Bị đánh cắp mã số thuế, chuyện không của riêng ai

Khi bị đánh cắp mã số thuế, việc đầu tiên cần làm là gì? Chúng ta có nên đóng phạt cho Sở thuế hay không? Những rủi ro nghiêm trọng mà kẻ xấu có thể lợi dụng mã số thuế của chúng ta là...?

Fake businessman and hacker hands on laptop keyboard

Source: element envato

Mỗi mùa khai thuế đến, không ít người gặp nhiều rắc rối liên quan đến việc khai thuế, mã số thuế, vv. Với những trường hợp bị thất lạc mã số thuế , tuy có mất công nhưng không thiệt hại gì nhiều.

Việc mà mọi người ít mong muốn nhất đó là bị đánh cắp mã số thuế. Nhất là khi Sở thuế ATO gửi thư phạt đến nhà nạn nhân vì lý do ‘quên' đóng thuế ở những công ty mà chính nạn nhân cũng không hiểu...ở đâu ra.

Chị Diệu Linh ở Melbourne phát hiện mình bị đánh cắp mã số thuế khi nhận được thư từ Sở thuế nói rằng chị ấy đang làm việc ở hai công ty nhưng không đóng thuế nên phải đóng phạt 267 đô la.

‘Mình có nhận được thư từ Sở thuế nói mình đang làm việc cho hai công ty với tổng tiền lương khoảng 2,700 đô la. Trong khi đó, mình chưa hề nghe tới và cũng chưa từng làm việc với hai công ty này.’

‘Mình có ghi nhận lại việc đó gửi thư cho Sở thuế nhưng không nhận được phản hồi gì. Đến tầm tháng 6, mình nhận một đơn Notice of Assessment trên tài khoản myGov yêu cầu đóng phạt 276 đô la cho cả hai công ty mà mình không hề làm ở đó.’

Trao đổi với SBS Việt Ngữ, Luật sư Nguyễn Văn Thân cho rằng mã số thuế là một trong những thông tin cá nhân vô cùng quan trọng.  

‘Việc đầu tiên nạn nhân nên làm khi bị mất mã số thuế TFN đó là thông báo cho Sở thuế. Nếu có kẻ ăn cắp mã số thuế của chúng ta, lợi dụng dựng ra một một số doanh nghiệp hoặc tạo số ABN. Từ đó, bọn chúng khai mang khấu trừ thuế để lấy tiền của nhà nước thì đó là việc làm phạm pháp. 

Chúng ta nên cung cấp đầy đủ thông tin để Sở thuế ngăn chặn những việc đó. Họ có thể giúp đỡ chúng ta bằng cách cảnh báo những người khác không nên dùng Mã số đó nữa hoặc cấp cho mình Mã số thuế mới.’

Bị phạt tiền oan, có nguy cơ bị mất uy tín không?

Nhiều người lo ngại rằng mình nhận thư phạt như vậy sẽ ảnh hưởng đến uy tín cá nhân cũng như gây trở ngại cho các hoạt động liên quan đến tài chính như lịch sử tín dụng, vay mua nhà, vv.

Theo LS Nguyễn Văn Thân, chuyện này sẽ không xảy ra.

‘Khi có người đã lạm dụng thông tin cá nhân hoặc mã số thuế của người khác để làm việc phạm pháp, thì đó mới là người phạm tội. Mình không phạm tội thì không nên hành xử như người phạm tội vì nó sẽ đi trái ngược lại với sự thật mình là nạn nhân.

Suốt thời gian điều tra, cảnh sát và Sở thuế không có quyền đưa thông tin của nạn nhân vào ‘danh sách đen’ (black list)* cho các công ty đòi nợ.

Nếu chuyện này xảy ra, chúng ta có quyền đệ đơn khiếu nại với Viện Kiểm sát Liên bang (Commonwealth Ombudsman) để yêu cầu họ can thiệp. Viện Kiểm sát này cũng hỗ trợ nếu như nạn nhân chờ đợi quá lâu mà không nghe phía Sở thuế phản hồi kết quả điều tra.’

Với những người sau khi nhận thông báo đóng phạt, dù biết mình bị oan nhưng vẫn đóng phạt trước và chờ hoàn tiền sau khi vụ việc được điều tra xong, LS Nguyễn Văn Thân cho biết họ nên gửi văn bản đính chính đến Sở thuế khẳng định lý do mình chỉ đóng thuế vì lo lắng ảnh hướng đến uy tín tín dụng chứ không xác nhận vi phạm.

Ngoài ra, nạn nhân cũng có thể nhờ nhân viên kế toán thay mặt liên hệ với Sở thuế để trình bày sự việc.

‘Mình đừng nghĩ rằng thôi cứ đóng cho xong, chờ kết quả điều tra mắc công quá. Vì làm vậy sẽ phần nào tạo điều kiện cho kẻ phạm pháp có cớ để tiếp tục phạm tội. Điều này cũng không tốt cho bản thân mình. Vì khi bạn không phạm tội nhưng lại hành xử như kẻ phạm tội (đóng phạt) thì sau này sẽ khó để khiếu nại.’

Thời gian xử lý những trường hợp bị đánh cắp mã số thuế sẽ thay đổi khác nhau dựa theo mức độ phức tạp, nghiêm trọng riêng của vụ việc. 

Tuy nhiên, người lao động cần nhớ khi họ gửi đơn và có thông báo tiến hành điều tra từ Sở thuế, họ sẽ không bị ảnh hưởng đến uy tín và cũng hoàn toàn có thể xin cấp mã số thuế mới.

Những rủi ro nghiêm trọng nạn nhân có thể phải đối mặt khi bị mất cắp mã số thuế?

Kẻ lấy cắp mã số thuế của người khác có thể khai mang với Sở thuế rằng đây là mã số thuế của nhân viên làm việc tại công ty và từ đó yêu cầu Sở thuế trả lại một phần tiền dựa theo giao dịch thuê mướn giữa công ty với người đó.

Nếu kẻ gian thu thập nhiều thông tin cá nhân khác như Mã số thuế, tên họ, ngày tháng năm sinh của nạn nhân, thì chúng có thể dùng thông tin đó để làm đơn vay tiền qua mạng. Nạn nhân từ đó bỗng dưng trở thành người thiếu nợ với những món nợ khổng lồ ‘từ trên trời rơi xuống’.

Ngoài ra, kẻ giả mạo cũng có thể dùng những thông tin cá nhân đó để ký hợp đồng điện thoại di động với các công ty di động và xài thoải mái khiến nạn nhân phải trả các bill điện thoại lên đến hàng ngàn đô la.

*Black list: Thông thường khi mình bị thiếu nợ, các cơ quan sẽ liên quan với các công ty đòi nợ để hỗ trợ đòi nợ. Nếu người thiếu nợ không hoàn trả số tiền thì danh tính của họ sẽ bị đưa vào danh sách đen này.
Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share
Published 12 July 2019 5:47pm
Updated 12 August 2022 3:27pm
By Khánh Uyên, LS Nguyễn Văn Thân

Share this with family and friends