Vào ngày 26/8 Họ cập bến ở gần cửa sông Daintree, đông bắc Queensland, nhưng không may đã bị người dân địa phương phát hiện và báo cáo với cảnh sát.
Tất cả đều bị chính quyền Úc bắt giữ, sau đó đưa sang đảo Christmas tạm giam. Một tuần sau, toàn bộ họ bị trục xuất về Việt Nam.
Theo báo địa phương tỉnh Quảng Bình đưa tin, người tổ chức chuyến đi này là Trần Ngọc Châu và Nguyễn Trung Kiên, hai người đã tìm cách vượt biên sang Úc để làm ăn và dự kiến sẽ lôi kéo thêm nhiều người khác đi cùng. Châu và Kiên đã thỏa thuận với chủ tàu là Phạm Thế Nhân để mua tàu cá với giá 1,7 tỷ đồng và Nhân cùng đồng ý nhận lời đi Úc.
Ngoài ra còn có 14 người khác, tất cả đều là người Quảng Bình. Mỗi người phải đóng 150 triệu đồng cho chuyến đi, trong đó chi phí mua tàu là 1,7 tỷ đồng và mua sắm phục vụ chuyến đi là 800 triệu đồng.
Nhưng không may, khi đến Úc vào ngày 25/8/2018, cả đoàn đã bị cảnh sát Úc phát hiện, bắt giữ và sau đó trục xuất về Việt Nam.
Vào ngày 19 tháng 11, công an tỉnh Quảng Bình đã bắt anh Trần Ngọc Châu và truy tố tội ‘tổ chức người khác trốn đi nước ngoài’.Liên lạc với một trong những người có mặt trên chiếc tàu cá, chị Nguyễn Thị Lương Giang, kể với SBS Vietnamese rằng vì hoàn cảnh chị buộc phải đưa cả con gái 14 tuổi sang Úc.
Anh Trần Ngọc Châu Source: CA tỉnh Quảng Bình
“Tôi bị cướp đất, chính quyền thì khoanh tay đứng nhìn, cả gia đình bây giờ không còn tương lai gì ở Việt Nam, quá chán chường và bế tắc nên mới quyết định ra đi.”
Lý do mà chị Giang đưa ra là vì bố chị đã tự ý bán căn nhà hiện thuộc quyền sở hữu của tổng cộng 7 người trong gia đình mà không hề có sự đồng ý của những người còn lại.
“Tôi cho rằng chuyện mua bán như vậy là không hợp lệ, không có chữ ký của những người khác, nên mọi người quyết không chấp nhận, không ra khỏi nhà. Tôi đã kiện 5 năm nay.
“Hồi tháng 5, một nhóm khoảng 30 người đã đến nhà tôi đập phá, chúng đánh tôi bị gãy xương sườn. Nhưng trong lúc đó thì công an chỉ đứng nhìn mà không làm gì cả.
“Tôi có chụp hình và quay phim lại toàn bộ chuyện này. Sau đó tôi quá chán chường và bế tắc, lại thường xuyên bị gây rối, nên đã cùng con trốn sang Úc. Gia đình cũng không có tiền nên phải vay mượn, đến bây giờ vẫn đang nợ nần.”
Theo lời chị Giang, chuyến đi đến Úc lần này có tổng cộng 17 người, ai cũng có những lý do riêng để muốn đến Úc. Mọi người đã cùng góp tiền cho chuyến đi và lương thực để ăn dọc đường.
Trên đường đi, anh Trần Ngọc Châu bị những người đi cùng trên tàu chém gãy nát xương một bên cánh tay vì họ cho rằng ‘anh không lo liệu đủ tiền mà vẫn đưa họ đi’. Khi đến Úc, dù bị thương tật như vậy và cầu xin, nhưng họ không hề nhận được sự giúp đỡ về mặt y tế nào từ phía Úc.
Ngoài ra, chị Giang cho rằng chính phủ Úc đã ‘nuốt lời’ khi trước đó hứa hẹn sẽ không giao nộp những lời khai của mọi người cho chính phủ Việt Nam. Thế nhưng sau đó toàn bộ lời khai cũng như hình ảnh, video về vụ đánh đập ở Việt Nam chị quay được cũng đã bị phía Úc gửi lại cho công an Việt Nam.
“Hoàn cảnh gia đình tôi bây giờ hoàn toàn bế tắc. Con gái tôi 14 tuổi thì bị đưa lên mặt báo, coi như con tôi bây giờ không còn tương lai nữa. Tôi đã nói tôi có thể đi tù nhưng chỉ mong con tôi có tương lai, nhưng giờ thì chắc chắn cháu không còn gì cả.”
Được biết, trước đó vào ngày 30/10/2018, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tổ chức người khác trốn đi nước ngoài xảy ra tại tỉnh Quảng Bình.
Hồi tháng Tám, Tổng trưởng Nội vụ Peter Dutton đã lên tiếng khẳng định sẽ trục xuất tất cả những người đến Úc bất hợp pháp, ông nói đây là lần đầu tiên sau 4 năm mới có một chiếc tàu buôn người vượt biên vào Úc.