Hạnh phúc để phát triển bền vững
Bản Phúc trình Thế giới Hạnh phúc năm 2016, , xếp hạng 157 quốc gia theo mức độ hạnh phúc của người dân, vừa được công bố hôm qua, 16/03/2016 tại Rome, chỉ trước ngày Hạnh phúc Thế giới, 20/03 do Liên Hiệp Quốc đề xướng vài ngày.
Sau ba bản phúc trình trước đây, Phúc trình Thế giới Hạnh phúc ngày càng được nhiều người đón nhận hơn, phản ảnh sự quan tâm ngày càng gia tăng trên toàn cầu trong việc sử dụng hạnh phúc và chất lượng cuộc sống là chỉ dấu quan trọng hàng đầu trong việc đánh giá sự phát triển của con người.
Bởi vì sự quan tâm đến hạnh phúc ngày càng rõ rệt, nhiều chính phủ, cộng đồng và các tổ chức đang sử dụng dữ liệu hạnh phúc, và các kết quả của nghiên cứu về chất lượng cuộc sống, khi thảo các chính sách hỗ trợ cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
"Đo lường mức độ hạnh phúc tự cảm nhận và mức độ đạt được chất lượng cuộc sống, nên được đưa vào chương trình nghị sự của mỗi quốc gia khi họ bắt đầu theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững," Giáo sư Jeffrey Sachs, giám đốc Viện nghiên cứu Trái Đất (Earth Institute) của Đại học Columbia cho biết.
Úc nằm trong nhóm 10 quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới Source: AAP
"Đo lường mức độ hạnh phúc tự cảm nhận và mức độ đạt được chất lượng cuộc sống, nên được đưa vào chương trình nghị sự của mỗi quốc gia khi họ bắt đầu theo đuổi các mục tiêu phát triển bền vững," Giáo sư Jeffrey Sachs
Từ trên xuống, từ dưới lên
10 quốc gia dẫn đầu trong phiên bản theo thứ tự là Đan Mạch, Thụy Sĩ, Băng Đảo, Na Uy, Phần Lan, Canada, Hòa Lan, New Zealand, Úc, và Thụy Điển.
Canada là quốc gia duy nhất thuộc châu Mỹ trong bảng danh dự 10, và không quốc gia nào ở châu Á lọt vô nhóm dẫn đầu này.
10 quốc gia từ dưới đếm lên là Burundi, Syria, Togo, Afghanistan, Benin, Rwanda, Guinea, Liberia, Tanzania và Madagascar.
Tây Á có Syria, Trung Nam Á có Afghanistan, Madagascar là đảo quốc ở Ấn Độ Dương và 7 nước còn lại trong bảng về chót này đều ở châu Phi.
Vị trí khiến người ta suy nghĩ nhất trong bản phúc trình là một vùng đất ở Tây Á, nơi tồn tại cùng lúc hai sắc dân có thể nói là không đội trời chung, Do Thái và Palestine. Israel xếp thứ 11 trong những quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Xếp hạng hạnh phúc những cường quốc kinh tế châu Á thì Singapore 22, Thái Lan 33, Đài Loan 35, Nhật 53, Nam Hàn 58, Hồng Kông 75.
Trung Quốc xếp hạng 83, lạ lùng thay Bhutan xếp hàng ngay sau đó 84, và Việt Nam đứng vị trí 96 trên tổng cộng 157 quốc gia trong khảo sát này.
Hoa Kỳ xếp hạng 13 (cao hơn năm rồi 2 hạng), Đức 16, Vương quốc Anh 23, và Pháp hạng 32.
Đan Mạch đã vượt qua Thụy Sĩ, trở thành xứ sở hạnh phúc nhất trên thế giới 2016 Source: United Nations Sustainable Development Solutions Network
Giàu hơn chưa chắc đã hạnh phúc hơn
Giáo sư Jeffrey Sachs, người đứng đầu Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững SDSN đầy cảm xúc khi chia sẻ với AAP cảm nhận của ông trước thứ hạng hạnh phúc của quê hương mình.
"Có một thông điệp rất mạnh mẽ cho đất nước tôi, Hoa Kỳ, một đất nước rất giàu có, và càng ngày càng giàu có hơn rất nhiều so với 50 năm trước, nhưng người dân không hạnh phúc hơn", giáo sư nói.
"Thông điệp cho nước Mỹ rất rõ ràng, cho một xã hội chỉ chạy theo đồng tiền, chúng ta đang theo đuổi những thứ sai lầm. Cấu trúc xã hội của chúng ta đang trở nên rệu rã hơn, lòng tin xã hội đang suy giảm đi, niềm tin vào chính phủ đang cạn kiệt đi," ông nói.
Phúc trình Thế giới Hạnh phúc năm 2016 là bản phúc trình thứ tư của thể loại này, khảo sát mức độ hạnh phúc của người dân tại 157 quốc gia, dùng những yếu tố như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), số năm sống khỏe mạnh và tuổi thọ.
Phúc trình này cũng đánh giá yếu tố ‘có ai đó để dựa dẫm khi khó khăn’, và sự tự do trước hiện tượng tham nhũng trong chính phủ và doanh nghiệp.
Khảo sát lần này cho thấy ba nước Ái Nhĩ Lan, Băng Đảo và Nhật Bản, đã có thể duy trì mức độ hạnh phúc của họ bất chấp những cú sốc từ bên ngoài, ví dụ như cuộc khủng hoảng kinh tế sau năm 2007 và trận động đất dữ dội năm 2011, nhờ sự tương trợ xã hội và tinh thần đoàn kết.
"Thông điệp cho nước Mỹ rất rõ ràng, cho một xã hội chỉ chạy theo đồng tiền, chúng ta đang theo đuổi những thứ sai lầm", Giáo sư Sachs
Giáo sư Sachs từ SDSN nhắc đến Costa Rica với AAP, quốc gia đứng thứ 14, thứ hạng hạnh phúc cao hơn những quốc gia giàu có, như một ví dụ của một xã hội lành mạnh, hạnh phúc mặc dù đất nước này không phải là một cường quốc kinh tế.Phúc trình do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững (Sustainable Development Solutions Network, ) thực hiện, do Giáo sư John F. Helliwell từ Đại học British Columbia và Canadian Institute for Advanced Research; Giáo sư Richard Layard, Giám đốc Well-Being Programme tại LSE’s Centre for Economic Performance; và Giáo sư Jeffrey Sachs, Giám đốc Earth Institute và SDSN, biên tập.
Núi lửa Arenal ở Costa Rica, một trong những đại danh làm du khách yêu thích Source: http://theodysseyonline.com