExpress đăng tin.
Nguồn tin từ báo Phát luật Online cho hay ngay sau khi tài xế ra đầu thú thì cơ quan chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước tiểu. Kết quả xét nghiệm lần đầu cho thấy tài xế dương tính với chất ma túy trong nước tiểu và trong máu có nồng độ cồn.
Đây không phải là lần đầu tiên xe hơi tông xe máy đang dừng đèn đỏ.
Vào tháng 10 vừa qua, tại ngã tư Hàng Xanh, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, một chiếc xe ô tô chạy tốc độ cao đã cuốn hàng loạt xe máy đang dừng chờ đèn đỏ vào gầm khiến 1 người tử vong và 5 người khác bị thương.
Nguyên nhân là do tài xế buồn ngủ, không làm chủ được tay lái. Trước khi xảy ra tai nạn, tài xế có uống bia trong lúc tham dự một bữa tiệc.
Tai nạn giao thông đã trở thành hiểm họa rình rập bất cứ ai khi ra đường. Đây cũng là một trong những thủ phạm hàng đầu khiến nhiều người thiệt mạng ở Việt Nam.
Theo số liệu của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có khoảng 15.000 người chết vì tai nạn giao thông, riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, đã có gần 17.000 người thương vong, trong đó có hơn 6.000 người thiệt mạng.
Con số báo động về tai nạn giao thông ở Việt Nam thậm chí còn khiến truyền thông trong nước so sánh rằng "khủng khiếp hơn cả chiến tranh và đại dịch thế giới Ebola".
Gần đây nhất, theo số liệu của Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an được đăng tải trên báo VnExpress, trong bốn ngày nghỉ Tết Dương lịch 2019 vừa qua, toàn Việt Nam xảy ra 136 vụ tai nạn giao thông, làm chết 111 người và bị thương 54 người. Và trung bình mỗi ngày nghỉ Tết có gần 28 người chết vì tai nạn.
Nguyên nhân gây tai nạn phổ biến là do vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, chuyển hướng không quan sát và lái xe có hơi men.
Sợ hãi khi dừng đèn đỏ
Ngay sau khi vụ xe container đâm hàng loạt xe máy xảy ra ở Long An, trên các tờ báo và diễn đàn, mọi người tranh luận xôn xao về những nỗi lo khi dừng đèn đỏ.
Một bạn đọc trên trang VTV24 chia sẻ rằng: "Tối nay trên đường về nhà, tôi thật căng thẳng. Tôi dừng đèn đỏ bốn lần và lúc nào cũng phải ngoái đầu lại trong tâm trạng nơm nớp lo sợ. Tôi sợ mình trở thành người tàn tật hoặc ra đi vĩnh viễn chỉ vì vô tình cùng đường với một kẻ vô trách nhiệm nào đó."
Một bạn đọc khác cũng trên trang VTV24 nói rằng "Người Việt mình điếc không sợ súng, họ chạy nhanh hơn khi đèn vừa chuyển đỏ và vụt chạy ngay khi nó chưa kịp chuyển xanh."
Chẳng thế mà truyền thông trong nước những ngày cuối năm 2018 được dịp xôn xao khi Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch Việt Nam Trịnh Thị Thủy chia sẻ tại một hội nghị về giao thông đường bộ được tổ chức vào ngày 24/12 rằng bà bị mắng té tát là đồ nhà quê vì dừng lại chờ đèn đỏ.
"Đúng là con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng," bà Thủy kể.
Chuyện của bà Thủy đã được nhiều người dân đồng cảm. Chị Nga ở Hà Nội chia sẻ với báo Đất Việt rằng chị thường xuyên gặp chuyện dừng đèn đỏ bị mắng. "Đã không ít lần tôi bị chửi vì trên đoạn đường về nhà dừng đèn đỏ, do tôi đứng trước cản đường của những xe phía sau."
Tôi chợt nhớ chuyện cách đây vài hôm khi đưa con đi chơi Giáng sinh ở trung tâm thành phố Melbourne. Chúng tôi đang dừng chờ đèn xanh để sang đường dù không có chiếc xe nào lưu thông lúc đó, một người khách bộ hành cùng đứng chờ khi đó đã nói với tôi rằng: "Giáo dục cho con trẻ tuân thủ luật lệ ngay từ khi còn nhỏ là điều rất tốt."
Kết thúc câu chuyện, người bạn của tôi ngậm ngùi nói giờ đi đường khi dừng đèn đỏ, tốt nhất là tập trung nhìn mọi thứ phía sau qua kính chiếu hậu và tấp sát lề "cho nó lành".