Bê bối Ngân hàng Úc: Khách hàng không hưởng dịch vụ vẫn bị trả phí $178 triệu

Theo ASIC, khách hàng tại Úc bị "móc túi" 178 triệu Đô la cho các khoản phí dịch vụ cố vấn tài chính mà trên thực tế họ không hề được cố vấn chút nào. Tiền mất có lấy lại được không?

Lost money

Lost money Source: intelligentinvestor.com.au

Trong thời gian gần đây The Big 4 (4 nhà băng hàng đầu nước Úc) liên tục gặp phải các vụ kiện từ khách hàng vì những khuất tất liên quan đến dịch vụ và các khoản phí áp dụng với thẻ tín dụng hay các giao dịch của khách hàng.

Bê bối ngân hàng Úc không dừng tại đó khi báo chí Úc lại mới phanh phui thêm một vụ bê bối mới, liên quan đến hành vi xấu của các ngân hàng Úc khi họ tính phí cho khách hàng, các dịch vụ mà họ không hề cung cấp. 

ASIC công bố con số đáng báo động 

Ngày 27/10, trên trang mạng chính thức của ASIC (Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán Úc) đã công bố một bản phúc trình về hành động tính phí cho các dịch vụ ngân hàng tài chính, cho khách hàng mà trên thực tế lại không hề cung cấp dịch vụ đó.

Theo phúc trình này, ASIC liệt kê một loạt các cách thức mà bộ phận cố vấn tài chính của các ngân hàng sử dụng để tính phí quá đáng với khách hàng.

Con số đáng ngại, hiện nay khách hàng tại Úc bị móc túi 178 triệu Đô la cho các khoản phí dịch vụ cố vấn tài chính mà trên thực tế họ không hề được cố vấn chút nào.

ASIC khẳng định: "Financial Advice: fees for no service."

Ngân hàng nào vi phạm nặng nhất

Theo phúc trình của ASIC, với hàng loạt các vụ bê bối trong thời gian vừa qua, liên quan đến khách hàng và dịch vụ đó thì không ngạc nhiên gì khi mà Ngân hàng Commonweath chính là ngân hàng vi phạm nặng nhất.

CBA sẽ bị buộc phải bồi hoàn cho khách hàng khoảng 106 triệu Đô la, kèm theo tiền lãi. Riêng CBA đã chiếm đến 60% số tiền tính phí quá mức với khách hàng tại Úc.

Thế nhưng, cũng theo ASIC thì CBA đến lúc này mới chỉ trả lại khách được có 576 ngàn Đô la trong tổng số tiền là 106 triệu Đô la. 

ANZ là ngân hàng vi phạm nặng thứ 2, bị buộc phải trả 33.5 triệu Đô la cho khách, nhưng mới trả được gần một nửa.

Kế đến là NAB, bị buộc phải bồi hoàn cho khách hàng là 13.4 triệu Đô la, nhưng tới lúc này cũng mới chỉ trả được gần 1/3 con số đó.

Westpac bị buộc phải trả lại khách hàng 2.4 triệu Đô la tiền phí quá mức với khách, đến lúc này mới trả được một nửa.

Tính phí rất nhanh nhưng có vẻ các ngân hàng trả nợ khách thì hơi chậm.

Tại sao khách hàng bị tính phí vô lý?

Nguyên nhân nằm ở tầm quan trọng của một quy chế trong lĩnh vực tài chính.

FoFA (Future of Financial Advice).

Trong quy chế này trước đây không hề có điều khoản chấm dứt dịch vụ cố vấn tài chính, mà chỉ mới được bổ sung vào với điều khoản Opt-in.

Opt-in có nghĩa là khách hàng sử dụng dịch vụ cố vấn tài chính phải xác nhận rằng họ muốn tiếp tục nhận dịch vụ và sẵn sàng chịu các khoản phí, thì bên cố vấn tài chính mới được phép thực hiện.

Rõ ràng, khi chưa có điều khoản Opt in thì ASIC phát hiện ra rằng, những cố vấn tài chính đã cố tình lờ đi chuyện phải nhắc cho khách hàng biết về việc họ sẽ bị tính phí khi cứ để mặc định tiếp tục dịch vụ cố vấn tài chính, và trong nhiều trường hợp vì để mặc định như vậy nên ngân hàng thì cứ tự động tính phí còn khách hàng thì cũng cứ tưởng là mình chẳng hề sử dụng dịch vụ cố vấn tài chính.

Khoản tiền phí lên đến 178 triệu Đô la đã cho thấy phần thật sự đáng ngại của tảng băng phí dịch vụ mà các ngân hàng đè lên vai khách hàng tại Úc.

Ngân hàng “thiếu trách nhiệm”

Đó là điều mà ASIC mô tả các ngân hàng sau hàng loạt vụ bê bối với khách hàng vừa qua.

Theo ASIC, một lần nữa điều đáng lo ngại là văn hóa của các ngân hàng lớn tại Úc, họ từ chối chịu trách nhiệm, từ vị trí thấp đến các vị trí cao.

Cách đây không lâu, ngay tại Hạ Viện Úc, CEO của ngân hàng CBA đã được hỏi rằng với những bê bối vừa qua, CBA có định đưa các nhân viên chịu trách nhiệm ra để xử lý không?

Ông Ian Narev trả lời: "vào thời điểm này chúng tôi không đưa cá nhân nào ra để mà xử lý bởi vì chúng tôi thấy là không cần phải làm như thế."    

Tất nhiên, thực tế thì khi có bằng chứng không thể chối cãi thì mới thấy các ngân hàng sa thải các chuyên gia cố vấn tài chính của mình.

Còn ngay cả 2 CEO của ngân hàng ANZ và Macquarie cũng đã nói họ không chịu trách nhiệm cho những bê bối của ngân hàng họ.

Có vẻ như các viên chức cao cấp của ngân hàng gần như “miễn dịch” khỏi từ trách nhiệm sau bê bối.


Share
Published 31 October 2016 10:41am
By Xuân Ngọc
Source: ASIC, ABC News

Share this with family and friends