Key Points
- Sau 9 lần RBA nâng lãi suất, khoản trả góp nhà hàng tháng tăng theo, gần gấp 3 so với thời gian đại dịch.
- Chi phí sinh hoạt tăng, nhiều chủ nhà đang cạn kiệt khả năng chi trả phải đưa ra quyết định bán nhà.
- Nếu vừa mua nhà trong khi thị trường đỉnh điểm, khả năng cao họ bị âm vốn chủ sở hữu.
Lãi suất tiền mặt đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử, với 9 lần tăng lãi suất đã được Ngân hàng Trữ kim (RBA) đưa ra, lãi suất tiền mặt đang ở mức 3.35% sau đợt tăng gần nhất đầu tháng Hai. Và có khả năng tiếp tục tăng cho đến cuối năm tài chính hiện tại.
Nợ nhà với lãi suất thả nổi (variable mortgage rates) thường cao hơn vài điểm phần trăm so với lãi suất tiền mặt chính thức của RBA, khiến hầu hết những người đi vay nợ mua nhà đối mặt với mức lãi suất 5 đến 6%, cao hơn gấp đôi so với trong thời gian đại dịch khi lãi suất nợ nhà chỉ ở mức 2%.
Khoản trả góp hàng tháng tăng theo lãi suất
Chuyên viên bán nhà Jazmin Pfluger ở Melbourne và Tanmay Goswami ở phía tây Sydney đã nhận thấy xu hướng bán nhà vì không trả nổi nợ nhà.
Cả hai cùng chứng kiến những chủ nhà hết sức đau khổ khi tìm đến họ, không còn khả năng chi trả các khoản nợ nhà khi lãi suất tăng vọt và lạm phát ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
"Hiện chúng tôi đang nhận được cuộc gọi từ rất nhiều chủ nhà, họ đang phải vật lộn với các khoản trả nợ, vì vậy họ đang tìm cách bán nhà," ông Goswami nói với ABC News.
Ngoài thực tế nợ nhà tăng lên, lạm phát tăng cao với tốc độ quá nhanh đã đẩy các chi phí hàng ngày khác tăng lên, từ miếng thịt bó rau đến quần áo giày dép, và hóa đơn điện gas.
Tỷ lệ lạm phát hàng năm hiện nay ở Úc là 7,8%, theo số liệu của Nha Thống kê (ABS) công bố ngày 25 tháng Một. Tức lạm phát đã tăng 276% trong vòng một năm, tỷ lệ lạm phát năm 2021 chỉ 2.86%.
Theo đó, mỗi món đồ trong đời sống hằng ngày có khả năng đã tăng gấp đôi so với giá năm 2021. Thực tế nhiều chủ nhà đang cạn kiệt khả năng chi trả.
Âm vốn chủ sở hữu
Giá bất động sản bùng nổ trong đại dịch khi lãi suất ngân hàng giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Giá trị nhà đã tăng vọt hơn 25% trên toàn quốc và nhiều người đã mua ở mức hoặc gần hoặc cao nhất của thị trường.
Dữ liệu mới nhất của CoreLogic cho thấy giá nhà đã giảm trung bình thêm 1% trên toàn quốc vào tháng trước và hiện giảm 8,9% so với mức cao nhất gần đây nhất.
Sydney tiếp tục dẫn đầu trong danh sách trượt dốc, giảm 13,8% kể từ khi thị trường đạt đỉnh vào tháng Một 2022, với giá nhà trung bình lần đầu tiên trở lại mức dưới 1 triệu đô la kể từ tháng Ba 2021.
Với những người mua nhà trong vòng ba năm trở lại đây, đưa nhà lên thị trường rao bán, khả năng rất lớn họ không thể bán ra với mức đã mua vô, thậm chí, trong tình huống tệ hơn, không đủ bù đắp khoản nợ ngân hàng.
Tình trạng này được gọi là âm vốn chủ sở hữu (negative equity) và có khả năng dẫn đến phá sản đối với những người vay vẫn còn nợ ngân hàng ngay cả khi căn nhà đã được bán.
Tình hình đặc biệt bấp bênh với khoảng 800.000 căn nhà có nợ ngân hàng (và ít nhất 200.000 ở Sydney) trong năm nay sẽ chuyển từ lãi suất đại dịch khoảng 2% sang lãi suất thay đổi gần gấp ba mức này.
Tổ chức tài chính KPMG Australia đầu tháng này ước tính rằng những người có khoản thế chấp nợ nhà trung bình là $600.000 sẽ phải đối mặt với khoản tăng $16.500 trong khoản trả nợ hàng năm của họ khi chuyển từ khoản vay có lãi suất cố định sang lãi suất thả nổi.
Tác động tài chính sẽ còn lớn hơn ở Sydney, do quy mô nợ nhà lớn hơn.
Có một nguy cơ rõ ràng vào lúc này là việc bắt buộc phải bán nhà sẽ tăng tốc ở nhiều thành phố lớn, đặc biệt là Sydney, vào năm 2023. Điều này sẽ khiến giá trị nhà tiếp tục giảm mạnh.