Watson là một đơn vị bầu cử có diện tích 47km vuông thuộc nội ô Tây Sydney bao gồm các vùng Campsie, Belmore, Lakemba, Roselands, Wiley Park, Mount Lewis, Punchbowl, Greenacre, Croydon Park, Enfield, South Strathfield và vài phần thuộc Lidcombe.
SBS Vietnamese: Tại sao ông chọn Watson là nơi để phát triển sự nghiệp chính trị?
KOUKOULIS: Lý do chọn Watson là tôi đã lớn lên ở đó, tôi sống ở đó trong suốt 36 năm. Với bốn người con, và thêm đứa thứ năm sắp chào đời (cười). Tôi thấy nước Úc đang trải qua nhiều sự thay đổi, và đơn vị bầu cử Watson cũng vậy, đã không được đối xử công bằng. Đó là một trong những động lực thúc đẩy tôi. Tôi cũng có nhiều thời gian nói chuyện với người dân ở Watson, không phải chính trị gia mà là những người dân bình thường, những cử tri. Và qua đó, tôi nhận ra rằng những người tôi nói chuyện không cảm thấy hài lòng với người dân biểu của họ tại Watson. Họ cảm thấy tiếng nói của họ đã không được lắng nghe. Đó cũng chính xác là những gì bản thân tôi cảm nhận. Vì vậy tôi nghĩ rằng có lẽ tôi phải làm một điều gì đó. Từ chính tiếng nói của người trong cuộc.
SBS Vietnamese: Những vấn đề mới nhất khiến ông phải thôi thúc ứng cử lần này là gì?
KOUKOULIS: Có thể một động lực khiến tôi phải đứng lên đó là nền kinh tế hiện nay đang gặp khó khăn. Và sau đó, vấn đề binh lính xuất hiện trên đường phố để bắt buộc người dân đi chích ngừa, tôi thấy đây không phải là điều nước Úc mong muốn cho những đứa con của mình. Tôi lớn lên ở Watson, đó là một vùng rất xinh đẹp, nhiều sự tự do và biện pháp dân chủ. Một bầu không khí đa văn hoá và mọi người đều chăm lo cho gia đình mình. Và sau đó tôi nhìn thấy sự cô lập kinh tế xã hội xảy ra ở Watson, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó, đó không phải là vấn đề của ai khác. Đó là vấn đề mà bản thân chúng ta phải làm.
SBS Vietnamese: Lúc nãy ông nói đến sự thay đổi của Watson, đó là vấn đề thay đổi thuộc về kinh tế xã hội hay về dân cư và văn hoá?
KOUKOULIS: Vấn đề chính là hiện nay nước Úc đang nợ tới 1 ngàn tỷ, với tỉ lệ lạm phát 3.5%. Một trong những điều chúng tôi lo ngại nhất ở Watson là đã phát sinh qúa nhiều sự xây dựng. Bản thân tôi là một ứng viên đảng UAP tại Watson, tôi muốn bảo vệ những ngôi nhà của nước Úc, và cuộc sống tốt đẹp của nước Úc. Đa số người dân Watson sở hữu ngôi nhà của họ hoặc đang trả mortgage. Vì vậy với mức độ gia tăng sự xây dựng trong vùng, có một nỗi sợ hãi rằng một khi sự xây dựng tăng thêm, thì sẽ có tới 6 đến 8% dân số Watson bị mất nhà cửa, và họ đã thế chấp ngôi nhà của mình cho một khoản vay kinh doanh. Các khoản vay kinh doanh này được mặc định như các mortgage. Đó là mối quan tâm lớn nhất của chúng tôi. Vì vậy, nhìn từ góc độ kinh tế, chúng tôi muốn giảm bớt tỉ lệ xây dựng xuống 3% trong 3 năm tới, và bảo vệ nhà ở cho người dân Úc.
SBS Vietnamese: Liệu điều ông nói có thể tăng thêm tỉ lệ sở hữu nhà cho người Úc không?
KOUKOULIS: Như tôi nói nó sẽ giúp bảo vệ nhà ở tại Úc. Hiện nay nền kinh tế đang rơi tự do. Chúng ta có một sự lạm phát làm gia tăng chi phí sinh hoạt, bạn có thể cảm nhận được, nhưng lương thì không tăng, tỉ lệ tăng lương không tương xứng với tỉ lệ lạm phát. Người ta vay mượn rất nhiều tiền để mua nhà. Kết quả cuối cùng là chúng ta có thể nhận được vốn chủ sở hữu âm với ngôi nhà của mình, và khoản vay mua nhà trở nên lớn hơn so với giá trị của căn nhà. Và mọi người sẽ suy sụp. Chúng tôi muốn bảo vệ nhà cửa cho người Úc, chúng tôi bảo đảm mọi người giữ được ngôi nhà của mình. Chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi sống bằng cách giảm thuế cho khu vực miền quê 20%. Chúng tôi cũng mong muốn những người lãnh trợ cấp được nhận thêm 280 đô la cho mỗi hai tuần, để giúp họ trang trải chi phí sinh hoạt ngày càng tăng. Bởi vì hầu hết những người lãnh trợ cấp hiện nay đang sống dưới mức nghèo khổ.
SBS Vietnamese: Giải quyết vấn đề ông vừa nói, thì Lao Động hứa hẹn tăng thêm số lượng nhà chính phủ nếu họ thắng cử, và Liên đảng chú ý đến vấn đề tư vấn việc làm, với các chương trình và ngân sách hỗ trợ tay nghề và cung cấp công ăn việc làm. Các biện pháp cụ thể của đảng AUP là gì?
KOUKOULIS: Thú vị khi nói đến chính sách của Lao Động, vốn chỉ có thể thực hiện với một nền kinh tế mạnh mẽ, còn nền kinh tế chúng ta hiện nay đang rơi tự do. Điều chúng tôi sẽ làm đầu tiên là cố gắng trả món nợ 1 nghìn tỷ mà nước Úc đang nợ. Chúng tôi sẽ đặt ra một khoản lệ phí cấp giấy phép mà chúng ta cấp cho các nguồn xuất cảng tới Á Châu lên 15%. Và chúng tôi hứa rằng mỗi một xu từ số tiền đó sẽ đắp vào để trả món nợ của chúng ta. Sau đó, chúng ta sẽ có tiền để chi tiêu cho người Úc về giáo dục, nhà ở, bệnh viện và cho nền kinh tế. Chúng tôi cũng mong muốn rút 3 nghìn tỉ từ quỹ hưu bổng, đầu tư số tiền đó vào nền kinh tế và tiêm kích cho nền kinh tế, để giúp kinh tế phát triển. Và điều này sẽ dẫn tới công ăn việc làm, sản xuất tăng thêm sẽ cải thiện nước Úc, giúp chúng ta không bị phụ thuộc và các thế lực bên ngoài để sống sót. Hiện tại, vì nước Úc quá phụ thuộc vào các thế lực bên ngoài, nên chúng ta không thể ra những quyết định mà chúng ta muốn đưa ra để giúp cho kinh tế Úc. Chúng tôi muốn xoay chuyển điều đó.