ATO điều tra 800 người Úc sau khi hồ sơ tài chánh của họ bị tiết lộ

Sở Thuế Liên Bang (ATO) hiện đang điều tra 800 công dân Úc có tên trong hồ sơ được gọi là "Panama Papers" vốn tiết lộ chi tiết các giao dịch thuế và tài chánh của họ.

ATO

(AAP) Source: AAP

Sở Thuế Liên Bang (ATO) hiện đang điều tra 800 công dân Úc có tên trong hồ sơ được gọi là "Panama Papers" vốn liệt kê chi tiết các giao dịch thuế và tài chánh.

Cuộc điều tra được tiến hành sau khi hơn 11 triệu hồ sơ giao dịch thuế và tài chánh của công ty luật Mossack Fonseca ở Panama bị lộ ra ngoài.

Đầu tiên tờ báo Đức Sueddeutsche Zeitung có được các hồ sơ cách đây hơn một năm và chia sẻ với Hiệp hội các ký giả điều tra quốc tế (ICIJ).

Là thành viên của ICIJ, các ký giả của chương trình Four Corner của ABC, cũng đã đọc được các hồ sơ này.

ABC tìm thấy hơn 1.000 đầu mối có dính dáng đến người Úc, bao gồm chi tiết cá nhân và bản sao hộ chiếu của hàng   trăm người Úc.

Trong một tuyên cáo, Phó giám đốc của ATO, ông Michael Cranston cho biết một số trong danh sách này vốn đã bị điều tra trước đây, cũng như một số đã cung cấp thông tin các giao dịch của họ cho Sở Thuế.

Tuy nhiên một số người, trong đó có nhiều người rất giàu, chưa kê khai đầy đủ các giao dịch tài chánh của họ và Sở Thuế đã bắt đầu điều tra.

ATO cho biết trong số 800 công dân Úc được nhận dạng, 120 người có liên hệ với một công ty dịch vụ tài chánh có trụ sở tại Hồng Kông.

Theo phân tích của ABC thì 418 bản sao hộ chiếu được lưu trong số hồ sơ bị tiết lộ có dính líu đến hàng trăm công ty thông qua vài chục công ty cung cấp dịch vụ tài chánh ở nước ngoài.

Những hồ sơ này là tài sản của công ty luật Mossack Fonseca có trụ sở tại thiên đường thuế Panama.

Công ty luật này tuy không nổi tiếng lắm nhưng là một trong những công ty hàng đầu trên thế giới chuyên giúp thân chủ thành lập các công ty con thường dùng để che đậy sở hữu tài sản một cách hợp pháp.

Số hồ sơ bị tiết lộ có chứa chi tiết của hơn 200.000 công ty con, các quỹ tài chánh và quỹ ký thác đủ loại.

Các thông tin bao gồm điện thư, hợp đồng, báo cáo ngân hàng, bằng khoán, bản sao hộ chiếu và những thông tin nhạy cảm khác kéo dài từ 1977 cho đến tháng 12/2015.

Nhiều người nổi tiếng bị phơi bày

Hơn 11 triệu hồ sơ bị tiết lộ có chứa đựng chi tiết các giao dịch tài chánh của một số người giàu nhất trên thế giới, kể cả 12 đương kiêm và cựu lãnh đạo thế giới, và hơn 128 chính trị gia và công chức trên thế giới.

Đặc biệt hồ sơ có dính líu đến các cộng sự của Tổng thống Nga, Vladimir Putin và Thủ tướng Iceland, Sigmundur David Gunnlaugsson.

Báo The Guardian công bố một video trên website của báo cho thấy họ đã phỏng vấn ông Gunnlaugsson, người được cho là chủ nhân của một công ty đóng ở ngoại quốc với hàng triệu đôla trái phiếu của ngân hàng Iceland trong giai đoạn nước này bị khủng hoảng tài chánh.

Khi bị chất vấn về công ty đó Thủ tướng Gunnlaugsson. phủ nhận mọi sai trái trước khi bước ra khỏi cuộc phỏng vấn.

"Vợ tôi đã bán một phần trong công ty của gia đình. Nó được giao cho một ngân hàng quản lý và ngân hàng tiến hành sắp xếp lại và công ty đó là kết quả."

"Tôi không biết những chuyện này hoạt động như thế nào, nhưng mọi thứ đã được kê khai trong báo cáo thuế ngay từ đầu rồi," ông Gunnlaugsson nói.
 
Các hồ sơ bị rò rỉ cũng tiết lộ hoặc nhận dạng những trường hợp sau:

  • Các công ty ở ngoại quốc của Thủ tướng Pakistan, Quốc vương Ả-rập Saudi, và con cái của Tổng thống Azerbaijan.

  • Các công ty ở ngoại quốc có liên quan đến gia đình của Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, cũng như của Tổng thống Ukraine, Petro Poroshenko.
  • 29 tỉ phú nằm trong danh sách 500 người giảu nhất trên thế giới do tạp chí Forbes ấn hành.

  • 33 cá nhân và công ty nằm trong sổ bìa đen của chính phủ Hoa Kỳ vì có bằng chứng họ lảm ăn với các trùm ma túy Mễ Tây Cơ và các tổ chức khủng bố như Hezbollah, hay các nước thù nghịch như Bắc Hàn.

  • Chi tiết giao dịch tài chánh của người cha quá cố của Thủ tướng Anh, David Cameron, một người dẫn đầu trong việc vận động cải tổ luật chi phối các thiên đường thuế.

  • Tài tử Hồng Kông Thành Long có ít nhất 6 công ty ở ngoại quốc.
Tuy vậy cũng như nhiều thân chủ của công ty luật Mossack Fonseca, không có bằng chứng cho thấy Thành Long sử dụng các công ty con ở ngoại quốc.

Thành lập một công ty con ở ngoại quốc không phải là chuyện bất hợp pháp, và đối với một số công ty quốc tế đó là một lựa chọn hợp lý.

Các thân chủ của công ty luật Mossack Fonseca còn có những người mua bán ma túy, trốn thuế, và ít nhất một tội phạm tình dục đã từng phải ngồi tù.


Share
Published 4 April 2016 2:35pm
Updated 4 April 2016 5:18pm
By Quốc Vinh

Share this with family and friends